Thứ 4, 27/11/2024, 13:32[GMT+7]

Thành phố: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Chủ nhật, 11/12/2022 | 19:46:51
4,821 lượt xem
Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Thái Bình đã chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm cho mọi hoạt động dạy và học. Nhờ đó, 5 năm liên tiếp thành phố xếp thứ nhất phong trào giáo dục toàn tỉnh.

Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành giáo dục và đào tạo thành phố mới thấy hết được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền. Toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn. Đến nay, cơ sở vật chất các nhà trường cơ bản đồng bộ theo hướng hiện đại, 100% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó gần 41% trường đạt chuẩn mức độ 2. Toàn ngành có 68 trường, trên 44.000 học sinh. Mạng lưới trường lớp tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Hệ thống cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS được sắp xếp theo hướng tinh gọn, phát huy hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được nâng cao cả về số lượng, chất lượng với trên 30% giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố.

Hoạt động trải nghiệm phiên chợ quê tại Trường THCS Tây Sơn (thành phố Thái Bình).

Năm học 2022 - 2023 là năm thứ hai các trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố tiếp cận hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có tiết học trải nghiệm là môn mới nhất trong chương trình. Những tiết học ngoài trời với các trải nghiệm sáng tạo đã giúp học sinh hứng khởi, chủ động tiếp cận kiến thức tự nhiên, xã hội, thể hiện sự tự tin, kích thích khả năng tư duy. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn cho biết: Năm học này nhà trường có gần 1.200 học sinh, trong đó gần 600 học sinh khối lớp 6, 7. Đây là 2 khối lớp đang học chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để có một tiết học trải nghiệm, giáo viên phải chọn chủ đề, lên kế hoạch cụ thể, chi tiết từng bước, phân công nhiệm vụ, yêu cầu cho từng nhóm học sinh... Đến nay, 100% giáo viên đã dạy học theo phương pháp mới với các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Tại Trường Tiểu học Vũ Phúc, Ban giám hiệu nhà trường luôn xác định nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, việc dạy học lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh được tất cả giáo viên quan tâm và mạnh dạn áp dụng; chú trọng triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, ổn định chất lượng giáo dục đại trà. Không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, thường xuyên khảo sát tiến bộ của học sinh để có điều chỉnh kịp thời. Tiếp tục thực hiện sáng tạo, hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng gắn kết 3 môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội nhằm cộng đồng trách nhiệm chăm lo cho sự nghiệp “trồng người” của địa phương.

Trường Mầm non Hồng Nhung có trên 650 học sinh ở 27 nhóm lớp. Với mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ có trái tim ấm áp, có tư duy mở rộng, biết tự lập và hợp tác, Ban giám hiệu nhà trường luôn suy nghĩ làm thế nào để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được tốt nhất. Vì vậy, nhà trường luôn chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên yêu nghề, yêu trẻ. Ngay từ đầu năm học, mỗi giáo viên đều ký cam kết bảo đảm an toàn cho trẻ trong suốt thời gian học tại trường; thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tôn trọng, không được xâm phạm nhân phẩm và thân thể học sinh; yêu thương, đối xử công bằng với tất cả các trẻ. Ngoài phương pháp giáo dục mầm non truyền thống, nhà trường đã áp dụng tinh tế các phương pháp giáo dục hiện đại của Nhật Bản, qua đó giúp học sinh phát triển sự tự tin, độc lập, có thể tự chăm sóc bản thân. Trẻ có kỹ năng trong giao tiếp ứng xử, kỹ năng thực hành cuộc sống, xử lý tình huống...

Để sự nghiệp giáo dục của thành phố tiếp tục phát triển toàn diện, vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, ngành giáo dục và đào tạo thành phố sẽ chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.


Minh Nguyệt