Thứ 5, 26/12/2024, 14:10[GMT+7]

An Hiệp: Nông dân làm giàu từ VAC

Thứ 5, 26/10/2017 | 09:01:44
719 lượt xem
Để khai thác tiềm năng, thế mạnh, nâng cao giá trị sử dụng đất, hội viên nông dân xã An Hiệp (Quỳnh Phụ) đã tích cực cải tạo vườn, ao, chuồng, chuyển đổi sang trồng cây và nuôi nhiều con giống mới cho hiệu quả kinh tế cao.

Sau 3 tháng nuôi, mỗi con ếch trong gia trại của ông Nguyễn Đức Luận đạt trọng lượng từ 250 - 500 gam, giá bán 50.000 đồng/kg.

Đến thăm mô hình nuôi ếch của gia đình ông Nguyễn Đức Luận, thôn Nguyên Xá 4 chúng tôi thực sự khâm phục nỗ lực vượt khó của ông. 

Ông Luận cho biết: Trước đây tôi chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy ếch là mặt hàng đặc sản được nhiều người tìm mua, thời gian nuôi ngắn, chi phí đầu tư thấp, dễ chăm sóc, thu lãi cao nên sau khi học hỏi cách làm từ một người bạn vợ chồng tôi quyết định mua giống về nuôi. Tận dụng 100m2 ao cạnh nhà, với 5.000 ếch con lứa đầu, sau 3 tháng nuôi tôi xuất bán với giá bình quân 50.000 đồng/kg. Chưa trừ chi phí, sau mỗi vụ gia đình tôi thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng. Hiện tại tôi đang nuôi lứa thứ hai và sẽ đầu tư mở rộng diện tích nuôi nếu thị trường ổn định.

Nhận thấy quê mình có nhiều diện tích đất màu mỡ để hoang hóa, anh Nguyễn Đức Dũng, thôn Nguyên Xá 4 bàn với vợ mượn ruộng của những nhà không có nhu cầu sử dụng để cấy lúa và trồng cây màu. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, anh gieo vãi, gieo sạ lúa nhằm giảm công lao động, lựa chọn những giống lúa mới có năng suất, giá trị kinh tế cao, ít sâu bệnh, chi phí thấp, thời gian ngắn như lúa Nhật, nếp cái hoa vàng, dưa bao tử, ngô ngọt gieo trồng và tìm mối bao tiêu nông sản. Mỗi năm gia đình anh thu hoạch từ 50 - 60 tấn lúa và cây màu các loại, cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng. Cấy lúa có lãi nên anh liên kết với một số hộ khác trong thôn để cùng làm, mở rộng diện tích trên 4ha. 

Tuy nhiên, theo anh Dũng, sự liên kết này của gia đình anh mới chỉ là tự phát, nhỏ lẻ. Để tích tụ ruộng đất thật sự có hiệu quả, những người nông dân như anh cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn trong sản xuất về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, nhất là khâu tìm đầu ra cho nông sản. Đặc biệt là trong điều kiện thời tiết thất thường, sâu bệnh phát sinh gây hại, người nông dân không thiết tha với đồng ruộng như hiện nay thì những chính sách hỗ trợ đó cần thiết hơn bao giờ hết.

Bà Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hiệp cho biết: Hội Nông dân xã An Hiệp hiện có 697 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 8 chi hội. Để góp phần giúp hội viên phát triển kinh tế, những năm qua, bằng nhiều hình thức và hoạt động cụ thể, Hội đã triển khai sâu rộng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” tạo không khí thi đua sôi nổi trong phát triển kinh tế tại địa phương. Hàng năm, Hội chủ động phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tới hội viên để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Bên cạnh đó, Hội còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp hội viên vay gần 5 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình.

Thùy Dung