Thứ 6, 29/03/2024, 08:24[GMT+7]

Triển khai nhiệm vụ công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Thứ 7, 01/08/2020 | 15:43:35
10,185 lượt xem

Trạm bơm Lịch Bài, xã Vũ Hòa (Kiến Xương) sẵn sàng vận hành bơm tiêu úng để bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

* Sáng ngày 1/8, tại Hà Nội, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để triển khai nhiệm vụ công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; thành viên ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai dự hội nghị. Tại điểm cầu Thái Bình, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh dự hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các thành viên ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai và lãnh đạo một số địa phương báo cáo nhanh về tình hình triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các bộ, ngành tích cực vào cuộc, các địa phương trong khu vực ảnh hưởng chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới theo phương châm “4 tại chỗ” gắn với phòng, chống dịch Covid-19, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Trên đất liền, khu vực ven biển, đô thị những nơi bão đổ bộ trực tiếp, đồng chí Phó Thủ tướng yêu cầu sơ tán người dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm, cửa sông, cửa biển, khu vực nhà ở không an toàn. Hiện nay, do đang là mùa du lịch nên các địa phương phải chủ động bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Bên cạnh đó, các địa phương cần phải chú trọng bảo vệ công trình, trước hết là công trình nhà ở nhân dân, công trình công cộng như nhà trẻ, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan; các công trình sản xuất như nhà máy, xí nghiệp…

Các tỉnh miền núi phía Bắc là khu vực dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, do đó đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương khu vực này chủ động sơ tán người dân ra khỏi những khu vực không an toàn khi mưa lũ lớn xảy ra. Các bộ, ngành, địa phương bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ lợi, thuỷ điện. Kiểm tra vận hành liên hồ chứa phù hợp, hiệu quả, an toàn. Bộ Giao thông Vận tải chủ động bố trí lực lượng, phương tiện ứng phó với các sự cố công trình, bảo đảm an toàn giao thông khi có sự cố xảy ra. Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ công tác dự báo, cảnh báo, làm rõ hơn phạm vi ảnh hưởng phục vụ cho công tác ứng phó và thông tin đến người dân…

Người dân xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) thu hoạch cá trước mùa mưa bão.

* Ngay sau hội nghị trực tuyến, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã họp triển khai nhiệm vụ công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến 6 giờ ngày 1/8, trên địa bàn có tổng số 1.143 tàu, thuyền với 3.450 lao động làm ăn trên biển. Tất cả các phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện nào hoạt động ở vùng biển nguy hiểm. Toàn tỉnh hiện có 1.164 chòi canh ngao với 1.281 lao động canh coi trên bãi ngao; 1.216 đầm với 1.907 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển tập trung ở các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà.

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 14.483 hộ với 52.438 người sinh sống ngoài đê chính, 9.244 hộ với trên 19.772 người sống trong nhà yếu cần lưu ý để có phương án di dời khi cần thiết. Tính đến ngày 30/7, diện tích lúa mùa toàn tỉnh đã gieo cấy 77.898ha, diện tích cây màu hè đã trồng 11.020ha, diện tích cây màu hè đã thu hoạch 10.980ha, diện tích cây màu hè thu đã trồng 8.030ha…

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo hai Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình, các huyện, thành phố tranh thủ thời gian mở các cống tiêu để hạ thấp mực mước trên các sông trục. Kiểm tra lại toàn bộ các trạm bơm tiêu, kịp thời tu bổ các hư hỏng để chủ động triển khai tiêu úng. Công ty Điện lực Thái Bình chủ động cung cấp điện và tu sửa kịp thời các sự cố về điện phục vụ trạm bơm tiêu úng. Các địa phương, cơ quan, đơn vị kiểm tra, rà soát, lên phương án chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh xá, bến cảng, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, lồng bè, trang trại trên bãi sông, ven sông, trên sông, ven biển để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Tổ chức cắt tỉa những cây lớn để bảo đảm an toàn trong trường hợp bão đổ bộ.

Đối với hai huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy sẵn sàng di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản ngoài đê chính, số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu trên địa bàn vào trong đê chính, không để bất cứ người nào ngoài đê chính khi bão đổ bộ. Những huyện còn lại và thành phố Thái Bình cần có phương án di chuyển nhân dân ở các nhà yếu, nhà tập thể, bệnh xá, trường học không bảo đảm an toàn đến nơi kiên cố, an toàn. Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn và các cơ quan chức năng kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền còn đang hoạt động trên biển khẩn trương vào nơi tránh trú an toàn.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố cần kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, đặc biệt là các công trình đang thi công. Nếu phát hiện thấy công trình không bảo đảm an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vậy tư để xử lý, củng cố ngay. Đối với các địa phương ở khu vực cửa sông, ven biển như huyện Kiến Xương, Tiền Hải và Thái Thụy cần có phương án chống tràn cho các tuyến đê thấp, đê bối…

Phạm Hưng