Thứ 2, 25/11/2024, 12:03[GMT+7]

Chuẩn bị kịch bản nhu cầu lương thực tăng cao khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát

Thứ 5, 12/03/2020 | 17:55:02
3,018 lượt xem
Chiều ngày 12/3, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị trực tuyến Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Hội nghị tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp ở trên thế giới và cả Việt Nam, đặt ra những thách thức lớn cho ngành nông nghiệp.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị, các huyện, thành phố.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2020, ngành Nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn từ khí hậu, dịch bệnh: hạn hán, xâm nhập mặn; dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát; thị trường nhiều mặt hàng nông sản vẫn có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại… Tuy nhiên, đặc thù của ngành là phải bảo đảm an ninh lương thực phục vụ người dân ở bất kỳ thời điểm nào vì vậy toàn ngành không chỉ có phương án thúc đẩy sản xuất để đáp ứng trong thời điểm dịch bệnh mà sau dịch bệnh, nhu cầu sẽ bùng nổ.

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu những tháng còn lại của năm 2020, toàn ngành cần tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước, tăng cường xuất khẩu. Cụ thể: sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, rau màu đạt 14 triệu tấn, tổng sản lượng thịt các loại 5,8 triệu tấn, sản lượng thủy sản đạt 8,5 triệu tấn.

Cùng với cả nước, ngành Nông nghiệp Thái Bình cũng bị tác động nhất định của dịch bệnh: nguy cơ thiếu hụt, bị găm hàng, tăng giá đối với vacxin, thuốc thú y, hóa chất phục vụ phòng chống dịch bệnh; giá bán một số sản phẩm nuôi trồng, khai thác thủy sản giảm: tôm, tép moi, sứa; một số sản phẩm đầu vào phục vụ nuôi trồng thủy sản như giống cá nước lợ, hóa chất, chế phẩm nhập từ Trung Quốc có thể thiếu hoặc tăng giá dẫn đến chi phí sản xuất tăng, khó chủ động được mùa vụ…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 đến sản xuất nông nghiệp, các giải pháp trong tâm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thời gian tới. 

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Để đạt được những mục tiêu về sản lượng đề ra ở trên, toàn ngành phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai đồng thời các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Trước mắt, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ; rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong bảo quán, chế biến; bảo đảm nguồn cung thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… Kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn trong chăn nuôi; tập trung phát triển các đối tượng thủy sản chủ lực. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, từng buốc giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường; chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản của nhiều địa phương có dịch Covid-19 sẽ tăng cao sau khi hết dịch.

Lưu Ngần