Thứ 6, 29/03/2024, 12:50[GMT+7]

Người hóa thân trong lòng địch

Thứ 5, 10/10/2019 | 15:33:28
15,719 lượt xem
Con đường vào dinh Độc Lập của anh bộ đội Vũ Ngọc Nhạ quê ở Thái Bình thật độc đáo. Từ một chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, được tổ chức sắp xếp (hóa thân) thành kẻ thù bên kia chiến tuyến, để rồi sau đó ông và cộng sự của ông trong lưới tình báo H10 – A22 đã làm nên một huyền thoại kỳ diệu trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam.

Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ (phải) và tác giả tại làng Cọi Khê, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình ngày 1/6/2001.

Từ những năm 60 ông Vũ Ngọc Nhạ đã khá nổi tiếng. Báo chí Sài Gòn và nhiều tờ báo lớn ở các nước phương Tây nhắc đến ông, với những câu chuyện bí ẩn, ly kỳ đầy vẻ thán phục.

Trong bộ hồ sơ ta thu được tại Nha Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia của Nguỵ quyền Sài Gòn có đoạn viết:

“Từ trước đến nay, ngoại trừ những giai thoại giả tưởng trong tiểu thuyết trinh thám chưa bao giờ có những tổ điệp báo thành công đến như thế. Cụm A.22 hoạt động do Ông Vũ Ngọc Nhạ cầm đầu phát triển đều đặn và thi thố nhiều thủ đoạn mà chúng ta phải nhìn nhận là huyền diệu và xuất sắc. Cụm đã phát triển một hệ thống điệp vụ vô cùng quan trọng và đã len lỏi vào được nhiều cơ quan đầu não của Việt Nam cộng hoà. Những tin tức chiến lược mà Cảnh sát Quốc gia biết họ cung cấp, đều có giá trị giúp cho Hà Nội có được những dữ kiện chắc chắn khi ấn định chính sách của họ đối với cuộc chiến tranh”.

Cuộc đời hoạt động của Vũ Ngọc Nhạ âm thầm, lặng lẽ nhưng rất mạo hiểm. Ông đã ứng xử “luồn lạch” thế nào để vượt qua, để “chui sâu, luồn cao” để hoàn thành cái công việc đặc biệt ấy. Những việc ông làm thật phi thường. Gian khổ, căng thẳng, sống chết trong gang tấc, kéo dài suốt mấy chục năm, ông vẫn kiên trì chịu đựng, kiên trì theo đuổi lý tưởng của người cộng sản. Công việc đặc biệt của ông mấy ai biết được. Mãi đến năm 1975 khi hai miền Nam Bắc thống nhất, nhân dân cả nước và đặc biệt là quê hương ông, làng Cọi Khê - Vũ Thư - Thái Bình mới hiểu được chiến công kỳ diệu của người con quê mình. Họ tự hào vì quê hương đã sinh ra và nuôi dưỡng một con người đã trở thành nhà tình báo mưu lược, dũng cảm, trở thành “ông cố vấn” cho 3 đời Tổng thống của chính quyền Sài Gòn mà vẫn hướng tâm mình về với cách mạng, về với nhân dân.

Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, sinh năm 1925 tại làng Cọi Khê. Cuộc sống lam lũ và những bất công của xã hội phong kiến nửa thuộc địa sớm ăn sâu vào tâm khảm Vũ Ngọc Nhạ.

Năm 15 tuổi Nhạ được bố đưa vào Huế theo học tại trường trung học Thuận Hoá.

Những năm học ở trường Thuận Hoá Vũ Ngọc Nhạ được thày hiệu trưởng Tôn Quang Phiệt bố trí vào tổ chức thanh niên cứu quốc và được giao nhiệm vụ chuyển thư từ, phân phát tài liệu cho tổ chức.

Năm 1947 Vũ Ngọc Nhạ tình nguyện vào quân ngũ, anh trở thành anh bộ đội Cụ Hồ, công tác tại thị đội Thị xã Thái Bình. Ông Đặng Trịnh người bạn thân thiết cùng hoạt động với Vũ Ngọc Nhạ trong tổ chức thanh niên cứu quốc, nguyên Chủ tịch tỉnh Thái Bình cho biết:

- Ngay khi còn trẻ, anh Nhạ đã tận tình với công việc được giao và làm việc hết mình. Anh thông minh, ứng xử linh hoạt nhưng lại rất khiêm tốn và ý tứ giữ gìn. Bản chất con người anh, công việc anh làm đã tạo được uy tín với nhiều người. Vì thế ngày đó anh rất được tín nhiệm và sau này được cấp trên tin tưởng giao phó trọng trách. Công việc anh Nhạ làm đầy gian khổ, phải hy sinh và mạo hiểm. Chúng tôi cũng không ngờ anh đã làm được, hoàn thành được trọng trách một cách tốt đẹp.

Năm 1952, Vũ Ngọc Nhạ mang tên Vũ Ngọc Kép, có mặt trong đoàn đại biểu quân sự tỉnh Thái Bình đi dự Hội nghị chiến tranh du kích Bắc Bộ tại Việt Bắc do Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái chủ trì. Trong cuộc hội nghị này, Nhạ sung sướng biết bao, lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Nhạ nghe như nuốt từng lời Bác dạy, đặc biệt là lời Bác căn dặn: “Phải luôn luôn hết lòng vì dân - Dựa vào dân thì việc gì cũng thành công”. Cũng chính tại cuộc hội nghị này, Vũ Ngọc Nhạ đã nhận nhiệm vụ quan trọng do chính Hồ Chủ Tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao phó. Năm tháng và bao biến cố trong xã hội, trong cuộc đời đã đi qua, nhưng lời Bác dặn năm ấy ông Nhạ vẫn nhớ như in. Bác nói: nhiệm vụ của chú là phải bằng mọi cách để biết được: Mỹ đang làm gì, Mỹ sẽ làm gì và Mỹ đã làm gì. Ông Vũ Ngọc Nhạ bảo: Lúc ấy có thể chết, có thể lao vào lửa tôi cũng sẵn sàng. Vì nhiệm vụ của Bác trao, được chết cho cách mạng, chết vì Bác còn gì sung sướng hơn. Nhưng tôi nghĩ, mình phải sống, sống trong lòng địch để hoàn thành nhiệm vụ mà Bác trao cho.

*

*        *

Tôi có dịp được gặp ông Vũ Ngọc Nhạ khi ông về thăm quê tại làng Cọi Khê xã Vũ Hội huyện Vũ Thư. Tôi hỏi ông:

- Từ một Thị uỷ viên, một anh bộ đội thuộc Tỉnh đội Thái Bình, chỉ ít năm sau, người ta đã thấy ngày ngày ông ra vào Phủ Tổng thống của chế độ Nguỵ quyền Sài Gòn?

- Đó là bước ngoặt đầu tiên của đời tôi. Tôi cũng không nghĩ là mình lại lọt vô làm việc ở cơ quan đầu não này! Vũ Ngọc Nhạ hồi nhớ lại rồi nói:

Năm 1954, hoà bình lập lại, với tờ căn cước hợp pháp, trút bỏ trang phục anh bộ đội Cụ Hồ, Vũ Ngọc Nhạ “đóng vai” một sỹ quan Nguỵ. Ông đưa vợ con từ làng Cọi Khê, xã Vũ Hội theo quân đội Pháp xuống tàu Hải Phòng di cư vào Nam. Ông tìm cách “bọc mình” thật kín và âm thầm làm nhiệm vụ. Cuộc chiến đấu thầm lặng, đầy mạo hiểm bắt đầu từ đây.

Vũ Ngọc Nhạ nói: “Ngày đầu vào Sài Gòn, một lần đi qua Dinh Độc Lập đứng ở ngoài nhìn, tôi thầm ao ước một ngày nào đó mình sẽ được lọt vô đây. Nhưng ảo tưởng ấy xa vời lắm. Chưa giám mơ ngày đó tôi đã bị mật vụ Sài Gòn do Dương Văn Hiếu bắt cóc rồi đưa ra biệt giam tại toà khâm sứ ở Huế”.

- Là tù nhân cộng sản, bằng cách nào mà ông được họ trọng vọng đón ông từ nhà tù Huế về Dinh Độc Lập, Sài Gòn, làm cố vấn cho Ngô Đình Nhu và Đương kim Tổng thống Ngô Đình Diệm?

- Tôi cũng không ngờ. Ông Nhạ nói. Có điều để đi tới cái đích ấy là cả một chặng đường dài mưu tính mạo hiểm.

- Vượt mạo hiểm cực khó. Chiếm được lòng kẻ đối địch với mình càng khó hơn. Ông thu “hồn vía” anh em họ Ngô bằng cách nào?

- Từ cái “vỏ bọc” của tổ chức bọc cho tôi. Gia đình tôi đóng vai một gia đình giáo dân di cư vào Nam. Dựa vào ảnh hưởng của đức cha Lê, cha Hoàng ở nhà thờ Bình An và Phát Diệm mà tôi đã có dịp quen biết. Chế độ Ngô Đình Diệm rất cần sự ủng hộ của các linh mục này; là các linh mục có “tinh thần” chống cộng rất quyết liệt. Tôi đã thể hiện mình là cái cầu nối cho họ đến với nhau. Từ đó dần dần tôi chiếm được lòng tin của Ngô Đình Cẩn cố vấn miền Trung. Cẩn “bắc cầu” cho tôi sang cha Thục, ông Nhu và Ngô Đình Diệm.

Ông Vũ Ngọc Nhạ tiếp: là phụ tá của đức cha Lê, cố vấn cho gia đình Ngô Tổng Thống, tôi có điều kiện tiếp cận với các quan chức cao cấp trong chính phủ Nguỵ quyền, với Toà thánh Va-ti-căng, Giáo chủ Pi-e XI, Khâm sứ Toà thánh Sài Gòn, Đức hồng y Xpen-man Mỹ. Qua đây tôi nắm được khá nhiều tin tức quan trọng của Mỹ và Nguỵ để cung cấp về trung tâm của ta.

- Là người cộng sản nằm trong Phủ Tổng thống, có lúc nào ông bị nghi ngờ?

- Thường xuyên bọn mật vụ theo dõi. Tôi luôn biến nghi ngờ thành đức tin để “bọc mình” và thoát hiểm.

Vũ Ngọc Nhạ tiếp:

- Anh em Ngô Tổng thống coi tôi như người ruột thịt. Một hôm họp gia đình có đủ Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu, Lệ Xuân, Ngô Đình Cẩn và tôi, Ngô Đình Diệm tự đặt biệt danh 5 con rồng cho 5 anh em. Ông bảo: “Từ nay Ngô Đình Thục là Hồng Long, Ngô Đình Diệm là Bạch Long, chú Nhu là Thanh Long, chú Cẩn là Hắc Long, thày Hai (tức Vũ Ngọc Nhạ) là Hoàng Long. Đã là anh em trong nhà, thày Hai không cần phải ý tứ gì”. Anh em Ngô Đình Diệm càng tin tôi, quý tôi, bọn CIA và bọn mật vụ lại càng “để mắt” đến tôi.

- Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu thỉnh thoảng cũng “quan tâm” đến ông phải không?

- Lệ Xuân một người đàn bà có sắc, có tài, hiếu thắng và kiêu kỳ. Ông Nhu nhiều hơn Lệ Xuân hàng chục tuổi. Ông làm việc căng thẳng, luôn vắt óc đối phó tình hình, ít quan tâm đến tình cảm của Lệ Xuân. Có lần Lệ Xuân đến “gần tôi”, tôi sang nói lại với ông Nhu. Ông Nhu bảo “quyền của bà ấy tôi không can thiệp”. Có người bảo tôi rằng, bà ấy thử. Người thì bảo, bà ấy thật đấy. Chỉ có bà ấy mới biết chính xác.

Ông tiếp:

- Một lần tôi cùng ông Ngô Đình Nhu và Lệ Xuân lên Đà Lạt. Lệ Xuân mời tôi sang phòng riêng làm việc. Tôi bước vào phòng, Ngô Đình Nhu đang ngủ say. Bà ấy rót nước mời tôi và ngồi nhìn tôi rất lạ. Lát sau Lệ Xuân hỏi:

- Anh là cộng sản à?

- Sao bà nghĩ như vậy.

- Anh không cần tiền, không cần tình, chỉ có cộng sản mới thế.

- Tôi cũng từng là cộng sản. Nhưng tôi đã “từ bỏ” cộng sản lâu rồi.

Lệ Xuân lắc đầu:

- Tôi thấy anh lạ thật. Làm việc cho Chính phủ mà không nhận phụ cấp. Gia đình anh thì nghèo xác. Sáng nào trước khi vào Phủ Tổng thống anh chả đèo rau ra chợ cho bà vợ anh bán, tôi biết chứ.

Tôi im lặng, Lệ Xuân tiếp:

- Nếu anh bằng lòng, tôi chỉ cần nói một lời, cả nhà anh sẽ sung sướng.

- Cảm ơn bà, gia đình tôi sống như hiện nay là ổn lắm rồi.

Vũ Ngọc Nhạ nói tiếp: Lệ Xuân thấy anh em Ngô Đình Diệm tin tôi, quý tôi bà ta cũng quý, nhưng vẫn để mắt theo dõi tôi. Tôi nhận ra và ý thức được điều đó nên những thử thách của bà đều vô hiệu. Hơn nữa, thấy tôi tỏ ra hết lòng vì ông Diệm, ông Nhu nên dần dần bà Lệ Xuân cũng tin tôi và yêu mến tôi. Đó là cơ hội tốt để chúng tôi tạo thêm vỏ bọc và hoạt động trong vỏ bọc.

Ông Vũ Ngọc Nhạ tâm sự: Điểm mấu chốt của người tình báo là phải “tuyệt đối trung thành với anh em” và phải bọc mình cho kín. Rất căng thẳng, căng thẳng 24/24 giờ mỗi ngày và cứ thế, suốt tháng, suốt năm, năm này qua năm khác. Chỉ một tích tắc sơ hở là có thể đổ bể, mình chết đã đành, còn chết lây anh em khác, hỏng cả công việc chung, chết cả vợ con mình nữa.

Nhờ cái “vỏ bọc” bằng niềm tin, mọi công việc, chủ trương, to nhỏ của chính quyền họ Ngô, Vũ Ngọc Nhạ đều nắm được. Ông đã chắt lọc và bằng đường dây mật, những tin tức quan trọng đã được đưa về bên ta.

Trước một ngày xảy ra chuyện sát hại anh em họ Ngô, linh tính của tôi thật kỳ lạ. Ông Vũ Ngọc Nhạ kể: có một điều gì rất mơ hồ mà tôi cảm nhận được qua giấc chiêm bao. Mơ hồ nhưng hệ trọng lắm mách bảo tôi rằng: thầy hai ơi, thầy nên biến khỏi cung phủ họ Ngô ngay, nếu thầy thấy mình cần còn sống, cần cho công việc về sau. Tôi đang phảng phất nỗi ám ảnh từ cái điều mơ hồ thì Ngô Đình Diệm cho người sang phòng tôi mời tôi sang phòng của ông ta. Tôi vội khoác chiếc áo dài, khép cửa phòng đi ra. Vừa đặt chân vào phòng Tổng thống, quan sát thấy sắc mặt Ngô Đình Diệm tối sạm. Hai hốc mắt như người mất ngủ lâu ngày thâm quầng. Vì mấy hôm trước ông Ngô Đình Nhu có nói với tôi về âm mưu của người Mỹ muốn “thay ngựa” giữa dòng. Tôi đoán hai anh em Diệm, Nhu đang vắt óc tìm kế đối phó nhưng chưa có cách chống đỡ. Linh tính như mách bảo tôi, sắp có điều gì quan trọng lắm xảy ra trong phủ Tổng thống.

Tôi đứng nghiêm cúi chào ông Ngô Đình Diệm rồi lùi ra ngồi vào chiếc ghế gần đó vừa lúc Ngô Đình Nhu bước vào. Ông Nhu cúi chào Tổng thống rồi đi tới chiếc ghế đối diện với tôi. Ngô Đình Diệm hỏi:

- Chú Nhu và thầy hai biết người Mỹ cùng các phe cánh đối lập đang làm gì không? Họ đang xiết chặt cái mà họ ảo tưởng lật đổ thể chế Việt Nam cộng hòa…

Ông Diệm nói một hồi rất lâu về tình hình người Mỹ ép buộc ông những điều ông không thể nghe họ. Nói về thời vận và thời cuộc, rồi ông chỉ thị “chú Nhu phải đưa ngay mạng lưới mật vụ vào cuộc và huy động lực lượng quân đội sẵn sàng phòng thủ ứng phó”.

Tôi im lặng lắng nghe và gật đầu. Còn ông Ngô Đình Nhu, hình như ông đã thấu hiểu nỗi hoài nghi, có phần lo lắng của vị Tổng thống người anh ruột của ông. Ông Nhu phân tích tình hình cố ý trấn an Tổng thống. Giọng ông đanh đạt, dứt khoát bằng thứ âm thanh của một người vốn quen hùng biện. Tôi ngước nhìn ông, chợt nhận thấy thần thái trên khuôn mặt cũng rất ảm đạm. Ông Nhu vốn có nước da ngăm đen nhưng tươi tắn, lúc này tối ám, hai má xọm lại. Lúc ấy tôi không nghĩ hai khuôn mặt ông Diệm, ông Nhu là điềm báo trước cho một số phận kết cục thảm hại.

Sau khi tiếp kiến Tổng thống Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, tôi quay về phòng làm việc, vừa lúc gặp Vũ Hữu Duật ở Tổng nha cảnh sát (người trong lưới A22 của ta) sang tìm tôi. Ông Duật vẻ mặt thâm trầm thoáng lộ nét quan trọng, ghé sát vào tôi nói nhỏ:

- Tình hình căng lắm rồi. Người Mỹ và phe lật đổ đang bí mật áp sát phủ Tổng thống mục tiêu của họ là bắt sống ông Diệm và ông Nhu. Anh Lê Hữu Quý (người của ta trong phủ Tổng thống) dặn tôi bảo anh phải cẩn trọng. Trong những ngày này tốt nhất là im lặng rời khỏi nơi làm việc.

Tôi khẽ gật đầu và nói:

- Cảm ơn, tôi cũng đã nắm được họ rục rịch từ hơn 1 tuần nay. Nhưng lúc này rời dinh Tổng thống thì không được. Ông Nhu đang cần sự hậu thuẫn của tôi.

Ông Duật bảo:

- Thế thì rất nguy hiểm. Nếu bắt ông Diệm, ông Nhu, họ sẽ thịt cả anh đấy. Anh phải cảnh giác nhé.

Ông Vũ Hữu Duật dặn tôi rồi đi luôn. Ông Vũ Ngọc Nhạ nói: rất may, ông Nhu yêu cầu tôi sáng hôm sau đi gặp các cha đạo để tranh thủ sự ủng hộ của khối Công giáo. Nếu hôm ấy không tách khỏi anh em Diệm, Nhu tôi cũng sẽ phải chết thảm hại như họ.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963 Mỹ ủng hộ nhóm tướng lĩnh Dương Văn Minh làm đảo chính giết chết anh em Ngô Đình Diệm.

Những năm tháng biến cố đầy nguy hiểm, Vũ Ngọc Nhạ vẫn dấu mình trong cái vỏ bọc vững chắc do chính ông khéo léo tạo ra. Nằm trong vỏ bọc để chờ cơ hội và cơ hội đã đến với ông. Bằng phương pháp nghiệp vụ và tài năng hoạt động tình báo của mình, Vũ Ngọc Nhạ đã tiếp cận được với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Và sau đó ông đã trở thành người cố vấn rất tin cậy của chính quyền Sài Gòn do Thiệu cầm đầu. Nguyễn Văn Thiệu coi Vũ Ngọc Nhạ không chỉ là một cố vấn cho mình mà còn là người bạn tri kỷ gắn bó với nhau như “bóng với hình”. Nhờ sự tin cậy ấy, cụm tình báo A22 do Vũ Ngọc Nhạ phụ trách đã có cơ hội hoạt động và gài được nhiều người của ta vào các cơ quan đầu não quan trọng của chính quyền Sài Gòn.

Nhiều người muốn hiểu rõ cái phép màu gì đã giúp Vũ Ngọc Nhạ từ đức tin của họ Ngô trở thành người thân tín với gia đình họ Nguyễn Tổng Thống. Tôi hỏi ông Nhạ:

- Làm cố vấn cho gia đình Ngô Tổng Thống, khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, bằng cách nào ông lại sang làm cố vấn cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu?

- Làm cố vấn cho Diệm, ông Nhạ nói, tôi có điều kiện tiếp xúc với người Mỹ. Biết được người Mỹ có ý định chọn đối tượng lên thay Diệm. Tướng Thiệu là một trong những con bài lọt trong mắt họ. Nguyễn Văn Thiệu, một giáo dân ngoan đạo, các cha cố, linh mục nhiều người có cảm tình với Thiệu. Khi ấy tôi được uỷ quyền đại diện cho khối công giáo tổ chức vận động ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống. Cuộc vận động thành công, Thiệu tha thiết mời tôi vào Dinh Độc Lập làm cố vấn đặc biệt cho ông ta.

- Được biết Nguyễn Văn Thiệu cũng rất tin ông và coi ông như một chiến hữu “tử vì đạo”?

- Công việc của tôi cần có sự quan hệ như thế. Tôi còn nhớ sau ngày Nguyễn Văn Thiệu lên nhận chức Tổng thống, ông ta sang phòng làm việc của tôi và bảo: “Thày Hai dàn xếp cùng người Mỹ “đưa tôi” lên làm Tổng thống, tôi rất biết ơn thày. Nhưng khi thày muốn hạ tôi xuống, thày phải “xi nhan” trước cho tôi xuống nghe, đừng để tôi phải chết nhục như anh em Ngô Đình Diệm!”.

- Đó là điều kiện “tuyệt vời” để ông “rút ruột” ông Thiệu?

- Không chỉ ông Thiệu - Vũ Ngọc Nhạ tiếp. Người Mỹ cũng cần tôi, vì tôi là cố vấn của Nguyễn Văn Thiệu, qua tôi để thăm dò ông Thiệu. Và ông Thiệu cũng dựa vào tôi để biết “ý tứ” người Mỹ. Tôi có điều kiện nắm bắt tình hình cả hai bên.

- Anh, em trong lưới tình báo của ông ngày đó nằm trong dinh Tổng thống được “sắp xếp” thế nào?

- Lọt vào làm việc nắm “quyền hành” trong Dinh Độc Lập là một nghệ thuật cực kỳ mạo hiểm. Việc này do tổ chức và tôi đã “thiết kế” đưa từng anh em “chui thật sâu” vào trong lòng địch, nắm địch.

- Họ giữ những trọng trách gì? Nay còn ai không?

- Huỳnh Văn Trọng làm cố vấn ngoại giao Phủ Tổng thống. Nguyễn Xuân Hoè là uỷ viên văn phòng Tổng thống. Lê Hữu Thuý uỷ viên phụ tá thông tin chiêu hồi. Và ông Vũ Hữu Duật đây, ông Nhạ chỉ tay về phía người đang ngồi bên trái chiếc ghế của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và nói: Năm 1954, khi đồng chí Mười Hương được Trung ương cử về Thái Bình lấy tôi và ông Duật đi làm nhiệm vụ đặc biệt, lúc ấy ông Vũ Hữu Duật là thị uỷ viên Trưởng ban Tuyên giáo Thị uỷ Thái Bình. Thời Ngô Đình Diệm, ông Duật được ta “cài vào” làm việc tại Tổng nha cảnh sát Nguỵ. Thời Nguyễn Văn Thiệu, ông Duật là uỷ viên tuyên huấn trung ương lực lượng tự do và làm Phó tổng thư ký thường trực Đảng Liên minh dân chủ (đảng cầm quyền của Nguyễn Văn Thiệu). Nay cả lưới chỉ còn hai chúng tôi. Gia đình tôi và gia đình ông Duật vừa đi thắp hương cho đồng đội của mình ở nghĩa trang đô thành.

- Đầu năm 1969, theo chỉ đạo của cấp trên, ông đã dự định “thiết lập” một Chính phủ Việt Nam Cộng hoà gồm hầu hết là những người trong lưới tình báo vào các vị trí quan trọng trong Chính phủ?

- Đó là cơ hội tôi đã làm. Danh sách các thành viên Chính phủ đã được Nguyễn Văn Thiệu phê duyệt để trình Quốc hội. Trong đó Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục giữ chức Tổng thống. Huỳnh Văn Trọng (người của ta) dự định là Thủ tướng Chính phủ. Vũ Hữu Duật đây, ông Nhạ giơ tay về phía ông Duật đang ngồi cạnh tôi, làm Bộ trưởng phụ trách chính trị. Vũ Xuân Hoè (người của ta) làm Bộ trưởng Kinh tế. Lê Hữu Thuý (người của ta) làm Bộ trưởng Thông tin chiêu hồi… Ông Lê Hữu Thuý, khi đương chức phụ tá thông tin chiêu hồi của Nguyễn Văn Thiệu, là một trong những chiến sĩ tình báo trong lưới của tôi lập công đặc biệt xuất sắc. Năm 2000 vừa qua, Lê Hữu Thuý được Đảng, Nhà nước và quân đội tuyên dương là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

- Vì sao các chiến sĩ tình báo của ta nằm trong danh sách nội các mới của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà không thành?

- Bọn CIA và mật vụ nghi chúng tôi “thao túng” Dinh Độc Lập, nên đã theo dõi sát sao và giăng bẫy khắp nơi. Chúng đã gặp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và cảnh báo ông ta rằng: một lưới tình báo Bắc Việt trong Dinh Tổng thống đang ngầm phá Mỹ và Chính phủ Việt Nam Cộng hoà. Cầm đầu lưới này là Vũ Ngọc Nhạ, người mà ông tin cẩn nhất. Trước đó tôi đã nói điều đó với ông Thiệu.

- Ông Thiệu nghĩ gì khi Mỹ tố cáo ông là “gián điệp” Bắc Việt?

- Lúc đầu ông Thiệu cho rằng Huỳnh Văn Trọng, Vũ Hữu Duật có thể là gián điệp. Ông không tin người Mỹ cho tôi là cộng sản nằm vùng và bảo đây chỉ là mưu đồ người Mỹ muốn hạ uy tín của ông. Nhưng sau đó người Mỹ tới Dinh Độc Lập dùng áp lực doạ Nguyễn Văn Thiệu. Họ nói:

- Nếu ông không ký lệnh bắt Vũ Ngọc Nhạ, ông sẽ mất chức Tổng thống.

Thế là ngày 16 tháng 7 năm 1969, cả lới của tôi sa vào tay địch. Bọn mật vụ thuộc Tổng nha cảnh sát Nguỵ và bọn CIA trút mọi cực hình đánh đập, tra khảo chúng tôi suốt 3 tháng trời trước khi chúng đưa ra toà xét xử.

Khi bắt được Vũ Ngọc Nhạ, bắt một ông cố vấn của ông Thiệu, cả Sài Gòn huyên náo, xôn xao, bởi họ đã phát hiện và tóm được một lưới tình báo quân sự của Việt cộng nằm ngay trong cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hoà.

Ngày ấy báo chí Sài Gòn đưa tin rùm beng trên những hàng tít lớn: “Vụ án gián điệp lớn nhất thời đại”. “Vụ án chính trị của thế kỷ”. Các bị cáo đều là những nhân vật trọng yếu trong chính phủ nguỵ quyền: người là cố vấn đặc biệt của Tổng thống, người là cấp Bộ trưởng, người là tham chính văn phòng Bộ chiêu hồi.

Vũ Ngọc Nhạ, người bị tố cáo cầm đầu lưới gián điệp, xuất hiện trước toà với bộ áo trắng, quần đen, cà vạt nâu, miệng luôn luôn tươi cười. Ông từ chối luật sư biện hộ cho mình, và cũng không tự bào chữa. Ông tuyên bố những việc mình đã làm chỉ có lịch sử phán xét.

Sau vụ án chúng đưa các ông Vũ Xuân Hoè, Lê Hữu Thuý, Vũ Hữu Duật ra đày ngoài Côn Đảo. Vũ Ngọc Nhạ và anh Huỳnh Văn Trọng bị chúng giam tại Sài Gòn đến đầu năm 1970 mới đưa ra Côn Đảo.

- Làm thế nào từ Côn Đảo ông lại về Sài Gòn rồi lại vào Dinh Độc Lập tiếp tục “hoạt động”? Tôi hỏi.

- Tôi không nghĩ mình bị bắt là hết, mà mỗi lần bị bắt lại phải nghĩ cách tìm cho mình một con đường mới, bọc mình một lớp vỏ mới. Ở Côn Đảo, cả lưới của chúng tôi giam chung một biệt khu, nên anh em bàn nhau rất kỹ về “đường đi, nước bước” sau đó. Chúng tôi nhận mình là lực lượng thứ ba, có cơ hội sẽ hợp pháp hoá để hoạt động. Khi hiệp định Pari được thi hành, năm 1973, tôi và anh Huỳnh Văn Trọng được trao trả tại Lộc Ninh. Cha Hoàng cùng một số linh mục ở Bình An - và khối công giáo Phát Diệm đã móc nối đón tôi vào Sài Gòn.

Trong lúc Nguyễn Văn Thiệu tin dùng Vũ Ngọc Nhạ, hai người như bóng với hình. Ngược lại, Cục tình báo CIA Mỹ lại luôn ngờ vực ông. Cuộc chiến đấu thầm lặng trong cạm bẫy và những thử thách nghiệt ngã luôn luôn đối mặt từng ngày. Làm thế nào để vừa giữ mình, hoạt động có hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn cho toàn lưới A22. Chỉ sơ xảy một tí là nguy hiểm ập đến, là đổ vỡ hoàn toàn. Vũ Ngọc Nhạ luôn phải vắt óc, trăn trở nghĩ suy. Có một tình huống xảy ra ở phòng Tổng thống cách đây hơn 30 năm, chợt nhớ lại, Vũ Ngọc Nhạ kể:

- Hôm ấy tại cái phòng này, Nguyễn Văn Thiệu tiếp một số quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn và quan chức người nước ngoài tới làm việc. Tôi có mặt với tư cách cố vấn của Tổng thống Thiệu. Ngồi cạnh tôi là ông Raymond J.de Jaegher - cố vấn của Tổng thống Mỹ Nixơn. Ông ta nhìn tôi rất lâu, rồi đột nhiên hỏi:

- “Ông không phải là người Việt Nam?”

Tôi giật mình, cố tĩnh tâm để không thay đổi sắc mặt, nhưng mồ hôi toát ra. Tại sao ông ta lại bảo mình không phải là người Việt Nam? Hay ông ta nghĩ người Việt Nam tức là Việt Nam Cộng hoà. Có nghĩa là ông ta bảo mình là Việt Cộng. Hay là mình bị lộ. Tôi chợt nhớ ra Jaegher là người Mỹ gốc Bỉ nhập quốc tịch Mỹ và từng có thời kỳ làm cố vấn cho Tưởng Giới Thạch. Tôi liền buông một câu thăm dò:

- “Ông không phải là người Mỹ”

Tôi không ngờ mình đã phóng mũi tên trúng đích. Ông Raymond J.de.Jaegher đứng phắt dậy chìa tay bắt tay tôi, nói nhỏ:

- Ông không phải người Việt Nam. Tôi không phải người Mỹ. Đúng vậy. Nhưng ông đang làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam. Tôi đang làm cố vấn cho Chính phủ Mỹ. Chúng ta sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau nghe. Từ đó tôi và Jaegher thường xuyên trao đổi tin tức cho nhau. Tôi đã khai thác được nhiều điều bổ ích của ông cố vấn mắt xanh này phục vụ cho công việc của mình.

Vũ Ngọc Nhạ tâm sự:

- Sống với kẻ thù, ngồi cùng bàn, ăn cùng bàn với kẻ thù, suốt ngày nghe chúng chửi Cách mạng, chửi Cộng sản chỉ cần thay đổi sắc mặt một chút là có thể bị lộ. Thực tế mấy chục năm hoạt động trong lòng địch tôi đã phải đổi tên đổi họ mai danh ẩn tích đến nỗi gia đình anh em họ hàng làng xóm quê hương tôi tin chắc là tôi đã chết từ lâu. Nhưng cũng có người thì lại nghi ngờ tôi đi theo địch.

Chúng tôi gặp và hỏi chuyện ông Mười Hương tức Trần Quốc Hương, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính TW. Ông được Trung ương cử vào miền nam công tác những năm 1950-1960 và trực tiếp chỉ đạo lưới tình báo H10-A22 của Vũ Ngọc Nhạ. Ông Mười Hương nói :

- Phải nói Vũ Ngọc Nhạ hóa thân thành một con người khác thật tuyệt. Tôi còn nhớ một lần tôi đưa Vũ Ngọc Nhạ ra căn cứ của ta ở ngoài Củ Chi để gặp cấp trên. Hôm ấy trong lúc làm việc tôi thấy anh Mai Chí Thọ (người được Trung ương cử vào) nắm tình hình, anh Thọ nhìn Vũ Ngọc Nhạ một cách chăm chú khác lạ. Lúc giải lao, anh Mai Chí Thọ kéo tôi ra ngoài nói nhỏ:

- Anh phải cẩn thận và cảnh giác với thằng cha Nhạ nghe.

Nghe anh Thọ nói tôi ngớ người không hiểu đầu cuối ra sao. Vũ Ngọc Nha là một Thị ủy viên, trưởng thành từ một cán bộ quân đội thời kỳ kháng chiến ở Thái Bình. Là người do tổ chức của ta cài vào, rất năng nổ và hoạt động đang có hiệu quả. Sao cấp trên lại nghi ngờ anh? Hay có điều gì... Tôi băn khoăn hỏi:

- Tại sao lại phải cảnh giác với Vũ Ngọc Nhạ?

Anh Mai Chí Thọ vẻ mặt quan trọng:

- Mình trông nó hệt một ông linh mục. Từ dáng đi, giọng nói đôi mắt đến tính cách, y như là một thằng cha đạo phản động.

- Thưa anh. Trần Quốc Hương nói. Vũ Ngọc Nhạ có giống một thằng cha cố phản động, anh ấy mới tồn tại trong lòng địch được. Nếu cứ ngay thẳng thật thà hoặc “ngụy trang” nửa vời thì chúng nó bóp chết từ lâu rồi. Anh Nhạ “thể hiện” như thế, đúng vai “kịch bản” của tôi đấy. Ông tiếp:

- Nghe tôi giải thích và đặt niềm tin vào người cán bộ tình báo mà tôi phụ trách, anh Mai Chí Thọ bảo, anh tin tôi.

Ông Mười Hương nói tiếp:

- Thực ra khi ấy anh Mai Chí Thọ rất tin tôi. Nhưng cái thằng cha đạo phản động lẫn trong bóng hình con người ông Nhạ đôi lúc vẫn làm anh Thọ chưa yên lòng. Có lần anh nói với tôi thế. Mãi đến sau này cả lưới A22 lập công suất sắc được tuyên dương anh hùng, anh Mai Chí Thọ mới chúc mừng tôi. Anh bảo: Cậu khá lắm, cậu dàn kịch bản cho thằng Nhạ thật tuyệt vời. Mình rất mừng. Một đồng chí của ta “đội lốt” kẻ địch đến mức người của ta cũng không nhận ra quả là điều kỳ diệu đối với nghệ thuật tình báo mà chính mình cũng không thể tưởng tượng.

  Ông Vũ Ngọc Nhạ nói những điều gan ruột tự đáy lòng mình :

- Cuộc đời con người ta chẳng được là bao mà gần nửa đời bị nghi oan, nghĩ lại, nhiều khi tôi thấy buồn. Vợ tôi bà ấy cũng buồn lắm nhưng cũng may cuộc chiến tranh kết thúc, ta giành thắng lợi lớn. Nỗi oan của gia đình tôi được giải tỏa. Nói về thời giai đoạn oan khuất của gia đình, ông Vũ Ngọc Nhạ tâm sự tiếp :

- Tôi là một chiến sỹ quân đội nhập ngũ thời kỳ chống Pháp. Tôi còn nhớ ngày lên đường, cả làng Cọi Khê tiễn đưa tôi ra đi. Làng Cọi Khê hồi đó, ngày nay là xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Tôi ra đi trong niềm tự hào của gia đình, của quê hương. Bạn bè cùng lứa hân hoan vui mừng cổ vũ tôi. Tôi hứa với mọi người tôi sẽ phấn đấu trở thành một người chiến sỹ tốt, một anh bộ đội trung thành với quân đội, với nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Gia đình, họ hàng và bà con làng xóm rất yêu quý tôi và sau này họ cũng tự hào về tôi, người chiến sỹ quân đội đã lập công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp được đi dự hội nghị tổng kết chiến tranh du kích toàn quân. Vậy mà, năm năm sau cuộc đời anh bộ đội trong tôi bị “tiêu tan” trong sự thất vọng của dân làng. Đầu năm 1954, tôi trở về quê hương, mọi người ngạc nhiên sửng sốt. Tôi vận bộ đồ một sỹ quan Ngụy, vai đeo lon Trung úy, hông đeo súng ngắn về đưa vợ con ra Hải Phòng xuống tàu há mồm di cư vào Nam…Từ đó trong tâm khảm của mọi người, của dân làng, của bạn bè tôi là kẻ đào ngũ đi theo giặc. Họ cho là tôi bị người Pháp mua chuộc, tôi là tên phản quốc. Trong mắt dân làng Cọi Khê, vợ tôi cũng là kể phản bội đi theo chồng, tức là đi theo giặc. Vợ chồng tôi đành cắn răng cam chịu tiếng xấu. Từ đó gia đình tôi vào sống ở trong Sài Gòn. Nỗi căm giận của dân làng với tên phản bội Tổ quốc trút hết lên bố mẹ tôi. Anh em, họ hàng và những người thân thiết sống ở làng Cọi Khê bị nhục nhã vì mang tiếng xấu nhà có người đi theo giặc. Gia đình tôi, một gia đình Cách mạng bỗng chốc trở thành một gia đình phản quốc, bị dân làng khinh bỉ, bị chính quyền theo dõi. Quyền sống và quyền lợi của bố mẹ anh em ruột thịt của tôi cơ cực vô cùng. Có lúc bố tôi đã nghĩ đến cái chết vì tôi, vì nhục nhã không chịu nổi.

Ông Vũ Ngọc Nhạ kể tiếp:

Nỗi oan ở quê nhà tuy cay đắng đau đớn nhưng được người thân gánh chịu cho vợ chồng tôi. Lần thứ hai, khi tôi đi tù ở Côn Đảo lúc được tha, nhiều người cũng nghi ngờ. Nỗi oan do người Mỹ bắt tôi lần này đưa đi tù rồi thả tù cũng thật chua xót. Ngày đó, ở trong tù không tìm được chứng cớ, họ phải thả chúng tôi ra. Nhưng không ít người lại nghi vấn chúng tôi. Trắng đen cứ lẫn lộn. Ai thả tổ tình báo A22? Ai cứu họ? Lực lượng phía ta cũng có người đặt vấn đề: vì sao địch tha tội cho ông Vũ Ngọc Nhạ? Riêng lực lượng công giáo khi đó lại sẵn sàng mở cửa đón chúng tôi về.

Tôi hỏi ông Vũ Ngọc Nhạ:

- Khi bị bắt vì tội là cộng sản làm gián điệp, các cha đạo vẫn tin ông?

- Họ nghi tôi bị oan và cho tôi là một con chiên ngoan đạo đã hết lòng vì Chúa, vì hoà bình.

Ông nói: theo chỉ đạo của trung tâm, đầu năm 1974 tôi trở lại Sài Gòn với tư cách là người của lực lượng thứ ba.

- Tổ chức của ta dự định ông sẽ tham gia trong Chính phủ ba thành phần?

- Nhưng Chính phủ ba thành phần đã không ra đời, vì tình hình phát triển theo một xu thế khác. Tôi được giao nhiệm vụ củng cố, hình thành lưới tình báo mới, xây dựng lực lượng thứ ba, đưa người của cách mạng vào nội thành chuẩn bị cho ngày toàn thắng.

- Ông đã chứng kiến sự tan rã, sụp đổ của Chính quyền Việt Nam Cộng hoà và ông Thiệu?

- Theo chỉ đạo của trên, tôi đã dựa vào các linh mục có uy tín trong khối công giáo để ép Nguyễn Văn Thiệu từ chức và góp phần “dàn xếp” cho tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng thống thay Thiệu.

- Rời ghế Tổng thống, ra khỏi Dinh Độc Lập, Nguyễn Văn Thiệu có liên hệ với ông?

- Những phút sống hoảng loạn cuối cùng ở Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu đã gọi điện cho tôi. Từ đầu dây, ông ta nói:

- Thày Hai góp ý cho tôi lúc này tôi nên xử sự thế nào?

- Ông nên đi khỏi Sài Gòn.

- Đi đâu?

Tôi đã phân tích tình hình, khẳng định thế tất thắng của cách mạng Việt Nam và chính sách hoà hợp dân tộc, rồi khuyên Nguyễn Văn Thiệu:

- Đi đâu là tuỳ ông, nhưng ông nên trừ nước Mỹ.

- Vì sao tôi không đi nước Mỹ.

- Sang Mỹ, họ sẽ giết ông.

Theo góp ý của tôi, Nguyễn Văn Thiệu đưa vợ con đi Hồng Kông, rồi sang cư trú tại Anh quốc. Cuối năm 2001, ông Thiệu mới qua đời.

- Thế là ông đã giữ được lời hứa với Nguyễn Văn Thiệu trong lúc nguy nan, “xi nhan” để ông ta không phải chết nhục nhã như anh em họ Ngô.

- Tôi cho đó là chính sách rất nhân đạo của chế độ ta.

- Tâm trạng của ông trong những giờ phút Sài Gòn sắp được giải phóng?

- Rất vui. Nhưng tôi cũng không rõ tính mạng mình sẽ ra sao. Bởi vì lúc ấy có thể tôi phải hứng cả ba luồng đạn. Đạn của nhân dân. Đạn của quân giải phóng và đạn của quân đội Nguỵ quyền. Nhưng rất may, đã không có viên đạn nào trong ba luồng đạn ấy găm vào người tôi.... 

                                                             Bút ký Minh Chuyên

(Tác phẩm dự thi Người Thái Bình, đất Thái Bình)

  • Từ khóa

Đặng Kim Hùng - 2 năm trước

Tự hào là người con Thái Bình

Tải thêm