Thứ 3, 23/07/2024, 17:19[GMT+7]

Sáng kiến nhỏ - Hiệu quả lớn

Thứ 5, 30/04/2020 | 09:26:48
1,992 lượt xem
Nhận thấy sự vất vả của các thủ cống sau mỗi lần nâng hạ cánh cống, bằng niềm say mê và sự sáng tạo của mình, anh Trần Trọng Kim, công nhân Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Tiền Hải đã nghiên cứu và áp dụng thành công máy nâng hạ cánh cống bằng động cơ điện một pha, qua đó giúp giảm chi phí và nhân công vận hành, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Trần Trọng Kim (người bên phải) hướng dẫn thủ cống Đại Hoàng, xã Tây Lương (Tiền Hải) cách vận hành máy nâng hạ cánh cống bằng động cơ điện một pha. Ảnh tư liệu.

Sau khi học xong lớp Trung cấp đúc luyện kim thuộc Trường Cao đẳng Cơ khí luyện kim Thái Nguyên, năm 2000 anh Trần Trọng Kim về công tác tại Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Tiền Hải. Với chuyên ngành cơ khí, anh được đơn vị phân công vào tổ cơ điện. Gần 20 năm gắn bó với nghề, từ công nhân rồi tổ trưởng tổ cơ điện, nhiều lần trực tiếp tham gia vận hành cống tưới, tiêu nước cùng công nhân trong Xí nghiệp anh cảm nhận rõ được nỗi vất vả của các thủ cống. “Mỗi lần nâng cánh cống, tôi và anh em vận hành bằng tay rất vất vả, nhất là vào mùa hè nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại, mùa mưa bão gió thổi rát mặt, lại rất nguy hiểm” - anh Kim chia sẻ. Thấu hiểu được nỗi vất vả của đồng nghiệp, sẵn có tay nghề cơ khí cùng với thực tế công tác, năm 2017 anh Kim đã đầu tư 8 triệu đồng mua các thiết bị lắp đặt, chế tạo máy nâng hạ cánh cống bằng động cơ một pha 2,2KW kết hợp với hộp số thủy HS9 (9KW) với mong muốn giảm bớt sức người và chi phí trong quá trình lao động.

Tháng 11/2017, ngay lần đầu thử nghiệm, sáng kiến của anh đã thành công trong niềm vui của các đồng nghiệp, nhất là các thủ cống. Xuống thăm cống Đại Hoàng, xã Tây Lương (Tiền Hải) để tìm hiểu về hiệu quả sáng kiến của anh Kim, chúng tôi gặp anh Tô Xuân Thanh, thủ cống Đại Hoàng, anh hồ hởi chia sẻ: Từ khi có máy nâng hạ cánh cống bằng động cơ điện một pha của anh Kim, công việc của tôi và các thủ cống trên địa bàn huyện đỡ vất vả đi rất nhiều. Trước đây, để mở cánh cống cần phải có 2 - 3 người, mất trên 1,5 tiếng đồng hồ, anh em rất mệt, nhất là thời tiết mưa bão phải đứng ngoài trời mở rất nguy hiểm, sấm sét, không an toàn. Giờ có máy nâng hạ chỉ cần một người bật công tắc điện, theo dõi, sau 30 phút công việc hoàn thành, chúng tôi rất phấn khởi.

Các thiết bị lắp đặt máy với chi phí thấp nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao.

Việc áp dụng thành công máy nâng hạ cánh cống bằng động cơ một pha đã giảm nhiều chi phí cho Xí nghiệp. Theo tính toán, nếu mua máy nâng hạ cánh cống trên thị trường hết khoảng 70 triệu đồng, máy do anh Kim tự lắp đặt chỉ hết 8 triệu đồng. Quan trọng hơn với hệ thống nâng hạ cánh cống bằng động cơ điện một pha sẽ giảm bớt số tiền lớn chi phí cho việc thuê nhân công vận hành máy. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tiền Hải có 17 cống trên đê, một năm duy trì khoảng 120 lần đóng, mở cống. Do số lượng cán bộ thiếu nên mỗi lần đóng, mở cống đều phải thuê nhân công với chi phí tốn kém. Nếu nâng hạ bằng tay mỗi năm chi phí thuê nhân công hết trên 250 triệu đồng, sử dụng máy nâng hạ cánh cống bằng động cơ điện một pha của anh Kim chỉ hết trên 17 triệu đồng tiền khấu hao máy móc, tiền điện. Như vậy, một năm sẽ làm lợi cho Xí nghiệp trên 237 triệu đồng. Thời gian tới, sáng kiến của anh sẽ được triển khai tới tất cả các cống nội đồng trên địa bàn huyện, dự kiến làm lợi trên 657 triệu đồng/năm. Năm 2019, sáng kiến chế tạo máy nâng hạ cánh cống bằng động cơ điện một pha đạt giải khuyến khích hội thi sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật tỉnh Thái Bình lần thứ VIII, năm 2018 - 2019.

Nhận xét về giải pháp của anh Trần Trọng Kim, ông Tô Văn Tuấn, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Tiền Hải chia sẻ: Việc nghiên cứu thành công máy nâng hạ cánh cống bằng điện một pha của công nhân Trần Trọng Kim được đơn vị và đồng nghiệp đánh giá rất cao. Điều này thể hiện sự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần giảm chi phí, giảm nhân công, qua đó nâng cao đời sống cho người lao động trong Xí nghiệp. Hiện sáng kiến của anh đang được nhiều xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi áp dụng và nhân rộng.

Với những đóng góp hiệu quả cho các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, năm 2018, anh Trần Trọng Kim vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo; năm 2017, 2019 nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Những đóng góp của anh sẽ là tiền đề tạo động lực cho nhiều công nhân lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua trên các lĩnh vực lao động sản xuất và nghiên cứu khoa học.

Nguyễn Cường