Thứ 5, 28/11/2024, 00:14[GMT+7]

Hiệu quả mô hình biogas lấy khí đốt và phân hữu cơ

Thứ 4, 25/10/2017 | 08:24:57
2,938 lượt xem
Không chỉ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, mô hình hầm biogas tại trang trại chăn nuôi lợn của ông Hoàng Văn Lương, xã Thái Phúc (Thái Thụy) còn tạo ra nguồn khí đốt và phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng.

Trang trại của ông Hoàng Văn Lương hiện nuôi 1.000 con lợn.

Nằm tại khu chăn nuôi tập trung tại xã Thái Phúc, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Lương từ lâu được biết đến như một trang trại chăn nuôi lợn vào loại lớn nhất trên địa bàn huyện Thái Thụy với diện tích 2ha. Hàng năm, trang trại nuôi gia công từ 2.000 - 3.000 con lợn thịt, tương đương từ 250 - 300 tấn thịt lợn thương phẩm cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Hàng ngày, trang trại thải ra lượng chất thải rất lớn, từ 1 - 2 tấn. Trước đây, để giải quyết lượng chất thải này, trang trại phải đào một ao nước lớn để chứa, tuy nhiên ao nước này cũng không thể giải quyết được mùi chất thải, đặc biệt trong những ngày oi nóng hoặc mưa to. 

Nhằm tìm ra một giải pháp giải quyết lượng chất thải, đồng thời tạo ra một nguồn khí tự nhiên, tiết kiệm chi phí cho trang trại, đầu năm 2012, ông Lương đã thuê một đơn vị chuyên xây dựng hệ thống hầm biogas với 9 bể chứa có tổng thể tích 2.000m3 tại khu vực nuôi lợn.

Chia sẻ về lợi ích kinh tế mà hầm biogas mang lại, ông Lương cho biết: Từ khi hầm biogas được đưa vào hoạt động đã giúp tôi có được nguồn khí đốt ổn định phục vụ nhu cầu chăn nuôi, sinh hoạt của gia đình và 10 công nhân làm việc tại trang trại. Trung bình mỗi tháng tôi tiết kiệm được từ 7 - 8 triệu đồng tiền mua chất đốt, đồng thời giảm được một lượng lớn điện năng tiêu thụ của trang trại. Ngoài ra tôi còn cung cấp khí đốt cho một số hộ dân xung quanh. Với khoản kinh phí đầu tư để xây dựng hệ thống hầm biogas hơn 300 triệu đồng, tôi mất hơn 3 năm để thu hồi. Bên cạnh đó, tình trạng mùi chất thải đã hoàn toàn không còn, môi trường xung quanh khu chăn nuôi sạch sẽ.

Hệ thống máy sàng lọc chất thải chăn nuôi lấy phân hữu cơ.

Đặc biệt hơn nữa, trang trại của ông Lương còn lắp đặt hệ thống sàng lọc chất thải chăn nuôi để lấy phân hữu cơ. Hệ thống này được chính ông chế tạo dựa trên nguyên tắc “lưới lọc” có thể tách hầu hết các tạp chất trong hỗn hợp chất thải chăn nuôi. Khi hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc thì các chất rắn được giữ lại, ép khô và xử lý riêng còn lượng nước được đưa xuống hầm biogas, tạo ra phân bón hữu cơ giàu chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. Nhờ quá trình lên men và nhiệt độ tự sinh của phân ủ sẽ tiêu diệt được phần lớn các mầm bệnh nguy hiểm. Trong phân ủ có chứa chất mùn làm đất tơi xốp, tăng dung lượng hấp thụ khoáng của cây trồng, đồng thời có tác dụng tốt đến hệ vi sinh vật có ích trong đất. 

Ông Lương cho biết thêm: Hàng năm, trang trại thu được khoảng 50 tấn phân hữu cơ khô để cung cấp cho các đơn vị làm phân bón vi sinh trong và ngoài tỉnh với giá 500 đồng/kg, thu được 25 triệu đồng/năm. Ngoài ra, trang trại có thể tận dụng nguồn phân này để bón cho các cây ăn quả, cây dược liệu trồng tại trang trại, tiết kiệm từ 10 - 15 triệu đồng vì không phải mua phân hóa học.

Mô hình hầm biogas lấy khí đốt và phân hữu cơ của ông Lương đã cho thấy hiệu quả rõ rệt về kinh tế và môi trường. Việc nhân rộng mô hình này tại các trang trại chăn nuôi sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Trần Tuấn