Chủ nhật, 24/11/2024, 15:43[GMT+7]

Giúp người học hứng thú hơn với môn Lịch sử

Thứ 6, 14/07/2017 | 08:59:23
863 lượt xem
Đưa thực tế vào những bài học lịch sử nhằm tạo sự hứng thú cho người học, Nguyễn Thu Hiền, Nguyễn Thị Phương Linh, học sinh lớp 9A Trường THCS Minh Thành (thành phố Thái Bình) đã thực hiện dự án bồi dưỡng lòng yêu nước qua việc tìm hiểu các đường phố mang tên danh nhân ở thành phố Thái Bình.

Tuyến phố mang tên anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

Dự án đã đạt giải khuyến khích cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia (ViSEF) dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc năm học 2016 - 2017. 

Nguyễn Thị Phương Linh - một trong hai tác giả của dự án chia sẻ: Mỗi ngày tới trường, chúng em đi qua nhiều con đường mang tên các danh nhân, có những danh nhân chúng em đã biết song cũng có danh nhân chúng em chưa biết. Đem những câu hỏi còn băn khoăn về gia đình song dường như các câu trả lời chưa được thỏa đáng. Tìm đến cô giáo dạy môn Lịch sử, chúng em có câu trả lời. Sau đó, chúng em đề xuất ý tưởng và được gợi mở, khuyến khích thực hiện một dự án nghiên cứu qua việc tìm hiểu các đường phố mang tên danh nhân ở thành phố Thái Bình.

Cô giáo Trần Thị The, giáo viên Lịch sử Trường THCS Minh Thành chia sẻ: Thực tế hiện nay cho thấy một số học sinh đang xa rời môn Lịch sử dẫn đến các giá trị truyền thống đang dần bị mai một trong giới trẻ. Chính vì thế, khi thấy hai em đề xuất ý tưởng thực hiện dự án tôi rất vui mừng. Với vai trò là giáo viên, tôi đã hướng dẫn hai em tìm những nguồn sử liệu chính thống đã được kiểm chứng để hoàn thành dự án.


Dự án bồi dưỡng lòng yêu nước qua việc tìm hiểu các đường phố mang tên danh nhân ở thành phố Thái Bình được thực hiện từ tháng 6 - 10/2016. Từ việc phỏng vấn, khảo sát, thống kê, phân loại cho thấy, trên địa bàn thành phố có 68/73 đường phố mang tên danh nhân, trong đó 32 danh nhân là người con Thái Bình. Ngoài những danh nhân như Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Quang Trung, Nguyễn Trãi… có số người biết và hiểu khá cao vẫn còn một số danh nhân người địa phương như Quách Hữu Nguyên, Đoàn Nguyễn Tuấn, Kỳ Đồng, Đỗ Lý Khiêm… ít người biết, thậm chí không biết. 

Quá trình khảo sát, phân tích, tổng hợp là căn cứ để Thu Hiền, Phương Linh cho ra đời cuốn tư liệu bồi dưỡng lòng yêu nước qua việc tìm hiểu các đường phố mang tên danh nhân ở thành phố Thái Bình. Cuốn tư liệu là sản phẩm của dự án nhằm cung cấp những thông tin tóm tắt về lịch sử các con đường và cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân.

Chia sẻ về quá trình thực hiện, Nguyễn Thị Phương Linh cho biết thêm: Việc khảo sát các tuyến phố mất khá nhiều thời gian. Tư liệu về danh nhân địa phương có khá ít nên quá trình tập hợp gặp đôi chút khó khăn. Bên cạnh đó, do là năm cuối cấp nên quỹ thời gian hạn hẹp, chúng em chỉ có thể tìm hiểu về các danh nhân qua những cuốn tư liệu lịch sử lúc ra chơi hoặc vào ngày cuối tuần. Song thuận lợi là chúng em nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ nhà trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Thành cho biết: Nhiều năm qua, Trường THCS Minh Thành rất quan tâm tới việc giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước trong các thế hệ học sinh. Năm học vừa qua Trường đã tổ chức tại các lớp cuộc thi em yêu đường phố quê em, các buổi ngoại khóa và sân khấu hóa. Đây là cách hiệu quả giúp học sinh hiểu sâu, nhớ lâu các bài học lịch sử. Để dự án đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, Trường quyết định đưa cuốn sách vào chương trình giáo dục thường xuyên trong các giờ học Lịch sử, Ngữ văn, Địa lý. Các thầy cô khéo léo tích hợp nội dung dự án với các nội dung bài học liên quan. Bên cạnh đó, Trường còn thành lập nhóm tuyên truyền gồm 10 học sinh ở các khối lớp. Vào giờ sinh hoạt lớp, chào cờ, giải lao, nhóm trực tiếp giới thiệu sản phẩm của dự án đến các lớp. Mỗi khối lớp, nhóm lại có hình thức tuyên truyền khác nhau sao cho sinh động, hấp dẫn để không chỉ các thành viên nhóm dự án mà mỗi học sinh sẽ là một tuyên truyền viên đối với người thân, bạn bè, những người xung quanh. Cùng với đó, Trường hỗ trợ giới thiệu, tuyên truyền sản phẩm của dự án đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng giúp mọi người hiểu hơn về lịch sử dân tộc, truyền thống quê hương.

Không chỉ tạo ra phương pháp học tập mới mẻ, dự án còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Qua đó, các em sẽ hiểu và có những hành động cụ thể, thiết thực hơn trong học tập và lao động, góp phần xây dựng quê hương.

Hoàng Lanh