Thứ 7, 11/05/2024, 11:33[GMT+7]

Bồi dưỡng nhân tài trên vùng đất mặn

Thứ 2, 13/06/2011 | 15:57:32
2,188 lượt xem
Năm học 2010-2011, kết quả thi học sinh giỏi của Thái Thụy xếp thứ 2 toàn tỉnh (sau Thành phố). Đây là năm thứ hai liên tục ngành giáo dục Thái Thụy giữ vững vị trí cao trong tốp đầu của tỉnh. Vì sao, một huyện ven biển, số dân đông; số xã thị trấn nhiều (48) mà lại có được kết quả cao như vậy?

Ảnh Thành Tâm

Cách đây mấy năm, ngành giáo dục Thái Thụy tổ chức hội thảo với chủ đề: “Nâng cao chất lượng giữa các vùng, miền”. Điều này cho thấy, việc nâng cao giáo dục đại trà ở một huyện đông dân đã là điều vất vả.

Song, quan điểm nhất quán của lãnh đạo phòng giáo dục nói riêng và cấp ủy, chính quyền huyện Thái Thụy nói chung là: Không có chất lượng giáo dục đại trà sẽ rất khó cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, như thế dẫn đến kết cục: “Nhân tài như lá mùa thu” mà thôi. Ý chí ấy được chuyển đến tất cả các nhà trường, các thầy, cô giáo là: Vừa quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời với nâng cao chất lượng giữa các vùng miền; vừa chăm lo bồi dưỡng học sinh giỏi. Phòng GD-ĐT và các nhà trường xác định; công tác bồi dưỡng HSG là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Rõ ràng là ở đây có sự tương hỗ, tương đồng. Nâng cao giáo dục đại trà để tạo nguồn học sinh giỏi và có nhiều học sinh giỏi sẽ tạo động lực thi đua dạy của thầy và học của trò.

 Những năm qua, các cụm trường đã khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất (cả huyện chỉ có một trung tâm chất lượng cao ở trung tâm huyện), tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng HSG tại cụm. Các cụm 4 ở tiểu học; cụm 1, 2, 5 của THCS đã chủ động thành lập các lớp bồi dưỡng HSG của cụm; để làm được việc này; các cụm đã nỗ lực khắc phục khó khăn về đội ngũ giáo viên, để tạo điều kiện cho học sinh được bồi dưỡng phát triển tài năng. Có những cụm giữ được ổn định và đạt kết quả cao như: cụm 1, 3, 5 của tiểu học; cụm 2, 3 (THCS). Cụm có chuyển biến vươn lên là 5, 7 của THCS. Nhiều trường đã tập trung rất cao cho công tác bồi dưỡng HSG, nên nhiều năm liền đạt kết quả cao, điển hình là: tiểu học Thụy Hà, Thụy Bình, Thụy Thanh, Thụy Sơn, Thái Hồng, Thái Học... THCS Thụy Hà, Thụy Văn, Thị trấn... Những trường có cố gắng tiến bộ vượt bậc là: Tiểu học: Thái Phúc, Thái Hà, Thụy Phúc, Thụy Thanh; THCS: Thái Hồng, Thái Hưng, Thụy Liên, Thụy Lương.

Để đánh giá công tác bồi dưỡng HSG của các nhà trường, Phòng GD-ĐT tổ chức khảo sát 1.634 học sinh tiểu học, với các môn: văn hóa, tiếng Anh. Khảo sát 1.611 học sinh ở các môn: toán, ngữ văn, tiếng Anh lớp 6, 7 và các môn: Toán, ngữ văn, tiếng Anh, Lý, Hóa (lớp 8). Kết quả có 918 học sinh tiểu học (56,2%) 675 học sinh THCS (41,9%) học sinh dự thi được công nhận HSG cấp huyện. Năm học 2010-2011, Sở GD-ĐT tiếp tục tổ chức giao lưu: “Toán tuổi thơ” cấp tỉnh đối với học sinh lớp 5, Thái Thụy có 41 học sinh tham gia dự thi, 10 em được chọn vào vòng chung khảo, cả 10 em đều đạt huy chương.

Trong đó, có một HCV của Phạm Tuấn Anh (Tiểu học Thái Thượng) 8 HCB, một HCĐ. Đoàn Thái Thụy đại  giải 3. Với THCS, toàn huyện có 80 học sinh dự thi ở 8 đội tuyển HSG lớp 9 dự thi cấp tỉnh; 67 em đoạt giải, chiếm tỷ lệ 83,75% (cao hơn năm học trước 11% và cao hơn bình quân chung của tỉnh 14,4%). Trong đó, có 6 giải nhất của Đỗ Thị Trang (tuyển Lý), Hoàng Thị Hà Phương (tuyển Tiếng Anh), Hoàng Thu Huyền và Hồ Thanh Toàn (Toán), Tô Mạnh Hiệp (Vật lý), Nguyễn Thanh Tùng (Hóa Học); còn lại 20 giải nhì, 26 giải ba và 15 giải khuyến khích. Đội tuyển sinh học và tiếng Anh có 10/10 em dự thi đạt giải. Đội tuyển Toán và Lịch sử có 9/10 em đạt giải. Địa lý và Hóa học có 8/10; ngữ văn có 7/10 và tuyển Vật lý có 6/10 em đạt giải.

Về giải đồng đội, đây là năm đầu tiên kể từ năm học 1989 đến nay, Thái Thụy có 8/8 đội tuyển đều đạt từ giải 3 trở lên. Hai đội tuyển Toán và Địa lý đạt giải nhất; đội tuyển sinh học đạt giải nhì; còn lại 5 đội đạt giải 3 là: ngữ văn, lịch sử, tiếng Anh, vật lý và hóa học... Góp phần làm nên thành tích toàn huyện năm thứ 2 liên tiếp xếp thứ 2, đạt giải nhì cấp tỉnh.

Góp công, góp sức xây nên thành tích ấy là công lao của các thầy, cô giáo đã hết lòng, tận tâm, tận lực với thế hệ trẻ, khắc phục mọi khó khăn cả về vật chất cũng như tinh thần; thường xuyên tự học để trau dồi kiến thức và kinh nghiệm, có nhiều sáng tạo trong thực hiện trọng trách được giao. Những tấm gương phải kể đến là cô giáo Trần Thị Loan, tiểu học Thái Phúc, nhiều năm liền luôn say sưa, mệt mài vì thế hệ tương lai; ngoài việc quản lý lớp HSG tại Thái Phúc, còn tham gia tích cực bồi dưỡng đội tuyển giao lưu “Toán tuổi thơ” và “Giải toán trên mạng”. Cô Nguyễn Thị Nhàn (Tiểu học Thụy Hà); thầy Nguyễn Mạnh Hưng (TH Thụy Phong); cô Đỗ Thị Huế (TH Thái Hưng) ngày đêm tận tình chăm chút cho các em, nâng niu tài năng phát triển. Cô Lê Hồng Thoa, cùng tập thể trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, bám trường, bám lớp, đam mê với nghề, có nhiều giải pháp tích cực trong chỉ đạo hoạt động dạy học, bảo đảm yêu cầu cao của chất lượng mũi nhọn, vừa tạo điều kiện để các em phát triển toàn diện. Cô Nguyễn Thị Hương, phụ trách đội tuyển sinh lớp 9, có 10/10 em đạt giải, đội tuyển đạt giải nhì. Cô Lê Hồng Lý, dạy đội tuyển địa lý có 5/6 năm liền đạt giải. Năm nay, đội tuyển địa lý vươn lên xếp thứ nhất, 8/10 em đạt giải.

 Đặc biệt, đội tuyển Toán do thầy Bùi Văn Quyết phụ trách, là đội tuyển có rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh thứ hạng với các đội trong tỉnh. Tuy vậy, cả 4/4 năm gần đây, đội tuyển đều đạt giải, năm nay bứt phá vươn lên vị trí dẫn đầu, 9/10 giải cá nhân, là đội tuyển có số học sinh đạt giải nhất cá nhân nhiều nhất trong 8 đội tuyển của tỉnh. Còn rất nhiều thầy, cô khác có thành tích cao, nhiều tâm huyết với công tác bồi dưỡng HSG như: Trịnh Thị Thu Hiền (đội tuyển tiếng Anh), Vũ Thị Thắm (đội tuyển Vật lý)...

Bên cạnh những nhà giáo say sưa với nghề, ở Thái Thụy có nhiều tấm gương học sinh giỏi rất đáng trân trọng: Em Nguyễn Hải My (tiểu học Thái Phúc) mồ côi cha, hoàn cảnh khó khăn, em phải ở với ông bà ngoại... vẫn cố gắng phấn đất đạt HCĐ giao lưu toán tuổi thơ cấp tỉnh. Hà Văn Tùng (Thái Thịnh) mồ côi cha từ lúc lên 2, trong thời gian ôn luyện, sức khỏe không ổn định em vẫn nỗ lực học tập, đạt giải nhì môn toán lớp 9. Em Đoàn Minh Huệ (Thụy Hồng) mồ côi cha mẹ từ lúc 5 tuổi, em vốn là HSG Tiếng Anh. Nhưng năm nay, em tham gia đội tuyển môn địa lý, đạt giải nhì....

Bài học rút ra từ thực tiễn cũng là câu trả lời vì sao từ tốp cuối của tỉnh, Thái Thụy đã vươn lên thứ 2 ở hai năm liền là: Muốn có chất lượng HSG, cần tổ chức  tốt các lớp bồi dưỡng tại cụm và tại trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (trung tâm chất lượng cao). Các nhà trường, mỗi thầy, cô giáo không ngại giai khổ, khó khăn, toàn tâm, toàn ý nâng niu, chăm chút học sinh năng khiếu, HSG... trong từng giờ lên lớp, ở từng hoạt động của các em; HSG ở lĩnh vực nào cũng đáng trân trọng, vì vậy phải sớm phát hiện năng khiếu để chăm lo và bồi dưỡng. Đó còn là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với hoạt động giáo dục nói chung và công tác bồi dưỡng học sinh giỏi nói riêng.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa