Ngày làm việc thứ hai hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Audio: 29032021_HNTT_ngay_lam_viec_t2_mixdown.mp3
Dự hội nghị tại điểm cầu phòng họp Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội) có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Dự hội nghị còn có các đại biểu tại 67 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và đường truyền mở rộng đến hơn 7.300 điểm cầu cơ sở.
Dự hội nghị tại 103 điểm cầu của tỉnh Thái Bình có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và đại biểu cấp huyện, xã trong toàn tỉnh.
Buổi sáng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ giới thiệu, quán triệt chuyên đề: “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025”. Thủ tướng khẳng định: Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực lớn mạnh hơn nhiều, quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; có nhiều kinh nghiệm quý trong thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro; trình độ khoa học công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức về khai thác, sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên, đất đai và nguồn nước; biến đổi khí hậu ngày càng nhanh, khốc liệt, khó lường; nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc gia cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực trong thời kỳ đầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nhấn mạnh chiến lược phát triển đất nước trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện được mục tiêu này, theo Thủ tướng cần phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, trong đó nhấn mạnh 5 quan điểm phát triển: Thứ nhất, phát triển nhanh và bền vững; dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt cơ hội; phát triển hài hòa 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Thứ hai, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ nguồn lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, các sản phẩm dịch vụ, mô hình mới; coi trọng quản lý phát triển xã hội; phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thứ ba, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng sức mạnh nội sinh quan trọng; phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước... Thứ tư, xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại... Thứ năm, chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường với quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn...
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể; đồng thời tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Chú trọng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nút thắt với phương châm xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, có kế hoạch cụ thể về kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện. Chú trọng xây dựng hệ thống thông tin, báo cáo, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và kịp thời. Quy định rõ trách nhiệm cụ thể đối với cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu. Khi xuất hiện những vấn đề mới, báo cáo cấp có thẩm quyền trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết định việc thực hiện thí điểm.
Các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và đại biểu dự hội nghị trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu UBND tỉnh Thái Bình.
Buổi chiều, các đại biểu nghe Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giới thiệu, quán triệt chuyên đề: “Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam”, trong đó nhấn mạnh: Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh tổng hợp của đất nước cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Đây là quan điểm, chủ trương thể hiện sâu sắc sự phát triển tư duy mới của Đảng đối với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, là định hướng chiến lược để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Việc quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; nhằm thực hiện kế sách giữ nước từ sớm, từ xa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; tích cực tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.
Giới thiệu, quán triệt chuyên đề: “Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia”, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Văn kiện Đại hội XIII phát triển nhận thức, tư duy bảo vệ an ninh quốc gia trên các nội hàm: tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm, phương hướng, phạm vi bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, kế sách bảo vệ an ninh quốc gia; phát triển tư duy về tiềm lực quốc phòng, an ninh; phát triển tư duy kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại; xây dựng lực lượng công an nhân dân; nghiên cứu, phát triển lý luận an ninh. Trong quá trình phân tích làm rõ các nội dung, đồng chí nhấn mạnh tinh thần chủ động phòng ngừa, chuẩn bị chủ động về mọi mặt, sẵn sàng giữ vững an ninh quốc gia trong mọi tình huống, tính chiến đấu thường xuyên liên tục, gắn chặt xu thế hòa bình, ổn định một cách bền vững.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương trên cơ sở nắm vững những quan điểm, nội dung cốt lõi, những chủ trương mới trong các Văn kiện Đại hội XIII đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước quán triệt, chỉ đạo tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho những cán bộ, đảng viên chưa được tham gia học tập tại hội nghị do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức. Sau đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội khẩn trương tiến hành xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, thể hiện quyết tâm, sáng tạo và bảo đảm tính khả thi, thiết thực, hiệu quả. Chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới đông đảo nhân dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài về những nội dung cơ bản của các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Chú trọng đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch và định hướng dư luận xã hội theo đúng phương châm “Lấy xây làm chính, lấy đẹp dẹp xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, góp phần quan trọng củng cố niềm tin vững chắc vào mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương cần chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền xây dựng, triển khai chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội gắn với thực tiễn của địa phương, đơn vị, bảo đảm đồng bộ, thiết thực, hiệu quả. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức học tập và thực hiện Nghị quyết một cách thường xuyên.
Đại biểu dự hội nghị trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu UBND tỉnh Thái Bình.
Đại biểu dự hội nghị trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu Tỉnh ủy Thái Bình.
Đồng chí Ngô Thị Kim Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia” do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giới thiệu cho chúng ta cái nhìn bao quát, nhận thức đầy đủ về an ninh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Lần đầu tiên Đảng ta xác định “an ninh con người”, bảo vệ “an ninh con người” nhằm cụ thể hóa các tư tưởng lập hiến đã nêu trong Hiến pháp 2013 và trở thành các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước từ năm 2021 đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động, bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị - xã hội, xây dựng và phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng. Tôi rất tâm đắc với các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ an ninh quốc gia trong giai đoạn hiện nay được đề cập trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó nhiệm vụ xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đây cũng là tư duy rất mới trong việc định hướng xây dựng lực lượng Công an nhân dân phù hợp với xu thế, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong điều kiện hiện nay. Đồng chí Trần Huy Quân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương Được nghe đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ giới thiệu, quán triệt chuyên đề: “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025”, tôi nhận thấy đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thế và lực của chúng ta lớn mạnh, quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; có nhiều kinh nghiệm quý trong thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sau 35 năm đổi mới. Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Thủ tướng, để đất nước tiếp tục vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen chúng ta phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm. Trong đó, chúng ta cần đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa và giải quyết việc làm... Đồng chí Nguyễn Văn Dực, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương Tiếp thu những nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, cấp ủy, chính quyền huyện Kiến Xương sẽ xây dựng chương trình hành động, kế hoạch để triển khai thực hiện và có lộ trình cho từng tháng, từng quý, từng năm của nhiệm kỳ mới, đặc biệt trong năm 2021. UBND huyện Kiến Xương sẽ chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trên cơ sở phát huy thế mạnh của các sản phẩm đặc thù và được coi là đặc sản của từng địa phương. Chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn; tập trung tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, tạo ra chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, hướng đến đích cuối cùng là nâng cao đời sống người dân nông thôn. Đối với lĩnh vực công nghiệp, tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Cùng với đó, Kiến Xương chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chủ động phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra. |
Tất Đạt - Đào Quyên
Ảnh: Thành Tâm
Tin cùng chuyên mục
- Trao quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Bắc Sơn 22.01.2025 | 20:24 PM
- Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed: Trao 20 suất quà cho cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố 22.01.2025 | 20:11 PM
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng 22.01.2025 | 20:14 PM
- Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc Tết Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động 22.01.2025 | 20:06 PM
- Tổng Bí thư Tô Lâm thắp hương tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 22.01.2025 | 20:06 PM
- Chợ tết 0 đồng lan tỏa yêu thương 22.01.2025 | 20:06 PM
- Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh: Trao 130 suất quà tết cho hội viên 22.01.2025 | 20:08 PM
- Năm 2024 du lịch toàn cầu gần như trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch 22.01.2025 | 20:08 PM
- Ra mắt Liên minh ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng quốc gia 22.01.2025 | 15:52 PM
- Những chiêu lừa online nở rộ dịp gần Tết 22.01.2025 | 15:51 PM
Xem tin theo ngày
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
- Tháo gỡ khó khăn, không để các dự án trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ
- UBND tỉnh tiếp nhận 1 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hỗ trợ tặng quà tết cho hộ có hoàn cảnh khó khăn
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, tặng quà đảng viên tiêu biểu, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa
- Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm
- Bàn giao công tác của Chủ tịch UBND tỉnh
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy dự lễ khánh thành nhà cho hộ nghèo
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, chúc tết các văn nghệ sĩ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm, chúc tết văn nghệ sĩ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự lễ khánh thành nhà ở cho hộ nghèo huyện Vũ Thư