Thứ 7, 04/05/2024, 12:09[GMT+7]

Phát huy dân chủ trong lựa chọn cán bộ

Thứ 7, 07/03/2020 | 08:29:48
1,850 lượt xem
Tại thời điểm này, nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu tiến hành đại hội chi bộ cấp cơ sở để tiến hành đại hội cơ sở. Cán bộ cơ sở là nơi gần dân, sát dân, giải quyết công việc hàng ngày với dân, và là tiền đề để lựa chọn nhân sự cho cấp trên cơ sở. Vậy làm sao để lựa chọn được cán bộ tiêu biểu, xứng đáng? Nhiều ý kiến cho rằng cần phát huy dân chủ trong lựa chọn cán bộ.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Hiện nhiều chi bộ, đảng bộ cấp cơ sở của TP. Hà Nội đã tiến hành xong đại hội điểm. Ngay sau đại hội điểm từng đơn vị, Ban Thường vụ các quận ủy, huyện ủy của TP. Hà Nội đã tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm và coi đây là đợt tập huấn trực tiếp, vừa cụ thể, vừa có chiều sâu đối với các tổ chức cơ sở đảng nhằm chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt để tổ chức thành công đại hội đảng các cấp và đại hội lần thứ 17 Đảng bộ TP. Hà Nội.

Liên quan đến việc lựa chọn cán bộ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, cho biết có hai vấn đề quan trọng trong việc lựa chọn cán bộ tại đại hội lần này. Theo đó, không có quy hoạch thì dứt khoát không đưa vào. Bên cạnh đó là tiêu chí, tiêu chuẩn của cán bộ cấp ủy các cấp về bằng cấp, chứng chỉ, về bảo vệ chính trị nội bộ. Kỳ này quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn và không có sự vận dụng như nhiệm kỳ trước, đặc biệt là cơ cấu 3 độ tuổi, cơ cấu trẻ, cơ cấu nữ đảm bảo theo các tiêu chí.

Hiện Ninh Bình cũng đang trong quá trình đại hội chi bộ cấp cơ sở để tháng 6 hoàn thành đại hội cấp cơ sở, tháng 8 cấp huyện và tháng 10 cấp tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương cho rằng: Trước đây khi chưa có các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng như: Trung ương 4 khóa XI, XII thì công tác cán bộ vẫn có chuyện thăng tiến “thần tốc”, “con cháu các cụ” thường có sự ưu tiên. Nhưng lần này, sau khi có các nghị quyết về xây dựng Đảng, đặc biệt vừa qua Trung ương đã thể chế hóa một loạt vấn đề xây dựng Đảng bằng các quy định, quy chế, quy trình cho nên công tác cán bộ không dễ có chuyện "thích" ai có thể bố trí.

Theo ông Phương, các quy định hiện nay khá chặt chẽ, công tác cán bộ là quyền của tập thể, vì vậy Bí thư hay Chủ tịch “thích" ai cũng chỉ là cá nhân, còn quyết định là do tập thể. Dân chủ thực sự chứ không hình thức như trước đây. Nhất là đối với cán bộ chủ chốt, quy trình phải qua 5 bước như: bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm từ hội nghị chủ chốt đến hội nghị cấp ủy, rồi hội nghị thường vụ, sau đó quyết định cuối cùng dựa trên các căn cứ. “Các căn cứ tuy chỉ là tham khảo nhưng lại vô cùng quan trọng. Đơn cử việc lấy phiếu tại hội nghị chủ chốt mà phiếu thấp, ở hội nghị ban chấp hành tín nhiệm cũng không cao thì thường vụ cũng không thể quyết định bổ nhiệm một người có phiếu thấp”- ông Phương cho hay.

Cũng theo ông Phương, cán bộ được lựa chọn phải đảm bảo rất nhiều yếu tố. Thứ nhất phải được sự tín nhiệm của tập thể qua các hội nghị lấy phiếu. Muốn vậy bản thân cán bộ đó phải có năng lực, gương mẫu, thực sự được thừa nhận mới nhận được phiếu cao. Cho nên công tác lựa chọn cán bộ cho đại hội cơ sở hiện đã chặt chẽ hơn. Ông Phương nói: “Từ trong chỉ đạo của Bộ Chính trị, cho đến các hướng dẫn của Trung ương rất cụ thể. Để chọn nhân sự vào cấp ủy phải trải qua nhiều khâu, nhiều bước. Tuy thủ tục có thể hơi dài nhưng đó là sự cần thiết. Không dễ gì cán bộ ở nơi cư trú, nơi công tác bỏ phiếu cho anh nếu anh không thực sự gương mẫu và có năng lực phẩm chất. Đấy chính là thông tin quan trọng để người quyết định cuối cùng lựa chọn anh vào nhân sự cấp ủy. Việc lựa chọn cán bộ cho đại hội lần này khó “dĩ hòa vi quý” vì hội nghị cán bộ chủ chốt có hàng trăm người. Làm sao có thể được lòng hết cả trăm người nếu anh không thực sự có năng lực và được thừa nhận?, vì anh không thể “chạy” được hàng trăm người. Do đó, tôi tin tưởng công tác nhân sự cho đại hội cấp cơ sở sẽ chọn được cán bộ đúng mực, khắc phục được việc "cậy quyền, cậy tiền, mối quan hệ”. 

Trong khi đó, theo ông Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, ở các nhiệm kỳ trước, cơ quan tổ chức cán bộ tham mưu, rồi cấp ủy quyết định danh sách dự kiến trình đại hội để đại hội bầu vào cấp ủy. Nhưng nhiệm kỳ này nên phát huy dân chủ trong Đảng và dân chủ trong xã hội. Cán bộ, đảng viên, nhân dân sẽ phát hiện được cán bộ tốt, cán bộ chưa xứng đáng. Việc phát huy dân chủ trong Đảng, trong dân phải tiến hành từ khi làm quy trình nhân sự, trước khi làm quy trình nhân sự từ cấp xã, phường, tỉnh, thành phố, thậm chí Trung ương thì nên thăm dò trong dân, trong cán bộ, đảng viên để phát hiện cán bộ nào thực sự xứng đáng vào cấp ủy.

Cho biết hiện tại tỉnh Đồng Tháp đang tiến hành đại hội chi bộ cấp cơ sở, ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong lựa chọn nhân sự chủ chốt cấp cơ sở cần lựa chọn cán bộ có tâm, có trách nhiệm, sát dân, gần gũi với người dân, được tín nhiệm trong đảng bộ và nhân dân nơi đó tín nhiệm mới là điều cốt lõi. Bởi nếu đòi hỏi cán bộ cấp cơ sở vừa có “tâm”, vừa có “tầm” là rất khó.

Lý giải cho nhận định cần quan tâm đến yếu tố “tâm” trước yếu tố “tầm”, theo ông Hòa, cơ sở là “túi đựng”, các đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều dồn về cơ sở. Do đó cán bộ cơ sở, nhất là Bí thư, Chủ tịch không chỉ biết lý luận mà còn tuyên truyền vận động để người dân nghe và thực hiện theo. “Theo quy định của Trung ương, cho phép cán bộ cơ sở chỉ cần bằng trung cấp là được, còn từ cấp huyện trở lên mới bằng đại học. Vì vậy cần chọn người sát với dân và được cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân tín nhiệm”-ông Hòa bày tỏ.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng ngày 2/3, báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương cho biết, trên toàn quốc đã tổ chức thành công 295 đại hội điểm cấp cơ sở; xây dựng kế hoạch tổ chức 1.174 đại hội điểm đảng bộ cấp cơ sở và 92 đại hội điểm đảng bộ cấp trên cơ sở trong quý I và quý II năm 2020. 


Theo: dangcongsan.vn