Thứ 2, 26/05/2025, 11:39[GMT+7]

Ðôi điều về nghề giáo

Thứ 4, 27/11/2013 | 15:13:42
1,022 lượt xem
Nghề giáo là nghề đòi hỏi người thầy phải mẫu mực, vừa dạy chữ, vừa dạy người, đặc biệt phải mang trong mình cả “tâm, tài, đức”. Cô Lương Bích Nga, một trong những tấm gương tiêu biểu được vinh danh nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục chia sẻ: “Mối lương duyên của tôi với nghề giáo đến ngay từ khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cô và trò. Ảnh: Ngọc Trâm

Thời khắc đó, tôi cảm thấy phải quyết tâm học thật tốt để thi đỗ vào Trường Ðại học Sư phạm Hà Nội. Trong thời gian được rèn dũa tại môi trường đại học, tôi nghiệm ra một điều: dù chúng ta có học ngày học đêm cũng sẽ không bao giờ thấy đủ; học tập là việc suốt đời, giúp chúng ta tích lũy kiến thức, đúc rút được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, say sưa với những ý tưởng mới cho dù mình đang làm bất cứ công việc gì”.

Những năm qua, thí sinh đăng ký dự thi vào ngành sư phạm ngày càng tăng, cả về số lượng và chất lượng. Ðiểm chuẩn để xét trúng tuyển cũng được nâng lên khá cao. Ngoài ra, đối với một số môn năng khiếu, thí sinh còn phải sơ tuyển về phát âm, hình thể... Chính vì vậy, quan niệm “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đã trở nên lạc hậu và gần như không còn ai nhắc đến nữa.

Hàng năm, một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm nhưng số có năng lực và chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tìm được việc làm không nhiều. Rất nhiều tấm bằng cử nhân “bị lãng quên”, chủ của nó phải làm trái ngành, trái nghề. Ðây là một bài toán khó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, ban, ngành cùng với các cấp chính quyền để giải quyết, tránh tình trạng lãng phí chất xám của đất nước.

Hiện nay, do chịu ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường, hình ảnh đáng tôn kính, những tấm gương sáng của các thầy giáo, cô giáo đã phần nào bị phai nhạt trong cái nhìn, suy nghĩ của một số học sinh, sinh viên và phụ huynh. Nhưng không vì thế mà có thể phủ nhận những người giáo viên nhân dân tiêu biểu, vẫn tận tâm, tận lực với nghề.

Có một câu chuyện mà tôi được chứng kiến tại ngôi trường ngoài công lập nằm trên địa bàn Thành phố Thái Bình. Thầy Phạm Ðức Hoa tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn mong muốn được cống hiến tri thức cho sự nghiệp giáo dục. Chính vì vậy, thầy đồng ý đảm nhiệm phụ trách công tác tổ chức, quản lý việc dạy và học của giáo viên, học sinh tại ngôi trường này. Nguyễn Văn Tiến - một học sinh gương mẫu của trường, của lớp, học đều tất cả các môn. Bất ngờ một ngày, nhà trường nhận được đơn xin thôi học của Tiến khi học kỳ II vừa bắt đầu. Không muốn Tiến dang dở con đường học tập, thầy Phạm Ðức Hoa đã về nhà em ở một xã của huyện Ðông Hưng. Thầy Hoa kể lại: “Không khó để tôi tìm được nhà em. Nhưng đến nơi, tôi nghĩ đó không phải là một ngôi nhà như đúng nghĩa của nó. Những mảnh gỗ ván được chắp vá để che mưa, che gió là nơi ở của một gia đình gồm bà ngoại, mẹ, chị và Tiến”. Lúc đó, thầy Hoa phối hợp cùng gia đình Tiến tiến hành mọi thủ tục cần thiết để gia đình em được xác nhận là hộ nghèo của xã. Ðồng thời, thầy còn vận động các thầy giáo, cô giáo cùng tất cả học sinh trong trường ủng hộ tiền để mua tặng em một chiếc xe đạp. Câu chuyện trên cho thấy, trong xã hội ngày nay vẫn còn rất nhiều những nhà giáo tận tâm với nghề, yêu trò như chính con đẻ của mình.

Nhờ có một thời gian được cầm phấn đứng trên bục giảng tôi mới cảm nhận được cái khó của nghề giáo, đó là phải làm sao để có phương pháp dạy hiệu quả, giúp học sinh hiểu, nắm được những kiến thức mà mình truyền đạt. Bên cạnh việc dạy chữ, các thầy giáo, cô giáo còn phải dạy cho học sinh trở thành một người công dân tốt, sống có ích, rèn luyện cho các em có những kỹ năng sống cần thiết ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hy vọng đạo lý “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” vẫn sẽ được nhắc đến như một lời nhắn nhủ đến tất cả mọi người: “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Đặng Anh

  • Từ khóa