Thứ 2, 25/11/2024, 16:34[GMT+7]

10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo: Biến nghị quyết thành hiện thực Kỳ 1: “Luồng gió đổi mới”

Thứ 2, 20/11/2023 | 08:15:56
3,649 lượt xem
Ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp cùng nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là quyết tâm chung của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, giáo dục Thái Bình có bước chuyển mạnh mẽ.

Cô và trò Trường Tiểu học Đông Thọ (thành phố Thái Bình) đọc sách tại thư viện trường.

Với bề dày truyền thống hiếu học, Thái Bình có nền tảng vững chắc để triển khai các chủ trương của Đảng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Sau khi Nghị quyết số 29-NQ/TW được ban hành, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong toàn tỉnh đã nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống, quyết liệt đổi mới giáo dục và đào tạo.

Triển khai đồng bộ

Nghị quyết số 29-NQ/TW xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả bậc học, ngành học.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, Thái Bình đã kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố trong cả nước; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. Bên cạnh đó, việc đổi mới bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp mang tính đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp. Phát huy những thuận lợi, khắc phục không ít khó khăn, thách thức, trong đó nhiều nhiệm vụ lớn, mới, chưa có tiền lệ, Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Theo thống kê, giai đoạn 2013 - 2023 Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành 5 văn bản, HĐND tỉnh ban hành 6 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 44 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các chủ trương, chính sách đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hệ thống văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW trên địa bàn tỉnh khá đầy đủ, toàn diện, là cơ sở quan trọng để toàn ngành quyết tâm thực hiện tốt đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Cùng với việc học tập và quán triệt, công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết được đẩy mạnh với nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thông qua các hội nghị giao ban, hội nghị báo cáo viên, trên website của các địa phương, đơn vị. Các cơ quan truyền thông của tỉnh mở chuyên trang, chuyên mục với hàng nghìn tin, bài tuyên truyền về nội dung Nghị quyết cũng như việc triển khai ở các địa phương, đơn vị, các cấp, các ngành trong tỉnh. Ngành giáo dục tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, thường xuyên đăng tải, cập nhật tin, bài, những mô hình, điển hình, phản ánh kịp thời, đậm nét kết quả thực hiện Nghị quyết trên địa bàn toàn tỉnh... Nhờ đó, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết, nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới giáo dục và đào tạo; xây dựng cơ chế; nghiên cứu, đề xuất các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án tổng thể, liên ngành để huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho đổi mới giáo dục và đào tạo. 

Ông Đoàn Hữu Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thái Thụy cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn Đảng bộ huyện. Định kỳ hàng năm chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành xây dựng các văn bản thực hiện hiệu quả nội dung đổi mới phương pháp quản lý, dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; chấn chỉnh, khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong giáo dục; xây dựng nền nếp, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm trong trường học. Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. Quá trình triển khai Nghị quyết đã làm thay đổi nhận thức về mục tiêu giáo dục và đào tạo, nội dung, phương pháp quản lý giáo dục, trách nhiệm của gia đình, xã hội trong việc đầu tư các nguồn lực cho giáo dục.

Dám nghĩ, dám làm

Trường Tiểu học và THCS An Vũ (Quỳnh Phụ) là một trong những đơn vị tiêu biểu triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, biến những mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra thành thực tiễn sống động và phù hợp tại cơ sở. Năm học 2013 - 2014, thời điểm đó chưa sáp nhập trường tiểu học và THCS, Trường THCS An Vũ bị coi là “điểm trũng” của giáo dục Quỳnh Phụ bởi chất lượng giáo dục thường xuyên đứng cuối bảng xếp hạng, đội ngũ giáo viên thiếu, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng. Có thời điểm, để bảo đảm an toàn cho thầy và trò, cơ quan chức năng phải đóng cửa, niêm phong dãy nhà 2 tầng 10 phòng học. Học sinh phải học ở phòng hội đồng, lán xe, thậm chí phải đi qua quốc lộ để học nhờ tại nhà văn hóa thôn. 

Bà Mai Thị Bích Nguyện, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Phụ, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS An Vũ cho biết: Thời điểm Trường gặp khó khăn nhất cũng là lúc Nghị quyết số 29-NQ/TW được ban hành. Yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mà Nghị quyết nêu như luồng ánh sáng soi rọi vào suy nghĩ, thúc đẩy tôi và các thầy cô giáo trong Trường quyết tâm thay đổi nhà trường một cách toàn diện. Muốn làm được việc đó cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần đoàn kết của tập thể.

Nghĩ là làm, cô giáo Nguyện đi xin từng xe đá xỉ vôi của doanh nghiệp trên địa bàn để làm sân ở dãy nhà 3 phòng đã xuống cấp để học sinh học tạm; đồng thời, tích cực tham mưu, đề xuất, “gõ cửa” từng cơ quan, ban, ngành để xin chủ trương đầu tư xây mới trường học. Năm 2016, diện mạo nhà trường thực sự khởi sắc khi được đầu tư xây mới dãy nhà 2 tầng khang trang, có phòng học thông minh, khuôn viên xanh với mô hình giáo dục sinh thái.

Theo bà Mai Thị Bích Nguyện, để thầy cô dạy giỏi, trò chăm ngoan, trước hết những người làm công tác quản lý cần tiên phong đi đầu trong mọi hoạt động. Với những kiến thức, kinh nghiệm trong suốt những năm đi dạy, các đề tài khoa học của bà lần lượt ra đời và được áp dụng vào thực tiễn. “Cô Nguyện từ điển” cũng là tên gọi thân thương nhiều đồng nghiệp dành cho cựu “thuyền trưởng” của Trường THCS An Vũ. Để giữ lửa cho phong trào dạy tốt, học tốt trong toàn trường, cô giáo Nguyện đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên nhà trường xây dựng tủ sách Bác Hồ và nâng cao hiệu quả sử dụng tủ sách trong trường học. Đồng thời, khuyến khích học sinh, giáo viên viết nhật ký làm theo lời Bác; lồng ghép các nội dung tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh trong các cuộc thi do nhà trường tổ chức. Các cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với chủ đề “Sáng mãi tên Người”, hội thi nét đẹp đội viên, hoa trạng nguyên, triệu phú ngôn ngữ, làm tập san, báo tường giúp học sinh hiểu hơn về tấm gương của Bác, học và làm theo Bác. Sau gần 10 năm quyết liệt đổi mới, kỷ cương, kỷ luật trong chi bộ, trường học được duy trì thực hiện tốt. Từ một trường xếp cuối của huyện, nhiều năm trở lại đây các hoạt động chuyên môn của nhà trường có nhiều khởi sắc; chất lượng học sinh giỏi, giáo dục toàn diện vươn lên tốp đầu huyện; số lượng giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện tăng 15 lần so với trước đây, trở thành điểm sáng của huyện Quỳnh Phụ và của tỉnh về việc thực hiện các phong trào thi đua.

Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện với các em học sinh.

Tại Thái Bình, số lượng trường vượt khó vươn lên như Trường Tiểu học và THCS An Vũ không phải là con số nhỏ. Nghị quyết số 29-NQ/TW đã thực sự đi vào cuộc sống, mang đến “luồng gió đổi mới”, tạo bước chuyển mạnh mẽ cho giáo dục và đào tạo.

(còn nữa)

Đặng Anh