Thứ 7, 20/04/2024, 02:58[GMT+7]

Độc đáo hình tiên nữ trên gỗ đình Thổ Hà

Thứ 2, 19/04/2021 | 17:21:10
1,054 lượt xem
Đình Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là một trong những ngôi đình cổ có giá trị kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng ở xứ Bắc. Ngôi đình được xây dựng từ lâu đời và được tu sửa lớn ở thời Lê, niên hiệu Chính Hòa thứ 7 (1686). Một trong những hình tượng đặc sắc nhất ở nghệ thuật kiến trúc đình Thổ Hà là các bức chạm khắc hình tiên nữ.

Đình Thổ Hà, xã Vân Hà.

Tiên nữ chạm khắc ở đình Thổ Hà xuất hiện khá nhiều trên các ván gió, trên vì nách, xà nách, cốn nách… và còn xuất hiện cả trên trang trí hương án đặt trước Hậu cung. Về mặt hình thức, nghệ thuật tạo hình các bức chạm tiên nữ rất phong phú. Cùng thể hiện tiên nữ trên "bầu trời tiên cảnh" nhưng các nghệ nhân chạm khắc đình Thổ Hà đã sáng tạo những bộ cánh, mái tóc, mỗi người một dáng vẻ, rất sinh động.

Về chân dung, các nàng tiên nữ có những điểm chung về trang phục, tư thế. Gương mặt tròn, mắt, mũi, miệng mang vẻ đẹp khỏe khoắn, tươi mới. Tai to, dài, đeo khuyên lớn. Có những nàng đeo khuyên hình giọt lệ dài chạm vai. Đa phần các nàng tiên ở đình Thổ Hà đều búi, vấn tóc hai múi trên đầu, thân trên mặc yếm, thân dưới mặc váy chùng, có thắt dải lụa ở dưới ngực. Hai cánh tay uốn dài cong, mềm mại như hình cánh cung. Bàn tay xòe quạt, ngón cái hướng ra ngoài, bốn ngón tay còn lại mở về hướng đối diện, trỏ thẳng vào mình. Cổ tay và cổ chân đều đeo vòng, chân để trần.

Chạm khắc hình tiên nữ ở Đình Thổ Hà.

Mảng chạm tiên nữ trên ván gió và vì nách thể hiện các nàng đều mặc yếm trơn đơn giản, không có hoa văn. Yếm ôm sát thân, giàu sức sống mà vẫn ý nhị, kín đáo. Đối lập với vẻ đẹp khoẻ khoắn của các mảng chạm phía Đông đình là các mảng chạm tiên nữ dáng mềm mại, điệu đà ở các bức ván gió thượng phía Tây đình. Nàng tiên phía trước, phía sau, đôi tay dang rộng, ngả đầu ra sau, say mê vũ khúc, cùng cưỡi rồng chầu vào chim phượng.

Đa phần các nàng tiên trên chạm khắc đình Thổ Hà đều cuộn tóc trên đỉnh đầu. Hình thức búi tóc này có thể thấy xuất hiện ở rất nhiều hình tiên nữ trên gỗ như ở đình Đông Lỗ (Hiệp Hoà), đình Cao Thượng (Tân Yên), đình Phù Lão (Lạng Giang)… Đây cũng là một hình thức vấn tóc quen thuộc, phổ biến nhất trong các dạng thức tạo kiểu tóc của các tiên nữ trên chạm khắc đình làng Bắc Bộ thế kỷ XVII-XVIII.

Khác với những nàng tiên "lớn" được phô diễn trên các xà nách, ván gió ở đình Thổ Hà. Các nàng tiên "nhỏ" ở những vị trí có phần khiêm nhường hơn. Phải rất tinh mắt mới thấy được các cô tiên nhỏ bé, ẩn mình trong những đám mây đao mác, núp sau các đầu rồng, sư tử và thường chỉ để lộ phần đầu hoặc phần nửa thân trên cơ thể. Các cô tiên này lại ít khi vấn tóc hai múi trên đầu mà thường đội mũ ba đỉnh. Trong khoảng không dày đặc những hình người, thú, đao mác, vảy rồng… các mảng chạm đầu tiên nữ gần như được giản lược chi tiết tối đa.

Ngoài những cô tiên xuất hiện trên các mảng chạm khắc trang trí kiến trúc, trên diềm hương án đặt trước hậu cung đình Thổ Hà còn xuất hiện hình hai tiên nữ cưỡi rồng chầu mặt trời. Tạo hình hai nàng tiên ở đây khá hài hòa, nhẹ nhàng nhưng trang phục có phần cầu kỳ, diêm dúa hơn các cô tiên trên các mảng chạm khắc trang trí kiến trúc trong đình.

Nhìn chung các bức chạm hình nàng tiên ở đình Thổ Hà được tạo hình uyển chuyển, duyên dáng, ý nhị mà vẫn nổi bật. Những bố cục tạo hình phong phú đã tạo nên diện mạo riêng, kỳ ảo cho chạm khắc ở ngôi đình cổ này. Trải qua hơn 300 năm, nhiều mảng chạm khắc tiên nữ ở đình Thổ Hà đến nay vẫn còn bảo lưu được nguyên vẹn, minh chứng cho một thời nghệ thuật tồn tại của dân tộc.

Theo tintuc.vn