Thứ 2, 25/11/2024, 22:10[GMT+7]

Ươm mầm xanh vùng đất bãi

Thứ 6, 18/08/2017 | 08:15:32
1,420 lượt xem
Vùng đất bãi ven các sông thuộc huyện Đông Hưng trước kia sản xuất kém hiệu quả, một số vùng bỏ hoang không sản xuất nhưng hôm nay đã khác, đã “thay da đổi thịt”, khoác lên mình diện mạo mới, đang làm giàu cho người dân các vùng ven sông.

Nông dân Đông Hưng gieo trồng cây màu ở các vùng ven sông.

Nhờ phù sa của sông Trà Lý, vùng đất bãi ven sông Bạch Đằng tơi xốp và màu mỡ phù hợp với các loại cây trồng. Khai thác lợi thế này, hơn 20 năm nay, cây dâu trở thành cây trồng mũi nhọn làm giàu cho 20 hộ dân xã Bạch Đằng (Đông Hưng). Nhiều người cho rằng cây dâu phù hợp với vùng đất bãi nhưng có lẽ chính quyết tâm làm giàu, sự cần cù chịu khó của người dân ở đây là câu trả lời cho diện mạo mới của vùng đất bãi này. Nghề trồng dâu nuôi tằm vất vả được coi là nghề “ăn cơm đứng” nhưng thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với cấy lúa. Gia đình anh Nguyễn Văn Hạnh ở thôn Hậu Trung 2 đã 20 năm trồng dâu nuôi tằm, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Ven sông Tiên Hưng thuộc xã Minh Tân (Đông Hưng), 6ha đất bãi được 30 hộ nông dân phát triển theo hướng chuyên canh cây hoa màu như ngô, bí xanh, đỗ tương, dưa leo... Mỗi năm giá trị sản xuất tại vùng đất bãi này chiếm 15% giá trị sản xuất nông nghiệp của xã. Chỉ với 5 sào đất bãi anh Nguyễn Phú Hiệp ở thôn Hoàng Đức một năm gieo trồng 4 vụ, thu nhập 15 - 20 triệu đồng/sào.

Trên địa bàn huyện Đông Hưng có 4 con sông lớn chảy qua, ngoài sông Trà Lý chảy qua gần 1/3 số xã trong huyện còn có con sông Tiên Hưng và sông Sa Lung. Gần như địa phương nào trong huyện cũng có sông lớn chảy qua, đồng nghĩa với việc có thể khai thác vùng đất bãi ven sông để phát triển kinh tế. Đến nay toàn huyện đã có gần 200ha đất ven sông được người dân đấu thầu để phát triển kinh tế nông nghiệp. Hướng đi này không mới song thực tế lại chứng minh nông nghiệp vẫn là lời giải bài toán kinh tế khá bền vững đối với vùng đất màu mỡ này.

Tuy nhiên, có địa phương chưa tận dụng hết tiềm năng sẵn có, đặc biệt nhiều địa phương vẫn còn đang “bỏ ngỏ” diện tích đất đai phì nhiêu này. 

Ông Đỗ Tiến Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Chúng tôi đang phối hợp với các địa phương chỉ đạo nông dân tăng hệ số sử dụng đất bằng cách bố trí lại thời vụ và tiến hành giao đất lâu năm cho nông dân chủ động tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương lập quy hoạch, kế hoạch cụ thể, lộ trình phát triển, xác định rõ các loại cây trồng có giá trị cao để tổ chức chỉ đạo sản xuất, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng một số trang trại trồng trọt, chăn nuôi, tận dụng mặt nước có sẵn để nuôi cá lồng, phát triển nguồn lợi thủy sản. Tổ chức tốt hệ thống canh tác nông nghiệp bền vững trên vùng đất bãi sẽ đánh thức, khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng về một vùng đất phù sa màu mỡ, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Thu Thủy
(Đài TTTH Đông Hưng)