Thứ 6, 27/12/2024, 01:16[GMT+7]

KỶ NIỆM 66 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2020) Nhớ những ngày “…khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…”

Thứ 4, 06/05/2020 | 08:01:43
7,329 lượt xem
66 năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến chiến thắng ngày 7/5/1954 các chiến sĩ Điện Biên năm xưa không thể nào quên những tháng năm gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng cùng đồng đội cắt núi, luồn rừng đánh giặc...

Du khách tham quan di tích chiến trường Đồi A1. Ảnh: Xuân Tiến (TTXVN)

Cứ mỗi dịp tháng 5 về, cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Bát, sinh năm 1935, 63 năm tuổi đảng, thôn Long Bối, xã Đông Hợp (Đông Hưng) lại kể cho con cháu nghe về một thời hào hùng, oanh liệt của mình và đồng đội. Cách đây 67 năm, ông Bát lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, được biên chế về Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đơn vị của ông nhận nhiệm vụ chiến đấu ở cứ điểm Hồng Cúm, là một trong những cứ điểm mạnh, tập trung nhiều lực lượng địch tại chiến trường Điện Biên Phủ. Mục đích của quân Pháp khi lập ra cụm cứ điểm này là để làm cho Mường Thanh không bị trơ trọi, để hai cụm cứ điểm có thể che chở, yểm hộ cho nhau bằng pháo binh, xe tăng và bộ binh. CCB Phạm Văn Bát nhớ lại: Chúng tôi ngày đêm đào giao thông hào. Ngày ấy bộ đội mình khổ lắm. Nhưng với sức trẻ và nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, việc đào núi, khoét hầm cứ phăng phăng, vào đến tận căn cứ của địch với những dụng cụ thô sơ như cuốc chim, xẻng... Nhiệm vụ đào giao thông hào càng khó khăn, nguy hiểm hơn khi đã đào sâu vào gần căn cứ địch ở Hồng Cúm. Xung quanh căn cứ, địch bố trí hàng rào thép gai dày đặc, nhiều lớp. Suốt 56 ngày đêm ròng rã, đơn vị của ông Bát đã đào hàng ki-lô-mét giao thông hào từ bìa rừng ra tới căn cứ Hồng Cúm. Hệ thống giao thông hào ngày một dày, thành đường ngang nẻo dọc, ba bề bốn bên vây chặt quân Pháp; lúc đầu xa đồn địch 400 - 500m, sau đó tiến vào còn 40 - 50m rồi chạy dọc, luồn qua hàng rào, chọc thẳng vào đồn địch, tạo thế vây ráp, cô lập căn cứ, không cho địch ở đây lên tiếp viện cho căn cứ ở Mường Thanh.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thành cùng cháu nội bên kỷ vật chiến trường những ngày đánh Pháp ở Điện Biên Phủ.


Cũng là người tham gia hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, CCB Nguyễn Đức Thành, 68 năm tuổi đảng, ở thôn Phong Lôi Đông, xã Đông Hợp năm nay đã 88 tuổi. Ký ức về những tháng ngày cùng đồng đội Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) chiến đấu ở Điện Biên Phủ gần 7 thập kỷ trước vẫn còn vẹn nguyên trong ông. Chiếc bi đông đựng nước, con dao găm và Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên là những kỷ vật được ông gìn giữ để nhắc nhở cháu con phải biết ơn thế hệ cha ông đã đổ máu xương vì hòa bình, độc lập của Tổ quốc. CCB Nguyễn Đức Thành cho biết: Năm 1950, tôi tòng quân đánh giặc, được bổ sung vào đơn vị trợ chiến thuộc Trung đoàn 98. Giữa năm 1951, Trung đoàn 98 được biên chế vào Đại đoàn 316, tôi được tham gia chiến đấu trong vùng địch hậu ở nam phần Bắc Ninh, Bắc Giang. Trong một lần tấn công đánh chiếm đồn địch ở Bắc Giang, tôi bị thương nặng và được chuyển về điều trị ở Yên Thế (Bắc Giang). Đến năm 1952, tôi trở về Trung đoàn 98 tiếp tục tham gia chiến đấu. Tháng 11/1953, Đại đoàn 316 gấp rút hành quân theo hướng Điện Biên Phủ và nhận nhiệm vụ giải phóng thị xã Lai Châu. Sau khi tiêu diệt địch, giải phóng Lai Châu, Đại đoàn 316 tiến về áp sát Điện Biên Phủ và tổ chức ngay trận tập kích pháo binh vào sân bay Mường Thanh...


Với CCB Hoàng Sỹ Oánh, thôn Trần Phú, xã Bình Định (Kiến Xương), niềm vinh dự nhất chính là được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và được dự lễ mừng chiến thắng tại xã Mường Phăng - nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ sau ngày chiến thắng. Đơn vị của ông Oánh là Đại đội 273, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) trực tiếp tham gia đào giao thông hào, lấn dần sân bay Mường Thanh - một vị trí chiến lược, được ví như “yết hầu” của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. CCB Hoàng Sỹ Oánh nhớ lại: Mỗi mét giao thông hào ở Điện Biên Phủ đã thấm biết bao mồ hôi và cả máu của bộ đội ta. Để hoàn thành nhiệm vụ mỗi ngày đào 2m giao thông hào, chúng tôi hết đào đứng lại đào quỳ, có lúc nhoai ra nằm mà đào. Đặc biệt, chiến dịch diễn ra trong đợt mưa nên có những ngày cả đơn vị cứ ba người một hầm, ngủ tại hầm; có đêm đơn vị ra tập kết tại rừng, lấy cây sặt làm thành giát giường. Gian khổ là thế nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ đều có chung một niềm tin về ngày toàn thắng.


66 năm đã trôi qua, không riêng các CCB Phạm Văn Bát, Nguyễn Đức Thành, Hoàng Sỹ Oánh mà với tất cả những người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ký ức hào hùng, niềm tự hào về chiến thắng lịch sử của dân tộc vẫn vẹn nguyên trong tâm trí, không thể phai mờ.


                              Tất Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày