Thứ 7, 27/04/2024, 00:47[GMT+7]

Hai học sinh lớp 9 “bày cách” ngăn chặn sự phát triển của cá dọn bể

Thứ 2, 06/07/2020 | 09:15:40
7,616 lượt xem
Cá dọn bể thích ứng rộng, sinh sản nhanh, không mấy người chế biến sử dụng nên điều này khiến loài cá ngoại lai thêm cơ hội tồn tại và phát triển, dần lấn át cá bản địa. Nguy hiểm hơn, loài cá này đang đe dọa hệ sinh thái tự nhiên.

Em Đỗ Cao Thanh và em Vũ Thị Hồng Thắm bên lưới bát quái do các em tự thiết kế.

Trước thực trạng trên, em Đỗ Cao Thanh, học sinh Trường THCS Hợp Hưng và em Vũ Thị Hồng Thắm, học sinh Trường Tiểu học và THCS Lô Giang (Đông Hưng) đã cùng nhau nghiên cứu dự án “Thực trạng, giải pháp ngăn chặn tác hại và sự phát triển của cá dọn bể trong nuôi trồng thủy sản và môi trường tự nhiên”. Dự án của hai em đã xuất sắc giành giải ba cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia được tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua.

Qua nhiều lần quan sát hàng xóm đánh bắt cá tại ao, hồ hay con sông gần nhà, Thắm và Thanh lại thấy số lượng cá dọn bể tăng lên. Bờ sông, bờ ao có nhiều lỗ to, hỏi những người lớn tuổi, các em được biết đó là do cá dọn bể đục lỗ sống trong đó. Qua tìm hiểu thêm, ở nhiều ao, hồ nuôi cá nước ngọt, cá dọn bể đang dần lấn chiếm nơi sinh sống và cạnh tranh thức ăn, gây hại cho các sinh vật bản địa, gây mất cân bằng sinh thái khiến các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại về kinh tế. Em Vũ Thị Hồng Thắm chia sẻ: Mặc dù người dân địa phương đã sử dụng biện pháp đánh bắt để ngăn chặn nhưng cá dọn bể có khả năng sinh sôi, nảy nở nhanh nên số lượng cá dọn bể ở các ao, hồ, sông ngòi ngày càng nhiều. Hơn nữa, việc người dân dùng lưới bát quái mắt nhỏ (0,2 - 0,5cm) để đánh bắt cá đang dẫn đến các loài cá không còn cơ hội lớn lên, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, nhiều người dân chọn cách vứt cá dọn bể trên đường sau khi đánh bắt không những làm mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường mà chúng có thể làm thủng lốp ô tô, xe máy gây mất an toàn giao thông. Trước thực trạng trên, chúng em nghĩ cần phải có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn cá dọn bể phát triển ngoài môi trường tự nhiên, môi trường nuôi trồng thủy sản, làm giảm những thiệt hại do chúng gây ra, góp phần tái cân bằng hệ sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài sinh vật bản địa phát triển tự nhiên.

Cá dọn bể đang dần lấn chiếm nơi sinh sống và cạnh tranh thức ăn, gây hại cho các sinh vật bản địa. Ảnh minh họa.


Trong hơn 1 năm theo đuổi dự án, hai em Đỗ Cao Thanh và Vũ Thị Hồng Thắm đã nghiên cứu và đưa ra 4 giải pháp để ngăn ngừa thiệt hại do cá dọn bể gây ra. Em Đỗ Cao Thanh chia sẻ: Chúng em đã đưa ra 4 giải pháp đó là thiết kế phương tiện, làm mồi nhử tăng hiệu quả đánh bắt cá dọn bể; ngăn chặn sự phát triển của cá dọn bể; sử dụng nguồn cá dọn bể và cuối cùng đó là tuyên truyền về tác hại của cá dọn bể. Đối với việc thiết kế phương tiện, làm mồi nhử, Thanh và Thắm vẫn sử dụng lưới bát quái, tuy nhiên các em đã thiết kế lại dụng cụ này để phát huy những ưu điểm, tránh tính tận diệt. Thanh chia sẻ: Một bộ lồng bẫy cá dọn bể dài khoảng 5 - 10m bao gồm nhiều khung lồng có dạng hình hộp, được tạo thành từ các khung sắt hình chữ nhật xếp song song và liên kết với nhau bằng áo lưới có kích thước mắt lưới 2 x 2cm. Dọc theo thân lồng có nhiều cửa hom để cá dọn bể chui vào nhưng không có cửa ra. Cũng theo Thanh và Thắm, thời gian đánh bắt cá dọn bể hiệu quả nhất từ tháng 4 đến tháng 8, bởi đây là thời điểm chúng sinh trưởng, phát triển mạnh. Mặc dù đề ra nhiều giải pháp, tuy nhiên đối với em Vũ Thị Hồng Thắm, tuyên truyền vẫn là giải pháp quan trọng nhất bởi sẽ nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái bằng cách không thả cá dọn bể vào môi trường tự nhiên, nếu đánh bắt được cá dọn bể sẽ chế biến làm thức ăn cho vật nuôi hoặc ủ làm phân bón cho cây trồng. Điều này góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn sự phát triển và sinh sôi của cá dọn bể.


Hai em tâm sự thêm, giải ba tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia không phải là điểm dừng của dự án này, chúng em mong muốn sẽ hoàn thiện dự án này hơn nữa để triển khai ứng dụng vào thực tế, nhân rộng ra khắp địa phương trong và ngoài tỉnh. Thành công của hai em không chỉ mang lại vinh quang cho ngành Giáo dục tỉnh mà còn thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học, kỹ thuật trong các trường học hiện nay.

Đặng Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày