Thứ 2, 26/05/2025, 10:45[GMT+7]

Kỷ niệm không thể nào quên

Thứ 2, 22/01/2018 | 10:02:16
921 lượt xem
Cứ mỗi độ xuân về, những người lính năm xưa như chúng tôi lại bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của một thời máu lửa. Chiến thắng Mậu Thân 68 - một kỷ niệm lớn không thể nào quên.

Những năm đầu có mặt tại miền Nam, không chỉ đơn vị chúng tôi mà nhiều đơn vị khác còn rất lạ lẫm với cách đánh của Mỹ, tổn thất không phải là ít. Bộ Tư lệnh mặt trận phải tổ chức đánh điểm để rút kinh nghiệm. Chiến thắng Vạn Tường, Ba Za, Núi Thành... đã cho chúng tôi bài học quý báu: “Phải bám lấy thắt lưng địch mà đánh”, “phải sống cài răng lược với Mỹ” mới hạn chế thương vong mà các loại vũ khí hiện đại của Mỹ gây ra. Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng của chúng tôi cũng tổ chức đánh Mỹ thí điểm tại suối Sùng, Lại Giang, đồi 10 theo chỉ đạo của Tư lệnh miền đã mang lại hiệu suất chiến đấu cao, làm nức lòng nhân dân Nam Trung Bộ.

Quân đội Mỹ và quân chư hầu, từ thế hung hăng ban đầu, giữa năm 1967 đã bắt đầu co cụm. Quân và dân miền Nam từ thế giằng co đã chuyển sang phản công. Là đơn vị chủ lực chuyên đánh xuất kích vận động vùng ven biển, được nhân dân đùm bọc đã lập nhiều chiến công. Vào dịp cuối năm 1967, từ miền Đông ven biển tỉnh Bình Định, trên đột ngột ra lệnh chuyển về miền Tây quốc lộ 1 và về thẳng dãy núi Bà. Tuy không ai nói ra nhưng đều hiểu rằng lên miền Tây là đói, là sốt rét, bầu bạn với núi rừng, hang đá. 

Vừa lên tới núi Bà, chúng tôi bước ngay vào đợt học tập chính trị mới và nhận nhật lệnh của Tư lệnh mặt trận do bà Nguyễn Thị Định ký: Giao cho lực lượng vũ trang toàn miền Nam mở đợt tổng công kích, đến ngày 22/12/1967 phải giải phóng toàn bộ nông thôn miền Nam, tiến tới bao vây đô thành. Nhật lệnh phát đi, khí thế quân ta sôi động hẳn lên. Ngay chiều ngày 21/12/1967, tôi được điều động về Đại đội 62, Tiểu đoàn 6 để giúp ban chỉ huy xây dựng phương án chiến đấu, đánh vào khu sĩ quan chỉ huy sân bay quân sự Phù Cát. Sau nhiều giờ chiến đấu, chúng tôi đã làm chủ trận địa, gây tổn thất lớn cho địch. Đó là trận mở màn thắng lợi cho chiến dịch Mậu Thân 68. 

Các ngày tiếp theo, Đại đội 62 chuyển về hội quân cùng Tiểu đoàn ở phía Đông huyện Phù Cát. Nghe tin “cộng quân” kéo về, binh lính đồn Phú Hậu, xã Cát Khánh đã kinh hoàng. Đang đêm phải rút chạy. Các đồn bốt xung quanh tự tan rã. Về xã Phước Thắng - nơi có chi khu quân sự Gò Bồi, lãnh đạo địa phương cho biết địch vô cùng hoang mang, dao động. Sau 2 đêm tiếp cận, chúng tôi xin với ban chỉ huy thay đổi cách đánh. Dành lực lượng lớn đánh quân tháo chạy, tiêu diệt càng nhiều sinh lực địch và chặn không để địch trị quân về thành phố Quy Nhơn để phối hợp với các đơn vị bạn đánh quân cảnh và các trọng điểm quân sự khác. Đúng như phương án chiến đấu, cả chi khu quân sự Gò Bồi nằm trong biển lửa. Hàng trăm lính Mỹ, lính ngụy chết và bị thương trên đường rút chạy. Bà con xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước cùng với bộ đội hân hoan chào đón quê hương được giải phóng, nhanh chóng xây dựng các lực lượng, chuẩn bị cờ hoa để tiến về thành phố Quy Nhơn.

Nối dài thắng lợi, chúng tôi về giải phóng các xã Phước Quang, Phước Sơn và nhiều xã của huyện An Nhơn... Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh giải phóng liên tục phát đi bài hát: “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù; tiến về đồng bằng giải phóng thành đô...”. Là những người trong cuộc, chúng tôi hiểu rằng đây không chỉ là ca khúc cổ vũ mà là mệnh lệnh của Đảng, của Bác Hồ giao cho các lực lượng vũ trang toàn miền Nam. Từ một xã vừa được giải phóng ở huyện An Nhơn, theo mệnh lệnh của Tư lệnh mặt trận, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng bỏ qua các đồn bốt nhỏ tiến thẳng về thị trấn Đập Đá - ngã ba giữa quốc lộ 1 với quốc lộ 19, từ Tây Nguyên xuống. Đây là cửa ngõ vào thành phố quân sự Quy Nhơn. Nhiệm vụ trên giao cho đơn vị chúng tôi là chốt chặn, không để địch chi viện vào thành phố, tạo cho các đơn vị bạn đánh vào quân cảng và các cứ điểm khác của địch. Trước giờ lên đường vào chốt, cả đơn vị được nhận mỗi người một dải băng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Chúng tôi tự hiểu rằng đây mới là lúc thực hiện lời thề với quê hương trước ngày vào Nam đánh giặc:

“Ra đi không hẹn ngày về,

Đánh tan Mỹ, ngụy mới về quê hương”.

Đêm ngày 20 tháng Chạp năm Đinh Mùi cũng là đêm về sáng ngày 20/1/1968, Tiểu đoàn 6 đã chiếm lĩnh thị trấn Đập Đá, tiến hành đào công sự chiến đấu. Thị trấn ngã ba này phần lớn nhân dân chưa được tiếp xúc với bộ đội cách mạng, nghe địch tuyên truyền một chiều nên rất sợ hãi. Nhiều nhà bỏ chạy ngay trong đêm tối. Một vài hộ có con em tập kết ra Bắc, chính quyền địch coi là “công dân cá biệt” thì dành tình cảm cho bộ đội một cách lén lút. Khi chúng tôi vận động các mẹ, các chị phải nhanh chóng sơ tán khỏi nơi này, bà con ứa nước mắt, dặn dò bộ đội cứ lấy các thức ăn, bánh trái chuẩn bị đón tết của gia đình mà dùng. Có má trước lúc ra đi còn thắp hương lên bàn thờ khấn vái tổ tiên phù hộ độ trì cho các con giải phóng.

Tin bộ đội giải phóng chiếm lĩnh thị trấn Đập Đá nhanh chóng loan đi. Lữ đoàn 3, Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ, Sư đoàn Mãnh hổ của Nam Triều Tiên, hai lữ đoàn dù của Mỹ, Sư đoàn 22 ngụy Sài Gòn hiểu rằng mất thị trấn Đập Đá sẽ uy hiếp toàn bộ thành phố Quy Nhơn, không còn đường bộ tiếp viện cho mặt trận Tây Nguyên và ngược lại... Vì vậy, địch huy động tổng lực phản công. Bom, pháo, bộ binh từ các hướng dồn vào thị trấn suốt ngày đêm. Công sự chiến đấu liên tục bị phá vỡ. Ta và địch quần nhau một ngày không biết bao nhiêu đợt. Bộ đội ta quần áo rách bươm, từ đầu đến chân nhuộm đều một màu đất. Do khó khăn về tiếp viện, sau nhiều ngày chặn đánh xe tăng địch, đạn chống tăng của ta cạn dần. 

Ngày 23 tháng Chạp, địch huy động hàng chục xe tăng hạng nặng từ mọi hướng tiến vào trận địa. Đồng chí Phan Ngọc Chiên, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn động viên mọi người: Đảng giao cho ta giữ chốt, dù chỉ còn một người cũng quyết giữ, tất cả anh em hãy tìm mọi cách để chặn xe tăng địch. Chấp hành mệnh lệnh, chúng tôi mỗi người mỗi việc, vượt bom pháo tìm các vật cứng xông lên kê, lót làm đứt xích xe tăng địch. Có người dùng lựu đạn, thủ pháo đánh vào tháp xe tăng địch nhằm hạn chế bước tiến của chúng. Do chiến đấu nhiều ngày, các phương tiện thông tin như máy bộ đàm 2W, đường hữu tuyến nát hết không còn tác dụng... nên không thể liên lạc với trên xin tiếp viện. Khi tiến quân chốt chặn thị trấn Đập Đá, Tiểu đoàn 6 có gần 200 tay súng thiện chiến, nếu chiến đấu ngoài vùng địch hậu có thể đánh lui cả trung đoàn địch. Sau 4 ngày tại đây, tối ngày 23 tháng Chạp, thu gom quân số chỉ còn mấy chục người. Chỉ huy đơn vị quyết định mở đường máu để bảo toàn lực lượng còn lại. Nhưng không được nữa rồi. Thị trấn đã bị địch bao vây chặt bằng các sắc lính, bằng hàng nghìn quả mìn điện định hướng và 4 - 5 hàng rào dây thép gai lò xo. Cán bộ, chiến sĩ chúng tôi hết đợt này đến đợt khác xông lên đều hy sinh, thương vong. Sau khi bị một quả bom hay mìn gì đó hất văng đi xa, khi tỉnh lại tôi không biết mình ở đâu, bò theo con rãnh sâu, cũng không xác định bò đi đâu. Rất may, sáng ngày 24 tháng Chạp tôi ra khỏi trận địa lẩn trong một cánh đồng mía. Được du kích xã Thanh Giang giải cứu. Ngày 30 tết cùng với hơn 10 người khác đã về tới nơi tập kết. 175 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng đã nằm lại thị trấn chiến lược này.

Do giữ chặt chốt chặn, Tiểu đoàn 6 đã thu hút và kìm chân địch, tạo điều kiện cho một số đơn vị đánh quân cảnh và nhiều cứ điểm khác của Mỹ, ngụy ở thành phố Quy Nhơn giành thắng lợi, góp phần cùng quân và dân ta giành thắng lợi vang dội trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân lịch sử.

Các nhà chiến lược và các sử gia tổng kết, bên cạnh ý nghĩa thắng lợi, Mậu Thân 68 đã buộc chính phủ Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn hòa đàm với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương. Đây còn là cuộc tổng diễn tập chuẩn bị cho tổng tiến công mùa xuân 1975, giành trọn vẹn độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Hoàng Duy

(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày