Thứ 3, 26/11/2024, 07:54[GMT+7]

Giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới và phát triển

Thứ 6, 18/08/2023 | 20:01:11
9,207 lượt xem
Chiều ngày 18/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Cùng dự có các đồng chí: Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo các bộ, ban, ngành.

Tại điểm cầu Thái Bình, các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự  hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Năm học 2022 – 2023, ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 6 kế hoạch hành động để triển khai thực hiện các nghị quyết phát triển vùng nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tổ chức thành công 6 hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng. Ngành giáo dục tích cực xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới; triển khai có hiệu quả chương trình GDPT 2018 và chương trình giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình. Đội ngũ giáo viên cơ bản thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; việc tổ chức quản lý đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường. Các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022 – 2026. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân. Cùng với đó, tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022 - 2023. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tích cao tại các cuộc thi trên đấu trường quốc tế. Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; hệ thống quản trị nhà trường được ưu tiên kiện toàn, hoàn thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm học 2022-2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: thiếu giáo viên, quy hoạch mạng lưới trường, lớp còn bất cập, thiếu trường, lớp và áp lực tuyển sinh đầu cấp, nhất là tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, năm học 2023-2024, ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Video: 18823_-_Truc_tuyen_Giao_duc_-_S1.mp4?_t=1692371006

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong năm vừa qua đã được đổi mới và có bước phát triển. Bên cạnh những mặt đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: công tác hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới giáo dục, đào tạo triển khai còn chậm; việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn một số bất cập; tình trạng quá tải của các trường, sĩ số học sinh/lớp cao hơn nhiều so với quy định; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ… Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo. Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT 2018.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển chương trình GDPT 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc biên soạn sách giáo khoa điện tử, sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, thử nghiệm và sử dụng sách chữ nổi cho người khiếm thị. Quan tâm hơn nữa đến chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên, nhất là những giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo bảo đảm nghiêm túc, khách quan, sát thực tiễn, làm cơ sở để tham mưu với Bộ Chính trị ban hành văn bản chỉ đạo nhằm tạo đột phá trong đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự hội nghị. Từ đó, sẽ lĩnh hội, quán triệt, triển khai bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể với quyết tâm, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trước thềm năm học mới 2023-2024, để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị mỗi cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành để đưa giáo dục Việt Nam vươn lên, xứng đáng với sự quan tâm, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

                                                                                  Đặng Anh