Lý tưởng sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của người chiến sĩ trong khói lửa đạn bom và mối tình vượt thời gian dù âm dương cách trở là những xúc cảm sâu sắc mà vở diễn “Bức thư thiêng” mang đến cho khán giả trong đêm khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng. Đây là vở diễn đầu tiên dự thi, được sáng tác, dàn dựng và biểu diễn bởi các nghệ sĩ, diễn viên không chuyên tỉnh Thái Bình. Với không nhiều diễn viên góp mặt, vở diễn vẫn đủ sức nặng, mang đến cho khán giả không gian xúc cảm của nghệ thuật, những làn điệu chèo mượt mà, tha thiết truyền tải câu chuyện về đề tài lịch sử.
Về cơ duyên khởi đầu của vở diễn, anh Nguyễn Công Khiêm vừa là tác giả kịch bản vừa là diễn viên đảm nhận xuất sắc vai diễn đã đạt huy chương bạc tại hội diễn, thông tin: Tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị đang lưu giữ và trưng bày nhiều di vật, hình ảnh của các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó đối với người dân Thái Bình nói riêng, người dân cả nước nói chung vô cùng trân trọng bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở xã Lê Lợi (Kiến Xương) gửi cho gia đình trong những ngày chiến đấu ác liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ẩn sâu trong những trang thư là câu chuyện cảm động về lời dự cảm ngày hy sinh, là tình thương gửi đến mẹ hiền, niềm day dứt vì chưa báo đáp công ơn sinh thành đã phải ra đi, là nghĩa vợ chồng sâu đậm. Và trên hết, là lý tưởng sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Theo lời di nguyện, chỉ dẫn trong bức thư thiêng ấy, 30 năm sau ngày anh hy sinh, gia đình đã tìm thấy và đưa hài cốt anh về quê mẹ.
Không chỉ là câu chuyện về đề tài lịch sử để người trẻ hôm nay luôn luôn ghi nhớ, vở diễn còn để lại dư âm về khát vọng, ý chí, nghị lực sống dù trong khó khăn, hiểm nguy vẫn luôn lạc quan, khí phách kiên cường ...
Dù ở thời chiến hay trong thời bình hôm nay, với quân nhân, lời thề danh dự đầu tiên dưới lá cờ đỏ sao vàng là “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam”. Thông điệp này đã được truyền tải trong vở diễn “Điểm tựa màu xanh” của đoàn nghệ thuật quần chúng thành phố Hải Phòng. Có nội dung tái hiện tinh thần cống hiến quên mình, ý chí kiên cường, không ngần ngại đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trong cơn bão Yagi vừa qua, vở diễn không chỉ mang tính thời sự, niềm xúc cảm sâu sắc với đông đảo khán giả mà còn được hội đồng ban giám khảo đánh giá cao khi xuất sắc đạt được 1 huy chương vàng cho vở diễn, 1 huy chương vàng và 3 huy chương bạc cho diễn viên tham gia.
Bà Đỗ Thị Khánh Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hải Phòng chia sẻ: Dù đồng hành cùng các nghệ sĩ không chuyên từ khâu lựa chọn đề tài, lên ý tưởng kịch bản đến khi hoàn thiện từng phân cảnh của vở diễn nhưng bản thân tôi trong vai trò khán giả theo dõi vở diễn cũng như sống lại những ngày Hải Phòng cùng nhiều tỉnh, thành phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Yagi. Tôi không ngăn nổi niềm xúc động của bản thân trước hình ảnh người chiến sĩ – vai Phòng trong vở diễn, đã quyết tâm không ngại khó khăn, vất vả, chung sức ngăn chặn, hạn chế thấp nhất hậu quả do cơn bão gây ra, cuối cùng đã anh dũng hy sinh trong quá trình cứu giúp người dân giữa mưa bão. Phân cảnh ấy tôi quay sang nhìn những khán giả xung quanh mình và cảm nhận dường như tất cả mọi người đều lặng đi trong niềm tiếc thương vô hạn ...
Cùng là vở chèo hiện đại tái hiện tình người ấm áp trước nghịch cảnh thiên tai bão lũ, đặc biệt trong đó là hình tượng người chiến sỹ, vở diễn “Phép màu” của đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Vĩnh Phúc còn gửi gắm thông điệp về sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân.
Anh Nguyễn Ngọc Cao, tác giả và đạo diễn vở chèo cho biết: Dù nhiều thành viên của đoàn lần đầu tiên diễn chèo trên sân khấu lớn nhưng chúng tôi quyết định lựa chọn một đề tài mang tính thời sự, thay vì những vở diễn đã có quá trình luyện tập. Để hỗ trợ các diễn viên không chuyên thêm bản lĩnh, tự tin, nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú của Nhà hát chèo tỉnh Vĩnh Phúc đã tham gia truyền dạy. Không gì tuyệt vời hơn khi tất cả mọi người cùng đang chung tay gìn giữ nghệ thuật chèo - loại hình nghệ thuật cổ truyền của dân tộc trong cuộc sống hôm nay.
Bà Bùi Thị Thu Quyên, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: Cùng các vở diễn của 8 đoàn nghệ thuật quần chúng, vở “Phép màu” cũng sẽ xuất hiện trên sân khấu không chuyên tại nhiều chương trình tuyên truyền lưu động tới đây, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong vai trò là những cán bộ văn hóa cơ sở gắn bó với công tác tuyên truyền, điều quan trọng nhất mà chúng tôi đạt được từ hội diễn là thông qua nghệ thuật truyền thống truyền tải những thông điệp nhân văn đến đông đảo quần chúng nhân dân ở mọi miền đất nước.
Ông Đặng Trọng Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Hưng Yên cho biết: Trước thực tế phong trào hiến đất làm đường đang lan tỏa rộng khắp, đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Hưng Yên mang đến vở chèo về đề tài xây dựng nông thôn mới có tên “Câu chuyện nhỏ làng Chanh”. Chúng tôi thấy rằng tuyên truyền thông qua nghệ thuật chèo đối với vấn đề đang rất gần gũi đời sống nhân dân đã góp phần tạo nên tinh thần đồng thuận cao thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Thanh Hóa cho biết: Với vở chèo không chuyên “Linh thiêng Thánh mẫu Sòng Sơn”, các nghệ nhân dân gian đến từ nhiều CLB chèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mong mỏi góp phần giới thiệu về mảnh đất linh thiêng của địa phương mình. Trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tại cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng, nghệ thuật chèo đã góp phần làm đa dạng đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Phó Trưởng ban tổ chức hội diễn nhấn mạnh: Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), hội diễn thu hút nhiều tác phẩm về đề tài người chiến sĩ. Bên cạnh đó còn có những vở chèo xoay quanh việc xây dựng nông thôn mới, giữ gìn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc… Với thế mạnh, đặc điểm nghệ thuật chèo như yếu tố kịch tính, kỹ thuật tự sự, phương pháp biểu hiện tính cách nhân vật, tính ước lệ, cách điệu… những câu chuyện của người xưa và của hôm nay được tái hiện sinh động bằng cả niềm kính yêu, giàu chất thơ, đậm chất chèo.
Theo ông Nguyễn Quốc Huy, thời gian tới, để tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật chèo, song song với các hội diễn, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên định kỳ hàng năm, Cục Văn hóa cơ sở sẽ nỗ lực khuyến khích các địa phương nói chung, tỉnh Thái Bình – đơn vị chủ trì thực hiện hồ sơ nghệ thuật chèo trình UNESCO nói riêng, tổ chức thêm nhiều hoạt động thu hút CLB quần chúng, nghệ nhân dân gian, đồng thời có chính sách đãi ngộ phù hợp để phát huy các nguồn lực này trong việc góp sức, chung tay truyền dạy, nhân lên tình yêu với nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Qua đó, góp phần để nghệ thuật chèo xứng đáng được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nội dung: Tú Anh
Đồ họa: Việt Hùng - Kỹ thuật: Phạm Thủy