Vụ xuân 2024, người dân xã Bình Thanh (Kiến Xương) gặt “mùa vàng” với năng suất cao. Nếu như trước đây, trên xứ đồng này có 5 - 8 loại giống thì bây giờ người dân chỉ thực hiện gieo cấy vài loại giống chất lượng như TBR225, BC15…
Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Thanh cho biết: Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị, xã đã chủ động cơ cấu lại bộ giống, tập trung vào một số nhóm chất lượng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xuống giống tập trung, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch.
Đến thời điểm này, huyện Đông Hưng đã cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa xuân với năng suất bình quân đạt 71 tạ/ha. Đây cũng là một trong những địa phương đi đầu trong cập nhật các bộ giống mới tăng cao giá trị sản xuất cho người dân.
Ông Lã Quý Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Căn cứ vào bộ giống được ngành nông nghiệp khuyến cáo và thực tế sản xuất, vụ xuân 2024, huyện gieo cấy trên 40% giống chất lượng cao với 8 loại chủ lực: Đài thơm 8, Thiên ưu 8, Bắc thơm 7, T10, Hạt ngọc 9, Hương cốm 4, nếp đặc sản, lúa Nhật. Còn lại là nhóm lúa thuần có năng suất cao, lúa hàng hóa, chủ yếu là giống TBR225, TBR1, BC15 có gen kháng đạo ôn, ĐH12… Huyện khuyến cáo các địa phương ưu tiên sử dụng nhóm giống ngắn ngày, chất lượng cao, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết bất thuận và phù hợp với nhu cầu thị trường. Mỗi cánh đồng bố trí sản xuất các loại giống có cùng thời gian sinh trưởng. Năng suất lúa năm nay đồng đều ở tất cả các xã, thị trấn. Việc đồng nhất thời vụ trên đồng ruộng đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành; phòng trừ, khống chế sâu bệnh nhờ đó vụ xuân dù sâu bệnh hại diễn biến phức tạp nhưng lúa vẫn cho năng suất cao.
Ông Trần Quốc Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Vụ xuân năm nay, diện tích gieo cấy giống lúa chất lượng cao khoảng 40.595,7ha (chiếm 54,58%), gồm các giống Bắc thơm số 7, Đài thơm 8, T10, RVT, N97, lúa Nhật; lúa lai 3.523,5 ha (chiếm 4,74%), gồm các giống chủ yếu: CNR36, Thái Xuyên 111, Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, ...; còn lại là giống lúa thuần năng suất gồm các giống chủ yếu BC15,TBR1, TBR225. Ngoài tập trung về bộ giống lúa chủ lực, thời vụ sản xuất lúa xuân cũng được các địa phương đặc biệt quan tâm, bố trí phù hợp. Trà sớm gieo cấy tập trung trong tháng 1, tập trung chủ yếu ở các huyện Đông Hưng và Hưng Hà; lúa đại trà gieo cấy tập trung nhất trong khung từ 10 - 20/2. Nhìn chung, vụ xuân 2024, nông dân trong toàn tỉnh cơ bản tuân thủ đúng lịch thời vụ, gieo cấy khá tập trung, đến ngày 22/2 toàn tỉnh cơ bản đã gieo cấy xong.
Vụ xuân năm 2024, gia đình ông Nguyễn Văn Tăng, thôn Nhân Bình, xã Vũ Vân (Vũ Thư) gieo cấy 15ha lúa, đến nay đã thu hoạch gần 10ha. Ông Tăng không giấu nổi niềm vui khi lúa được mùa, được giá. Ông Tăng phấn khởi chia sẻ: Vụ này gia đình tôi cấy chủ yếu giống TBR225. Lúa đẹp, đều, hạt chắc và mẩy nên năng suất trung bình đạt khoảng 2,8 tạ/sào, nhiều ruộng đạt 3 tạ/sào (thóc tươi). TBR225 cho năng suất cao, gạo ngon, rất được thị trường ưa chuộng. Ngoài TBR225, vụ xuân này tôi cũng gieo cấy thử 1ha giống lúa TBR87. Dù cấy trên các chân ruộng khác nhau nhưng TBR87 thích ứng tốt, rất ít sâu bệnh và đặc biệt năng suất cao, đạt 2,7 tạ/sào. Dự kiến vụ tới tôi cấy 50% diện tích bằng giống TBR87.
Còn tại huyện Kiến Xương, tuy mới chỉ bắt đầu bước vào thu hoạch nhưng niềm vui về một vụ mùa thắng lợi trọn vẹn đã hiện hữu trên từng khuôn mặt của người nông dân.
Ông Vũ Ngọc Dũng, xã Vũ Thắng (Kiến Xương) cho biết: Gia đình rất vui mừng vì năng suất lúa, giá bán đều cao. Giá thóc thay đổi từng ngày nhưng duy trì ở mức cao. Nhà tôi cấy TBR225, thương lái đang trả hơn 8.000 đồng/kg thóc tươi, hơn 10.000 đồng/kg thóc khô. Lúa được mùa lại được giá, bõ công chúng tôi vất vả sớm hôm. Mùa này thời vụ gấp gáp nên thu hoạch đến đâu tôi dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng đến đó, chuẩn bị giống, vật tư, phương tiện để sản xuất vụ mùa.
Được mùa là niềm vui chung của nông dân các địa phương, nhưng có lẽ bất kể ai đi qua cánh đồng xã Bình Định (Kiến Xương) cũng phải dừng chân mê ngắm những thửa ruộng trĩu bông, vàng óng ả sắp cho thu hoạch.
Ông Hoàng Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Định cho biết: Liên kết sản xuất là yếu tố quan trọng tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, đồng thời giúp giải quyết được nhiều vấn đề trong sản xuất, nhất là duy trì ổn định diện tích gieo cấy, không có tình trạng người dân bỏ ruộng do giá trị, lợi nhuận được tăng lên. Vụ này, HTX liên kết với ThaiBinh Seed sản xuất trên 200ha lúa, trong đó trên 100ha lúa TBR97, trên 60ha lúa TBR225, còn lại là giống TBR87. Cũng nhờ xây dựng được vùng sản xuất tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm ổn định, Bình Định đang trình tỉnh xem xét hỗ trợ theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn đến năm 2028. Tới đây, niềm vui lúa được mùa, được giá còn được nhân lên khi người dân được thụ hưởng cơ chế hỗ trợ này.
Đến ngày 7/6, toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 40.000ha lúa xuân, đạt gần 60% diện tích. Từ ngày 10/6 đến 20/6, các địa phương bước vào cao điểm thu hoạch lúa xuân. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn và nông dân, năng suất lúa vụ xuân năm nay bằng hoặc cao hơn vụ xuân năm 2023, nhiều địa phương đạt và vượt 71 tạ/ha.
Nội dung: Lưu Ngần
Đồ họa: Việt Hùng - Kỹ thuật: Phạm Thủy