Thứ 4, 24/04/2024, 02:50[GMT+7]

Khoa học công nghệ - đòn bẩy phát triển nông nghiệp

Thứ 5, 30/07/2020 | 09:53:36
1,732 lượt xem
Xác định khoa học công nghệ là đòn bẩy phát triển nông nghiệp, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện việc ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trên nhiều lĩnh vực, đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Mô hình nuôi vịt biển 15 - Đại Xuyên theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm tại huyện Tiền Hải năm 2019.

Trong công tác tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, Trung tâm đã thực hiện nhiều chương trình, đề tài, dự án về nông nghiệp, đặc biệt là công tác khảo nghiệm, tuyển chọn giống cây, con mới. Hàng năm, Trung tâm đã khảo nghiệm hàng trăm lượt giống cây các loại, qua khảo nghiệm đã xác định được một số giống lúa, ngô, khoai tây, đậu, lạc... có triển vọng về năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận để đề xuất, bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh góp phần thay đổi phương thức canh tác, hướng người dân tới sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng.

Việc chuyển giao khoa học công nghệ đến với người nông dân được thực hiện qua các mô hình trình diễn để nhân rộng, phổ biến cho người dân học hỏi, làm theo. Xác định đây là con đường ngắn nhất đưa kết quả nghiên cứu từ các cơ sở nghiên cứu đến đồng ruộng, ao, chuồng trại..., hàng năm, Trung tâm đã triển khai xây dựng nhiều mô hình ứng dụng khoa học với các giống cây, con mới, giải pháp canh tác mới, phương thức sản xuất mới nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả và bền vững. Điển hình như mô hình ứng dụng giải pháp nông nghiệp thông minh APPA-TN1, sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt Knet trong trồng hoa tại xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) với quy mô 3.500 chậu hoa. Hệ thống tưới nước thông minh thuận tiện cho việc theo dõi các chỉ tiêu như: nhiệt độ, cường độ ánh sáng, độ ẩm đất và không khí... để có thể đánh giá chính xác và đưa ra biện pháp chăm sóc hợp lý. Kết quả cho thấy cây sinh trưởng phát triển tốt, độ đồng đều của cây và các chậu cao, tiết kiệm nhiều công lao động, chủ hộ tham gia mô hình đã chủ động mở rộng quy mô lên 10.000 chậu.

Trước những thách thức về lao động nông nghiệp ngày càng thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, đòi hỏi cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, Trung tâm đã xây dựng mô hình gieo mạ khay, cấy máy và hướng dẫn ở nhiều địa phương trong tỉnh; ứng dụng hiệu ứng hàng biên, hàng rộng hàng hẹp... để giảm khí phát thải, giảm chi phí về giống, công lao động...

Trong lĩnh vực thủy sản, Trung tâm đã xây dựng mô hình xử lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học, nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng, nuôi thương phẩm tôm càng xanh toàn đực trong ao đất, nuôi tôm sú bán thâm canh bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP, ương nuôi cá trắm đen trong ao đất... Cá trắm đen là loài cá nước ngọt có giá trị thương phẩm cao, tuy nhiên nguồn cá giống đưa vào ương nuôi chưa có nguồn gốc rõ ràng nên ảnh hưởng đến chất lượng cá thương phẩm. Năm 2017 - 2018, Trung tâm đã thực hiện thành công đề tài sinh sản nhân tạo cá trắm đen. Đặc biệt, năm 2019 đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá trắm đen Mylopharyngodon piceus (Richardson, 1846) tại Thái Bình” đạt giải ba hội thi sáng tạo khoa học công nghệ kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII - năm 2019. Mô hình khảo nghiệm “Ương nuôi cá trắm đen bằng nguồn giống sinh sản nhân tạo tại Thái Bình” thực hiện năm 2019 quy mô 4.000m2 tại 2 hộ thuộc huyện Kiến Xương, Tiền Hải cho thấy nhiều kết quả khả quan. 

Ông Lương Văn Đương, xã Đông Lâm (Tiền Hải) cho biết: Là 1 trong 2 hộ được lựa chọn tham gia mô hình với lượng cá thả 3.000 con, diện tích 2.000m2, qua 7 tháng thả nuôi và theo dõi, tôi nhận thấy cá trắm đen do Trung tâm Khuyến nông sản xuất phát triển nhanh, tỷ lệ sống đạt 90%, thích nghi cao với điều kiện thời tiết, môi trường nuôi, không xảy ra hiện tượng dịch bệnh. Mong rằng thời gian tới, Trung tâm sẽ sản xuất lượng lớn cá giống cung cấp cho các ao nuôi trong tỉnh, giúp chúng tôi giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả, giá trị trong nuôi trồng thủy sản.

Trong chăn nuôi, Trung tâm đã xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; mô hình chế biến thức ăn cho lợn, gà; mô hình chăn nuôi giống vịt biển 15 - Đại Xuyên; mô hình chăn nuôi thỏ an toàn sinh học theo hướng liên kết; mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ đệm lót sinh học... đã góp phần hạn chế dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, từng bước đưa tỷ trọng trong chăn nuôi ngày một tăng trong cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Đình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Cùng với việc xây dựng các mô hình trình diễn, để chuyển giao khoa học công nghệ đến với người dân, Trung tâm còn phối hợp với Báo Thái Bình, Đài PTTH Thái Bình thực hiện các chương trình khoa giáo; hàng quý xuất bản Bản tin khuyến nông; liên tục cập nhật các giải pháp kỹ thuật, mô hình tiên tiến, gương sản xuất giỏi... trên Trang thông tin điện tử; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn và dạy nghề...

Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã thực sự tạo sự chuyển biến tích cực, từng bước làm thay đổi nhận thức và hành động trong phát triển sản xuất. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ đã tạo nên được nhiều cây trồng có giá trị kinh tế, có sức chống chịu, phù hợp với điều kiện khí hậu trên địa bàn tỉnh; nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích...

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày