Thứ 4, 27/11/2024, 19:28[GMT+7]

Ngành giáo dục huyện Thái Thụy: Đẩy mạnh chuyển đổi số

Thứ 2, 14/11/2022 | 20:39:55
5,763 lượt xem
Những năm gần đây, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập của ngành giáo dục huyện Thái Thụy đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người dạy và học phát huy được khả năng tư duy sáng tạo, chủ động, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Cô giáo Lê Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụy Hà (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) duyệt và ký số trên giáo án điện tử.

Không đơn thuần sử dụng những dụng cụ học tập truyền thống, tiết học tiếng Anh của các em học sinh khối 3 Trường Tiểu học và THCS Thụy Dương (xã Dương Phúc) được giáo viên truyền thụ bằng bộ sách tiếng Anh mềm và trình chiếu trên màn hình ti vi với những video, hình ảnh, âm thanh sinh động. Vì thế mà bài giảng của giáo viên đã tạo ra sự cuốn hút, hứng thú đối với các em học sinh. 

Em Nguyễn Quang Huy, học sinh lớp 3B chia sẻ: Khi được học sách tiếng Anh mềm qua màn hình ti vi con thấy có các trò chơi, video, hình ảnh, âm thanh rất sinh động nên con nhớ các từ vựng nhanh hơn. Bố mẹ cũng đăng ký tài khoản cho con để học sách tiếng Anh mềm trên máy tính tại nhà.

Theo thầy giáo Bùi Thanh Trung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thụy Dương: Hiện nay nhà trường đã trang bị hệ thống máy tính, mạng internet, ti vi thông minh để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, giảng dạy, học tập. Giáo viên lên lớp sử dụng giáo án điện tử ký số không cần in ra giấy và sử dụng sách mềm để giảng dạy. Qua đó, học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn, trình độ tin học và ngoại ngữ cũng như các kỹ năng học trực tuyến được nâng lên.

Cô giáo Lê Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụy Hà (thị trấn Diêm Điền) cho biết: Từ năm học 2021 - 2022 đến nay, nhà trường đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý và giảng dạy. Nhà trường đã đầu tư trang bị máy tính, ti vi, mạng internet và camera giám sát cho các lớp học. Hiện nay, 100% giáo viên sử dụng giáo án điện tử ký số, các kế hoạch, văn bản điều hành, chỉ đạo của ban giám hiệu đều sử dụng bằng văn bản mềm không dùng văn bản giấy. Hàng ngày, các cô giáo thực hiện việc chấm ăn theo dõi sĩ số bằng hình thức online tại các lớp trẻ.

Xác định ứng dụng CNTT là nhiệm vụ hàng đầu, những năm qua, các cấp, ngành, trường học trên địa bàn huyện đã tăng cường đầu tư mua sắm máy tính và các trang thiết bị cần thiết phục vụ nhu cầu ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học môn Tin học và các môn học khác. Đến nay, 100% trường có tối thiểu 5 máy tính phục vụ công tác quản lý; 100% trẻ mầm non 5 tuổi được tiếp cận với máy tính; phòng máy tính phục vụ dạy môn Tin học đều bảo đảm bình quân tối đa 24 học sinh/máy đối với khối tiểu học và 16 học sinh/máy đối với khối THCS, bảo đảm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các phòng máy tính phục vụ dạy học đã được nối mạng internet cáp quang tốc độ cao; 100% lớp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được trang bị ti vi thông minh màn hình rộng phục vụ công tác dạy và học. 100% trường lắp hệ thống camera giám sát và hệ thống âm thanh ở các lớp học. UBND huyện còn đầu tư 21 điểm phòng họp, học trực tuyến cho các cụm trường trong huyện, với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng để tổ chức thường xuyên các giờ học trực tuyến, cuộc họp, chuyên đề, tập huấn trực tuyến. Trong thời gian dịch Covid-19 xảy ra, các đơn vị trường học đã sử dụng hạ tầng CNTT để linh hoạt trong chuyển trạng thái giữa dạy học trực tuyến và trực tiếp. Ngoài ra, các trường còn tích cực rèn luyện kỹ năng CNTT cho học sinh, khuyến khích các em tích cực tham gia các cuộc thi giải toán, tiếng Anh, vật lý qua mạng...

Ông Nguyễn Văn Thuy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy cho biết: Từ năm 2019 đến nay, ngành giáo dục huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa trường lớp cũng như công tác giảng dạy, quản lý điều hành nhằm xây dựng các trường học thông minh, qua đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Sử dụng thống nhất trong toàn ngành học bạ điện tử thay thế cho học bạ truyền thống; sử dụng ban hành 100% các văn bản điều hành bằng hình thức điện tử và được ký số bảo đảm đúng quy định. Đến nay, toàn ngành có trên 800 chữ ký số đã được cấp cho cán bộ quản lý, kế toán và các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn. Đặc biệt, từ năm học 2021 - 2022, khuyến khích cán bộ, giáo viên sử dụng giáo án điện tử không phải in ấn, đến nay có trên 80% giáo viên sử dụng. Nhờ việc đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của các nhà trường, giúp công tác quản lý được chặt chẽ, nhanh gọn và lưu trữ tốt; học sinh hứng thú và chủ động hơn với mỗi bài học, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới của chương trình mới.

Trần Tuấn