10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo: Biến nghị quyết thành hiện thực Kỳ 2: Những “cú hích” cho giáo dục
Nền tảng phát triển bền vững
Để phục vụ hoạt động dạy và học, đặc biệt để bảo đảm cho thực hiện chương trình GDPT 2018, những năm qua, các trường trong tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa; thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng thông tin cũng được đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước được hỗ trợ đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất theo đúng quy định; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, xây dựng chương trình, giáo trình phục vụ cho công tác đào tạo nghề. 100% đơn vị được giao tự chủ về tài chính, tài sản theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/2/2015 của Chính phủ. Việc điều hành chi hoạt động cơ bản đã bám sát dự toán được giao, sử dụng ngân sách của các đơn vị cơ bản tiết kiệm, bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và Luật Ngân sách nhà nước. Công tác tài chính và thực hiện các khoản thu trong các trường cơ bản nền nếp, chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, với những chủ trương, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn lực xã hội hóa, từ năm 2014 đến hết năm 2020 toàn tỉnh huy động được 1.289 tỷ đồng từ phụ huynh học sinh, các tổ chức, cá nhân để đầu tư cho cơ sở vật chất trường học, phát triển giáo dục địa phương.
Tại Vũ Thư, để phù hợp với tình hình thực tế và khuyến khích các địa phương quan tâm xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhất là các xã khó khăn và các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, ngày 25/7/2023, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-HĐND phê duyệt điều chỉnh cơ chế hỗ trợ xây dựng trường học giai đoạn 2021 - 2025. Với nghị quyết này, các trường mầm non được tăng mức hỗ trợ xây dựng từ 200 triệu đồng/phòng học lên 400 triệu đồng/phòng học, các trường tiểu học và THCS được tăng mức hỗ trợ xây dựng từ 200 triệu đồng/phòng học lên 300 triệu đồng/phòng học. Nghị quyết số 11/NQ-HĐND là “cú hích” để các địa phương mạnh dạn, sáng tạo tìm nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường học.
Trường THCS Tân Phong là một trong những đơn vị được đầu tư xây mới 8 phòng học ngay trước khai giảng năm học 2023 - 2024. Ông Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường được xây dựng cách đây hơn 40 năm, cơ sở vật chất đã xuống cấp, nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng nặng, không bảo đảm cho công tác dạy và học. Trước thực trạng trên, năm 2022, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đã hỗ trợ 5 tỷ đồng; ngân sách nhà nước cấp 1 tỷ đồng để xây dựng dãy nhà 2 tầng gồm 8 phòng học. Công trình được hoàn thành trước năm học 2023 - 2024 là điều kiện thuận lợi cho công tác dạy và học, động viên, khích lệ tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh toàn trường tiếp tục vươn lên dạy tốt, học tốt.
“Một ngôi trường mới, những phòng học mới được đưa vào sử dụng đã đem đến nhiều niềm vui cho học sinh, giáo viên của trường khi bước vào năm học mới. Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu về chỗ học và nâng cao chất lượng giáo dục. Đây là một trong những minh chứng thể hiện sự quan tâm đầu tư của tỉnh trong thu hút nguồn lực xã hội hóa để phát triển sự nghiệp giáo dục” - ông Nguyễn Xuân Phương cho biết thêm.
Học sinh Trường Tiểu học Thụy Quỳnh (Thái Thụy) tham gia sân chơi rung chuông vàng bằng tiếng Anh.
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển
Để phát triển mạng lưới trường lớp, đáp ứng nhu cầu người học và đổi mới giáo dục, ngày 9/7/2009, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường học tỉnh Thái Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Để phù hợp với tình hình thực tế, ngày 29/5/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND về việc sáp nhập trường học trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Đông Hưng đã tập trung quy hoạch, xây dựng các điểm trường mầm non cùng trên một địa bàn về tập trung tại một điểm, giảm 91 điểm trường; thành lập 2 trường mầm non tư thục, 5 trường THCS liên xã, 1 trường THCS chất lượng cao... Trong công tác sáp nhập trường học, thực hiện Kế hoạch số 45/KH-UBND của UBND tỉnh, huyện Đông Hưng đã sáp nhập 23 trường tiểu học và 20 trường THCS quy mô nhỏ ở 23 xã để thành lập 23 trường tiểu học và THCS, giảm 20 trường. Đến nay, toàn huyện có 108 trường ở cả 3 cấp.
Ông Trần Đức Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền nên kế hoạch sáp nhập trường học nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và các thầy cô giáo, nhất là lãnh đạo các trường. Sau sáp nhập, tổ chức bộ máy tại các cơ sở giáo dục đã bớt cồng kềnh; từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên hành chính ở một số nơi. Việc sắp xếp trường học bảo đảm bộ máy tinh gọn, hoạt động theo hướng chuyên nghiệp.
Cùng với phát triển mạng lưới trường lớp, để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, tỉnh đã ban hành chính sách thu hút người giỏi về công tác tại các cơ sở giáo dục. Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố thực hiện quy trình tuyển giáo viên theo chỉ tiêu được giao đúng quy định; chú trọng tuyển chọn, xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi cho trường chuyên và các trường chất lượng cao của tỉnh. Trong 10 năm qua, số lượng, cơ cấu nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp học được bổ sung, nâng cao tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định đối với từng cấp học đáp ứng yêu cầu đổi mới và thực hiện chương trình GDPT 2018. Quyết tâm đổi mới, sáng tạo của người thầy được thể hiện rõ nét nhất trong 3 năm diễn ra dịch Covid-19. “Tạm dừng đến trường chứ không ngừng việc học” là một trong những chủ trương quan trọng để mỗi cán bộ, giáo viên tự thay đổi từ nhận thức đến hành động, biến thách thức thành cơ hội đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo.
Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hà, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học và THCS Kỳ Đồng (Hưng Hà), mặc dù đã có 21 năm công tác trong ngành giáo dục nhưng phải đến đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát và lây lan cô mới nhận thấy hết tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Trước đây, cô và nhiều đồng nghiệp chỉ sử dụng máy chiếu là thiết bị hiện đại nhất để dạy học. Khi học sinh tạm dừng đến trường, chuyển sang hình thức học trực tuyến, cô đã học hỏi từ đồng nghiệp và tự trau dồi kỹ năng sử dụng thành thục các phần mềm dạy học trên máy tính để dạy học. Sau 3 năm có những thời điểm phải dạy học trực tuyến, giờ đây cô tự tin hơn trong những tiết dạy của mình. Học sinh rất hào hứng khi giáo viên sử dụng thiết bị hiện đại trong giảng dạy, vì vậy chất lượng môn Tiếng Anh trong những năm qua được cải thiện rất nhiều, đặc biệt là kỹ năng nghe, nói khi các em được học, nghe, nói thông qua những video tiếng Anh trên tivi thông minh của lớp.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hà là 1 trong hơn 25.000 cán bộ, giáo viên ngành giáo dục Thái Bình có sự thay đổi tích cực trong 3 năm vừa qua. Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Với những cơ chế, chính sách thiết thực, nhận thức, tư tưởng, khí thế đổi mới đi sâu vào các cơ sở giáo dục. Quá trình triển khai Nghị quyết bước đầu mang lại chuyển biến tích cực, mang lại sự đổi mới trong toàn ngành.
10 năm thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo, bức tranh giáo dục của Thái Bình có sự thay đổi vượt bậc. Hàng chục nghìn phòng học, nhà đa năng được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị dạy học được bổ sung đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động dạy và học. Số lượng các trường đạt chuẩn quốc gia, đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn ngày càng tăng.
Hầu hết các lớp học của Trường Tiểu học Thanh Tân (Kiến Xương) được trang bị ti vi thông minh.
(còn nữa)
Đặng Anh
Tin cùng chuyên mục
- Xã luậnNhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo” 20.11.2024 | 05:12 AM
- Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: Tổ chức chuyên đề thay sách giáo khoa mới lớp 9 11.10.2024 | 17:54 PM
- UBND thành phố: Chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm 09.10.2024 | 18:56 PM
- Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Tây Thụy Anh 05.09.2024 | 11:13 AM
- Vũ Thư: Giành 62 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh năm học 2023 -2024 10.05.2024 | 15:42 PM
- Phát động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn 26.04.2024 | 17:35 PM
- Thành phố: 32 giáo viên tham gia hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi 11.03.2024 | 17:00 PM
- Xã luậnPhát huy phẩm chất cao quý của nhà giáo Việt Nam 20.11.2023 | 08:33 AM
- Quỳnh Phụ: Tổng kết phong trào thi đua năm học 2022-2023 15.11.2023 | 15:37 PM
- Khai giảng khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên tiếng Anh cấp THPT 04.11.2023 | 20:03 PM
Xem tin theo ngày
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam