Thứ 6, 22/11/2024, 07:59[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh nghiên cứu, học tập, quán triệt bài viết, tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thứ 4, 10/04/2024 | 09:17:28
27,729 lượt xem
Sáng ngày 10/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn tỉnh nghiên cứu, học tập, quán triệt bài viết, tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và triển khai một số văn bản của Trung ương, của tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đào Quyên

Video: 100424_-_HOI_NGHI_TRUC_TUYEN_QUAN_TRIET.mp4?_t=1712746407


Dự hội nghị tại điểm cầu hội trường Tỉnh ủy và UBND tỉnh có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Hội nghị được kết nối với 274 điểm cầu trong toàn tỉnh và trên 27.000 đại biểu tham dự.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đào Quyên

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Các nội dung quán triệt tại hội nghị đều là những nội dung rất quan trọng vì vậy đề nghị đại biểu ở các điểm cầu khi nghiên cứu, học tập cần tập trung nắm vững mục đích, yêu cầu; các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu sâu vấn đề cũng như những công việc phải làm; trên cơ sở đó tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong quá trình triển khai thực hiện.

Đồng chí đề nghị sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung bài viết, tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư  tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động sát, đúng với thực tiễn của cơ quan, địa phương, đơn vị. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định rõ nhiệm vụ của bản thân để triển khai thực hiện cho tốt. Các ban của Đảng, cơ quan ủy ban kiểm tra, cấp ủy các cấp thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện của từng tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đào Quyên

Xây dựng nền ngoại giao toàn diện với 3 trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Phạm Đồng Thụy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giới thiệu nội dung tác phẩm Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Đồng chí nhấn mạnh tác phẩm thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; là minh chứng cho bước trưởng thành, phát triển về tư duy và thành tựu của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam. 

Nội dung tác phẩm gồm 3 phần, trong đó phần thứ nhất nói về vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện tư duy chiến lược của Đảng về đường lối, chính sách đối ngoại, ngoại giao Việt Nam. 

Nội dung trong phần thứ hai tập trung khẳng định đối ngoại Việt Nam vì độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các trụ cột đối ngoại là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. 

Phần thứ ba là dấu ấn đối ngoại, ngoại giao, là đánh giá cao của bạn bè quốc tế đối với những thành tựu đối ngoại nổi bật, có ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam đã đạt được trong gần 40 năm đổi mới; khẳng định mong muốn của các nước đối tác, bạn bè quốc tế về việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối ngoại song phương với Việt Nam và sự ủng hộ chân thành đối với mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn 2045. Việc tuyên truyền, quán triệt nội dung tác phẩm có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đưa nội dung tư tưởng lớn về đối ngoại, ngoại giao của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống có hiệu quả; tiếp tục xây dựng nền ngoại giao toàn diện với 3 trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Phạm Đồng Thụy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giới thiệu nội dung bài viết, tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Đào Quyên  

Khơi dậy niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng

Giới thiệu nội dung bài viết Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: Bài viết của Tổng Bí thư có ý nghĩa và giá trị vô cùng sâu sắc, khơi dậy niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng; tăng cường niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và tương lai tươi sáng của đất nước, dân tộc; cũng như nêu cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước và cách mạng của toàn dân tộc, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng. 

Bài viết được kết cấu thành 3 phần trong đó ở hai phần đầu, Tổng Bí thư đã tái hiện và khẳng định những truyền thống vẻ vang của Đảng từ khi Đảng ta ra đời, lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến khi Đảng lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh; tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Trong phần 3, bài viết đã chỉ ra những bài học kinh nghiệm cần được tiếp tục quán triệt; những nhiệm vụ cần được tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tiếp theo nhằm phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước và cách mạng vẻ vang, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và năm 2030, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

Việc tổ chức tốt đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết của Tổng Bí thư không chỉ góp phần khơi dậy niềm tự hào, tự tin son sắt của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và dân tộc Việt Nam anh hùng. Qua đó, còn tạo sức lan tỏa, củng cố niềm tin, sự đoàn kết, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên định, kiên trì con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: CTV Tất Đạt

Định hướng chiến lược cho sự phát triển của tỉnh

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy hoạch tỉnh. 

Theo đó, Quy hoạch tỉnh giúp định hướng chiến lược cho sự phát triển của tỉnh; là căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phát triển trong từng giai đoạn cụ thể; là công cụ hữu hiệu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quy hoạch tỉnh đã xác định rõ quan điểm, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển theo hướng hài hòa và bền vững; định hình không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ hữu cơ với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực Bắc Trung Bộ.

Đồng chí Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Theo đó, định hướng không gian phát triển gồm 1 trung tâm (là thành phố Thái Bình và vùng phụ cận), 3 không gian kinh tế - xã hội (khu vực ven biển, khu vực ngoại biên và khu vực phía Nam), 3 hành lang kinh tế (hành lang kinh tế phía Đông, hành lang kinh tế phía Tây Bắc và hành lang kinh tế Đông Bắc - Tây Nam).

Đồng chí cũng đi sâu phân tích những định hướng lớn tạo đột phá phát triển được xác định trong Quy hoạch tỉnh với 4 trụ cột tăng trưởng, trong đó: Nông nghiệp được xác định là trụ cột quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời hướng tới xây dựng Thái Bình trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu của vùng đồng bằng sông Hồng. Xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp theo hướng hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp, năng lượng hàng đầu vùng đồng bằng sông Hồng, đồng thời là địa bàn trung chuyển và trung tâm phân phối hàng hóa của khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Xây dựng các khu đô thị xanh - sạch - đẹp, trong lành, đáng sống cho người dân. Phát triển toàn diện Khu kinh tế Thái Bình thành hạt nhân, là trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Quy hoạch tỉnh cũng xác định 3 khâu đột phá then chốt đó là: Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối trong tỉnh và với các trung tâm kinh tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ; xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh; đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và chế biến phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Ngoài ra, một số chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư được quán triệt bằng văn bản gồm: Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 5/1/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 5/2/2024 của Ban Bí thư về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới; Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11/1/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kết luận số 70-KL/TW, ngày 31/1/2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới; Kết luận số 72-KL/TW, ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Các đại biểu dự tại điểm cầu thành phố Thái Bình. Ảnh: Minh Nguyệt

Các đại biểu dự tại điểm cầu huyện Thái Thụy. Ảnh: CTV Ngọc Trìu

Các đại biểu dự tại điểm cầu huyện Quỳnh Phụ. Ảnh: CTV Mai Tăng

Các đại biểu dự tại điểm cầu huyện Tiền Hải. Ảnh: CTV Trí Tuệ

Các đại biểu dự tại điểm cầu huyện Kiến Xương. Ảnh: CTV: Phạm Hưng

Các đại biểu dự tại điểm cầu huyện Đông Hưng. Ảnh: CTV Hồng Quang

Các đại biểu dự tại điểm cầu huyện Vũ Thư. Ảnh: CTV Tiên Dung

Các đại biểu dự tại điểm cầu huyện Hưng Hà. Ảnh: CTV Nguyễn Hương

Các đại biểu dự tại điểm cầu Công an tỉnh. Ảnh: CTV Bình Vân

Cán bộ, chiến sĩ dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Ảnh: Quang Triệu

Các đại biểu dự tại điểm cầu Văn phòng UBND tỉnh. Ảnh: CTV Tất Đạt

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh.Ảnh: Thu Thủy


Tin: Đào Quyên

Ảnh: PV - CTV