Thứ 5, 26/12/2024, 21:29[GMT+7]

Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa: Từ phong trào vào cuộc sống

Thứ 2, 04/05/2020 | 09:08:04
1,898 lượt xem
Năm 2020 là tròn 20 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào thực tiễn, tạo nên sự chuyển biến sâu rộng, hiệu quả trên địa bàn tỉnh, qua đó thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia.

Những nét đẹp văn hóa cổ truyền được người dân chung tay gìn giữ. Ảnh tư liệu

Nếp sống văn minh

Trong những năm gần đây, thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hóa, các hoạt động chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống xã hội, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa được nâng lên. Nhờ đó, phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ và nhận được sự ủng hộ, tham gia của đông đảo nhân dân. Việc xây dựng nếp sống văn hóa trong cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư có nhiều chuyển biến tích cực, người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia xây dựng các danh hiệu văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh. 

Là một trong những địa phương có phong trào đọc phát triển sôi nổi nhất trong tỉnh, những năm qua huyện Quỳnh Phụ luôn nỗ lực đưa văn hóa đọc đến gần hơn với đời sống của mỗi người dân. Tại Quỳnh Phụ, xuất hiện nhiều điển hình trong việc gắn kết và lan tỏa tình yêu với những trang sách. Có thời điểm, Quỳnh Phụ có tới hàng trăm tủ sách, thư viện như: tủ sách dòng họ, tủ sách phụ huynh, thư viện nhân dân, thư viện thôn... Thông qua đó, các chương trình tặng sách, khuyến đọc, tìm hiểu văn hóa di tích lịch sử quê hương, giao lưu phát triển văn hóa đọc... diễn ra sôi nổi, rộng khắp, góp phần thiết thực nâng cao hiểu biết cho người dân nông thôn.

Còn tại xã Thụy An (nay là xã An Tân, Thái Thụy), nét đẹp trong đời sống văn hóa được thể hiện thông qua việc từ hàng chục năm nay, việc sang cát được tổ chức tập trung trong một ngày của tháng 11 âm lịch thay vì được làm rải rác trong các ngày của những tháng cuối năm như ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Nếp sống văn minh trong việc sang cát đã nhận được sự đồng thuận từ phía người dân, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí, thời gian và gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm. Để việc sang cát được thực hiện chu đáo, UBND xã phân công lực lượng an ninh túc trực, HTX bơm nước cho người dân thực hiện vệ sinh, Trạm Y tế chuẩn bị thuốc, vật tư y tế. Trước ngày sang cát, lãnh đạo địa phương đến các gia đình thăm hỏi, động viên đồng thời quán triệt việc thực hiện sang cát. Trước những lợi ích của việc tổ chức sang cát trong một ngày, hiện nay, nhiều địa phương đang từng bước áp dụng cách làm này, qua đó góp phần xây dựng nếp sống văn hóa.

Những trò chơi dân gian được bảo tồn, tạo không khí vui tươi trong dịp đầu xuân tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh tư liệu

Giữ gìn nét đẹp văn hóa cổ truyền

Song hành với việc xây dựng nếp sống văn minh, trên mảnh đất Thái Bình hiện còn bảo tồn và lưu giữ hàng trăm lễ hội truyền thống với hàng chục trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo đã tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều sắc màu, qua đó làm cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thúc đẩy ý thức tham gia tự giác của các tầng lớp nhân dân.

Cứ tới mỗi dịp lễ hội truyền thống, người dân lại nô nức tham gia vào những nghi lễ đã được bảo tồn và lưu giữ qua hàng nghìn năm lịch sử, cùng với đó là những trò chơi dân gian tuy có khác nhau về nội dung và hình thức thể hiện nhưng tựu chung lại cùng đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, góp phần củng cố, gắn kết mối quan hệ cộng đồng, xây dựng cuộc sống tinh thần phong phú, lành mạnh, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên sắc thái mới cho văn hóa Thái Bình.

Trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý, những trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo của Thái Bình như chèo làng Khuốc, múa rối nước, thi pháo đất, trình diễn tứ dân, múa ông Đùng, bà Đà, nghề làm bánh cáy, kẹo lạc...  đã đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước thông qua chương trình “Sắc thái văn hóa Thái Bình” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. 

Chia sẻ về chương trình ý nghĩa này, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Đây là cơ hội quý báu để những di sản văn hóa tiêu biểu của Thái Bình vượt qua ranh giới không gian địa lý của tỉnh đến với đông đảo nhân dân Thủ đô cùng du khách yêu mến văn hóa dân tộc và cũng là dịp để những nghệ nhân Thái Bình - những chủ thể văn hóa có cơ hội trực tiếp giới thiệu các giá trị di sản văn hóa của quê lúa đến mọi người, để đông đảo công chúng thêm hiểu, thêm yêu hơn về mảnh đất và con người, về truyền thống lịch sử văn hóa của Thái Bình, qua đó góp phần khơi dậy niềm tự hào, giáo dục tình yêu quê hương đất nước, biết trân trọng và có ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vì mục tiêu phát triển bền vững. Thành công của chương trình hứa hẹn tiếp tục mở ra nhiều hoạt động giao lưu, giới thiệu, trưng bày, trình diễn các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Thái Bình đến với bè bạn trong và ngoài nước trong thời gian tiếp theo.

Việc người dân đồng lòng xây dựng nếp sống văn minh cũng như chung tay giữ gìn những nét đẹp văn hóa cổ truyền cho thấy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được thực hiện một cách đồng bộ với nhiều giải pháp thiết thực, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp mỗi người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Tú Anh