Chủ nhật, 19/05/2024, 16:52[GMT+7]

“Sơn cháy” - Dũng sĩ lái xe Trường Sơn

Thứ 5, 30/04/2020 | 20:08:05
5,643 lượt xem
18 tuổi, chàng trai trẻ Phạm Ngọc Sơn, xã Phú Châu (Đông Hưng) nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc khoác ba lô lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ lái xe Trường Sơn.

CCB Phạm Ngọc Sơn, xã Phú Châu xem lại kỷ vật thời chiến tranh

 Vững tay lái vì miền Nam ruột thịt

Mỗi lần có ai nhắc đến đường Trường Sơn huyền thoại là hình ảnh những chiếc xe vận tải xuyên qua làn mưa bom, bão đạn của đế quốc Mỹ lại trở về nguyên vẹn trong ký ức của cựu chiến binh (CCB) Phạm Ngọc Sơn. Sau 45 ngày tham gia khóa huấn luyện cấp tốc tại Trường lái xe Quân khu 3, ông Sơn được bổ sung vào Binh trạm 42, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, hoạt động trên địa bàn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế với nhiệm vụ chở vũ khí, đạn, gạo, quân trang, quân dụng phục vụ chiến trường miền Nam. Lúc đó ông Sơn chỉ nặng có 38kg, người nhỏ bé nên phải đệm chăn chiên để ngồi mới vừa ghế lái của chiếc xe tải ba cầu nhưng ông luôn hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao. Các đoàn xe vận tải thời đó luôn là mục tiêu số 1 của máy bay địch, đường Trường Sơn lại vô vùng hiểm trở, đường bé, mặt đường bị bom đạn của quân địch cày đi xới lại rất khó đi. Nhưng bằng sự dũng cảm, kiên cường và không ngừng sáng tạo ông Sơn đã cùng đồng đội vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù để vận chuyển hàng hóa đến điểm tập kết an toàn. Bé nhỏ nhưng lanh lợi, lái xe giỏi lên ông Sơn thường chạy vượt cung đường và tăng chuyến so với chỉ tiêu cấp trên giao. Nhiều lần ông cùng đồng đội chở hàng vượt qua những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, kịp thời chi viện cho chiến trường. 

Trong lần vận chuyển hàng đêm ngày 26/6/1972, khi đoàn xe của đơn vị với 42 chiếc đang vượt “túi lửa” dốc Con Mèo thì bị máy bay địch phát hiện, đánh phá. Xe của ông Sơn chạy đầu đoàn bị trúng bom napan bốc cháy, lửa trùm vào ca bin nhưng ông không hề nao núng vẫn vững vàng lái xe vượt đèo và cho xe lao xuống vực bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Cả xe và hàng đều cháy rụi, ông Sơn bị bỏng nặng song đoàn xe phía sau vẫn tiếp tục lăn bánh vượt trọng điểm an toàn. Hành động nhanh trí, gan dạ, dũng cảm đó được ông Sơn lý giải rất đơn giản rằng: “Lúc đó mình có thể thoát hiểm ra ngoài để bảo vệ tính mạng nhưng nếu xe bị cháy nằm lại trên đường sẽ gây ùn tắc cả đoàn, máy bay địch tiếp tục bắn phá đơn vị sẽ tổn thất rất nặng nề, chiến trường sẽ thiếu vũ khí, lương thực để đánh địch”. Vì miền Nam ruột thịt nên ngay sau đợt điều trị bỏng, ông Sơn trở lại tiếp tục lái xe trên những cung đường Trường Sơn huyền thoại và được đồng đội gọi thân mật là “Sơn cháy”. Lần lái xe chở bộ đội đặc công vào bảo vệ cầu Sài Gòn chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là lần nguy hiểm nhất song ông Sơn lại coi đó là niềm vinh dự, tự hào lớn nhất của mình. Ông kể: Đó là chuyến đi dài, nguy hiểm nhất nên không phải ai cũng được chọn vì thế tôi và đồng đội ngụy trang cho xe rất cẩn thận, đêm đi, ngày nghỉ gian nan, vất vả, hiểm nguy không nề hà, ung dung lái xe vào đến cầu Sài Gòn mà địch không phát hiện ra. Sau đó, chúng tôi lại lái xe chở thương binh ra hậu cứ chữa trị vết thương.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tháng 6/1976 ông Sơn phục viên về quê lập gia đình. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới nổ ra, ông Sơn lại làm đơn tái ngũ, tham gia lái xe phục vụ chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Năm 1986, vết thương cũ tái phát khiến sức khỏe giảm sút, ông Sơn được chuyển về công tác tại địa phương, mang trên mình thương tật 62%.  

CCB Phạm Ngọc Sơn trao quà cho cựu thanh niên xung phong Trần Thị Tỳ, xã Phú Châu

Doanh nhân giàu lòng nhân ái

Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc. Ông Sơn với bản chất Bộ đội Cụ Hồ đã mạnh dạn vay mượn tiền mua ô tô để chở hàng hóa thuê cho mọi người. Ông luôn tâm niệm: “Mình đã may mắn trở về thì phải có trách nhiệm với đồng chí, đồng đội và với cả những người đã hy sinh”, vì thế, ông vận động đồng đội là các thương binh thành lập Hợp tác xã vận tải thủy bộ Đông Hưng nay là Xí nghiệp vận tải 27/7 Đông Hưng. Ngày đầu thành lập chỉ có 20 xe nay tăng lên trên 100 đầu xe tải, xe khách, giải quyết việc làm cho trên 200 lao động là thương binh, bệnh binh, bộ đội xuất ngũ và con em gia đình chính sách. Không dừng lại ở đó, với cương vị là Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyện Đông Hưng, CCB Phạm Ngọc Sơn còn tích cực vận động các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của địa phương. Từ năm 2015 đến nay, ông Sơn đã hỗ trợ xây 3 nhà tình nghĩa cho 3 cựu chiến sĩ Trường Sơn đơn thân, khó khăn về nhà ở với số tiền 180 triệu đồng. Dâng cúng tiền và hiện vật trị giá 50 triệu đồng xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ xã Phú Châu. Ngoài ra, hàng năm vào dịp tết Nguyên đán ông đều trao tặng hàng trăm suất quà, mỗi suất trị giá 300.000 đồng cho gia đình chính sách, hộ nghèo và đồng đội cũ. Bà Lại Thị Bình, bộ đội Trường Sơn, xã Đông Á cho biết: Gia cảnh tôi khó khăn, nhà xuống cấp, rất may được ông Phạm Ngọc Sơn hỗ trợ 60 triệu đồng, nay tôi đã có ngôi nhà khang trang để ở. Rất cảm ơn nghĩa tình đồng đội của ông Sơn.

Trên chiến trường khói lửa trong chiếc xe của người lính Trường Sơn Phạm Ngọc Sơn luôn có một trái tim đầy nhiệt huyết vì miền Nam ruột thịt, ở thời bình đó là trái tim nồng hậu, ấm áp, giàu lòng nhân ái.  

Thu Hiền