Thứ 7, 23/11/2024, 10:30[GMT+7]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu

Thứ 5, 27/02/2020 | 08:19:56
1,594 lượt xem
Ngày 26-2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các dự án đầu tư trên địa bàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc.

Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần đoàn kết trong hệ thống chính trị của tỉnh là đáng mừng. Tỉnh đã tập trung mũi nhọn và nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, chuyển hướng cơ cấu sản xuất sang công nghiệp - dịch vụ. Phát triển toàn diện cả kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tạo nên sự thay đổi bộ mặt rõ nét. Năm qua, tỉnh đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu đề ra, đóng góp vào thành tích chung của đất nước. Bạc Liêu đang hướng tới là tỉnh đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của Tây Nam Bộ. Tỉnh có khát vọng đoàn kết cùng phát triển mạnh mẽ…

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 đối với tỉnh, đó là tập trung triển khai Nghị quyết 01 và 02; bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2020 - một năm có nhiều khó khăn, thử thách trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19. Thủ tướng nhắc lại, Chính phủ chưa điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm nay, do đó, Thủ tướng mong Bạc Liêu quan tâm cao, có các giải pháp thúc đẩy phát triển mạnh mẽ. Tỉnh cần bảo đảm tổ chức tốt Đại hội đảng các cấp; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tỉnh cần tập trung vào mũi nhọn: rà lại các xã chưa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, thúc đẩy hoàn thành nông thôn mới, qua đó cải thiện đời sống nhân dân. Bạc Liêu (cùng Cà Mau) cần trở thành trung tâm sản xuất tôm lớn nhất của cả nước, qua đó thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng tôm đi các thị trường lớn; phát triển trồng lúa chất lượng cao, tạo thương hiệu nổi tiếng. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp phù hợp biến đổi khí hậu. Tận dụng lợi thế của địa phương. Triển khai mạnh mẽ các dự án năng lượng điện trên địa bàn; các dự án nhiệt điện khí quy mô lớn trên địa bàn làm đúng quy trình, đúng pháp luật, thận trọng; thường xuyên bám sát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn để triển khai nhanh dự án, nhất là các dự án phục vụ nhân dân. Tận dụng thế mạnh tự nhiên của tỉnh để phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời.

Phát triển khu công nghiệp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế; phát triển văn hóa, du lịch. Phát triển hạ tầng giao thông, do đó, Bộ Giao thông vận tải phải công bố quy hoạch giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt đối với đồng bằng sông Cửu Long. Chọn dự án trọng điểm của địa phương để chuẩn bị đầu tư. Xã hội hóa nguồn lực đầu tư, coi trọng đầu tư tư nhân để thúc đẩy phát triển. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, gồm: chuyên gia, cán bộ quản lý, công nhân lành nghề. Phát triển doanh nghiệp các loại hình sản xuất và dịch vụ. Bảo vệ môi trường để gìn giữ một Bạc Liêu xanh, sạch, đẹp; phát động người dân trồng cây xanh để khách tới Bạc Liêu có thể thấy “lúa xanh, biển xanh và nhiều cây xanh”. Coi trọng công tác ứng phó biến đổi khí hậu, đề phòng sạt lở bờ biển.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị, đề xuất của Bạc Liêu.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày