Thứ 4, 28/05/2025, 02:26[GMT+7]

Cử nhân Phạm Huy Quang

Thứ 2, 26/05/2025 | 09:33:40
1,419 lượt xem
Phạm Huy Quang (1846 - 1888), khi nhỏ là Phạm Huy Ôn, người làng Phù Lưu, nay thuộc xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng. Thi đỗ Cử nhân khoa Mậu Thìn (1868), làm quan tới chức rồi từ quan về mở trường dạy học và trở thành một thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp tiêu biểu ở Thái Bình.

Ảnh minh họa.

Thuở nhỏ, Phạm Huy Quang theo học cụ đồ Phạm ở làng Cổ Dũng. Năm 1861, theo học trường tư Đại tập thành Nam do Tiến sĩ Đốc học Doãn Khuê và tập văn ở trường của Phó bảng Phạm Quý Đức ở làng Cần Phán, nay thuộc xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ. Năm 1863, Phạm Huy Quang theo học ở trường tỉnh Nam Định. Khi dự thi khảo khóa ông đạt hạng ưu, nhưng dự kỳ thi Hương chỉ đỗ Tú tài và được gia đình cho theo học trực tiếp dưới cửa thầy Doãn Khuê. Những năm tháng theo học Phó bảng Phạm Quý Đức và Tiến sĩ Doãn Khuê, Phạm Huy Quang đã có dịp kết giao với các bạn đồng môn là Nguyễn Đình Tốn (Bang Tốn), Mai Quý Khanh, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Huy Quỳnh. Những người này đều đã chịu ảnh hưởng sâu sắc về nhân cách, khí tiết, lòng nhiệt thành yêu nước của Doãn Khuê và sau đó đã trở thành những yếu nhân trong phong trào vũ trang Cần vương chống Pháp ở Bắc Kỳ. 

Năm 1864, khi Phạm Huy Quang đang tiếp tục học và chuẩn bị cho kỳ thi Hương thì triều đình Huế ký hòa ước Giáp Tuất, nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa cho Pháp. Bức xúc trước tình thế đó, nhiều nhà nho có khí phách ở Bắc Kỳ đã dâng biểu phản đối hòa ước. Các nho sinh yêu nước trường Nam Định, trong đó có Phạm Huy Quang đã tiến hành bãi khóa, phá trường thi. Cũng vào thời điểm ấy, một số chức sắc công giáo đã lợi dụng hòa ước để sách nhiễu, áp bức dân chúng. Linh mục Phạm Thuật ở nhà thờ Trịnh Xuyên (Nam Định) đã thẳng tay cưỡng bức dân chúng, bắt phải nộp tre gỗ làm nhà, bắt phu phen đắp đường sá, đánh đập, giam cầm những người không làm theo ý hắn. Khi đó, Tú tài Lê Đường đang theo học ở trường của Doãn Khuê, có bố mẹ cũng bị bọn chúng bắt giam, đánh đập. Lê Đường đã tập hợp các bạn đồng môn, trong đó có Phạm Huy Quang về nhà mình và kể tội Phạm Thuật. Tất cả đều căm phẫn và bàn mưu đồng tâm chống lại viên linh mục phản động đó. Chung cục, triều đình phải cử các quan trên về xét xử vụ việc này. Bộ chính sử của triều Nguyễn là Đại Nam thực lục chép: “Sai Tổng đốc Hà Ninh kiêm Thống đốc Hải Phòng là Đào Trí đến tỉnh Nam Định có bọn Tú tài Lê Đường đốt phá nhà thờ đạo và nhà dân đi đạo ở các xã Trình Xuyên và Ngọc Thành. Vua cho là Đào Trí trước cai trị ở Nam Định, lòng dân vốn phục cho nên có lệnh ấy. Lại sai Tham tri là Bùi Tuấn hội đồng với thống đốc đòi cả thân sĩ đến hiển dụ và đòi những người bị can xét là tội nặng để xét xử, thủ xướng là Tú tài Lê Đường phải trảm giam hậu, tòng phạm là tú tài Phạm Huy Quang, suất đội Trần Như Quang, Nguyễn Ngọc Linh phải sung quân. Tú tài Hoàng Đức Huyến, Trần Tất Vinh, Trần Đình Vưu không biết ngăn cản phạt trượng cách Tú tài. Đạo trưởng là tên Thuật phạt một trăm trượng, Hộ lý Tổng đốc là Đặng Trần Chuyên, Án sát Phan Đình Thực, Đốc học Doãn Khuê ngày thường không biết kiềm chế đều bị cách lưu”. 

Cách xét xử của triều đình về vụ việc này đã gây bức xúc trong dân chúng. Đại Nam thực lục chép: “Văn thân tỉnh Nam Định là bọn nguyên Bố chính về hưu Bùi Duy Kỳ, Cử nhân Võ Huy Sỹ, Tú tài Phạm Đức Trạm, hào mục Thiên hộ Võ Công Thứ, hơn 300 người ký kết liền tên vào một tập sớ tâu nói đạo trưởng tiếm vượt, dân theo đạo cổ động làm loạn, xin tự biện lương thực khí giới hợp sức bắt giết, quan tỉnh đề tấu lên, Vua giao đình thần xét định…”. Vua Tự Đức lo ngại vụ việc bị đẩy đi quá xa, sai đình thần đi phủ dụ dân chúng, với những người đã bị xét xử thì “cho sớm hối lỗi phục tội”. Do vậy, Phạm Huy Quang đang bị sung làm lính thú ở Hưng Hóa đã được trả lại bằng Tú tài để về trường học tiếp. Đón Phạm Huy Quang trở về trường, Doãn Khuê vô cùng phấn khích vì ông biết trong hoàn cảnh bị giam cầm, bị lưu đày Phạm Huy Quang vẫn giữ được lòng trung trinh. Ông đã tặng người học trò cưng của mình đôi câu đối: 

Tam thiên lý nan đồ sĩ bối 

Bách trúng nhân bất cập Phạm Quân 

Tạm dịch là: 

Ba ngàn dặm khó đày được học trò ta 

Trăm người ít ai bì kịp Phạm Huy Quang. 

Sau khi thi đỗ Cử nhân khoa Mậu Thìn (1868), Phạm Huy Quang được vào tập sự ở Hàn lâm viện. Mấy năm sau đó được bổ làm Hàn lâm điểm bạ kiêm Ngự sử Bắc Ninh. Từ khi về Bắc Ninh, ông đã có dịp gần gũi với những người bạn cũ và kết tình thâm giao với những người đồng chí hướng như Tán lý quân vụ Nguyễn Cao, Đốc học Ngô Quang Huy, Bố chính sứ Phạm Thận Duật, Tuần phủ Lạng Bằng Lã Xuân Oai,… vốn là những văn thân giàu lòng yêu nước và những năm sau đó đều trở thành những thủ lĩnh có danh vọng trong phong trào Cần vương chống Pháp. 

Cuối năm 1873, thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội rồi đánh lan ra một số tỉnh lân cận. Vào thời điểm đó, triều đình nhà Nguyễn đã hoàn toàn bạc nhược. Tuy thế, Phạm Huy Quang và những bậc quan có khí tiết như đã nêu trên vẫn bền gan chiến đấu. Là một quan văn, nhưng trong các cuộc giao tranh với quân Pháp, ông luôn tỏ rõ là người gan dạ và giàu mưu lược. 

Sau khi ký hòa ước với Pháp, triều đình Huế đã buộc hai đạo quân ở Sơn Tây của Tôn Thất Thuyết, Lưu Vĩnh Phúc và đạo quân ở Bắc Ninh của Nguyễn Cao, Phạm Huy Quang, Phạm Thận Duật phải bãi binh, đồng thời ra chỉ dụ triệu hồi Phạm Huy Quang về kinh để bổ một chức quan, nhưng ông đã khước từ và xin về quê mở trường dạy học ở quê để đào tạo nhân tài cho đất nước. 

Nghe tin quan Ngự sử Bắc Ninh về mở trường dạy học ở làng Phù Lưu, nhiều văn thân sĩ phu yêu nước ở các phủ huyện nay thuộc các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng... đã cho con em của mình về theo học. Phạm Huy Quang chủ trương vừa dạy chữ vừa dạy binh thư, võ nghệ. Lã Xuân Oai và Nguyễn Cao thường xuyên qua lại ngôi trường này để cùng Phạm Huy Quang bàn mưu đại sự. Phạm Huy Quý là anh trai của ông đang làm Án sát Hải Dương cũng là một văn thân yêu nước đã kết bạn với Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Thiện Thuật. Một lần, ba ông này về trường Phù Lưu bàn tính kế hoạch chuẩn bị xây dựng lực lượng để chờ thời cơ đến, trong đó có việc huấn luyện nghĩa dũng biết sử dụng những loại súng mới và mở xưởng rèn đúc vũ khí. Sau đó các ông đã cử Phạm Huy Quang sang Trung Quốc để liên hệ mua khí giới của quân Thanh. 

Năm 1885, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần vương, Tổng đốc Nam Định là Vũ Văn Báo ra lệnh buộc Phạm Huy Quang phải về tỉnh nhận chức, nhưng ông đã kháng lệnh và trở thành một trong những thủ lĩnh Cần vương chống Pháp tiêu biểu ở Bắc Kỳ. Để triển khai cuộc chiến lâu dài, ông đã cho thiết lập thêm đồn Du tại làng Kinh Lậu, nay thuộc xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, đồng thời củng cố, bổ sung thêm lực lượng tại các đồn trú. Tiêu biểu như đồn Zét, ngay thuộc xã An Vinh, đồn Vũ Hạ, nay thuộc xã An Vũ, đồn Đọ, nay thuộc xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ, đồn Dù ở phủ Gạch, nay thuộc xã Đông Xá, huyện Đông Hưng... 

Theo sự điều hành chung của Đề Đốc Tạ Hiện, nghĩa quân Phạm Huy Quang đã phối hợp cùng các nghĩa quân khác triển khai nhiều trận đánh lớn ở Định An và các tỉnh lân cận. 

Cuối năm 1888, khi Phạm Huy Quang đang chỉ huy nghĩa quân ở đồn Gạch thì bị chỉ điểm và bị bắt cóc đưa về chém đầu ở Châu Giang, nay thuộc xã Đông Quan, huyện Đông Hưng. Đến nay, ngôi từ đường dòng họ Phạm Huy ở làng Phù Lưu thờ nghĩa sĩ Phạm Huy Quang đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Thành phố Thái Bình và một số đô thị khác có đường phố Phạm Huy Quang. Tại thị trấn Đông Hưng có Trường THCS Phạm Huy Quang.

Nguyễn Thanh

(Vũ Qúy, Kiến Xương)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày