Thứ 2, 25/11/2024, 10:38[GMT+7]

Giáo dục tiểu học: Linh hoạt, sáng tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới

Thứ 6, 02/02/2018 | 09:53:35
1,168 lượt xem
Cùng với nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của toàn ngành, thời gian qua, bậc học tiểu học cũng linh hoạt, sáng tạo, thực hiện nhiều đổi mới quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Lập 2 (Vũ Thư) trải nghiệm tại nhà ông Nguyễn Quốc Toản.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thời gian qua, Phòng đã chỉ đạo các trường triển khai và tổ chức thực hiện đầy đủ các chuyên đề phục vụ việc dạy học. Các trường chỉ đạo cán bộ thư viện lên danh mục đồ dùng hàng tháng để các khối lớp có kế hoạch mượn sách, theo dõi giáo viên mượn đồ dùng dạy học, tổng hợp báo cáo cho ban giám hiệu vào cuối tháng. Mỗi giáo viên khi lên lớp giảng dạy phải sử dụng triệt để và có hiệu quả các thiết bị, đồ dùng dạy học; hướng dẫn học sinh biết sử dụng và khai thác các hình ảnh, kênh hình trong sách giáo khoa. Bên cạnh đó, có kế hoạch tự làm thêm một số đồ dùng dạy học phục vụ cá nhân và tổ chuyên môn. Thông qua sinh hoạt chuyên môn hội đồng, sinh hoạt chuyên môn tổ, nhóm, giáo viên góp ý để kịp thời điều chỉnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng đồ dùng dạy học. Nhờ chỉ đạo sát sao của Sở Giáo dục và Đào tạo, giáo viên đã chú trọng hơn đến việc đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực để học sinh tự tìm ra kiến thức cần học. 100% các trường đã áp dụng phương pháp bàn tay nặn bột vào một số tiết dạy các môn khoa học.

Sau hơn một năm thực hiện Thông tư số 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định đánh giá học sinh tiểu học, cấp tiểu học đã có nhiều chuyển biến trong dạy và học. Cô giáo Hà Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) cho biết: Sau hơn một năm thực hiện Thông tư số 22, giáo viên và học sinh nhà trường đã quen dần với cách đánh giá, nhận xét học sinh. Cách ra đề kiểm tra định kỳ của các giáo viên phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo 4 mức là: nhận biết, giải thích kiến thức, vận dụng kiến thức và nâng cao. Nhờ đó, sau bài kiểm tra cuối học kỳ I vừa qua, nhà trường đã phân loại được học sinh và có kế hoạch bồi dưỡng cho học sinh giỏi, quan tâm hơn đến những học sinh còn yếu. Theo đánh giá của cô giáo Hà Thị Xuân, nhìn chung, so với cùng kỳ năm trước, chất lượng giáo dục nhà trường vẫn giữ ổn định. Quan trọng hơn là học sinh được giảm áp lực học tập, hoạt động nhiều, có nhiều cơ hội thể hiện năng lực, phẩm chất nên các em tích cực, tự tin hơn khi đến trường, đồng thời rèn cho học sinh khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học; tăng khả năng giao tiếp, hợp tác; tạo hứng thú trong học tập và rèn luyện để tiến bộ.

Trong học kỳ I vừa qua, cấp tiểu học tiếp tục thực hiện một đổi mới rất quan trọng đó là dạy học trải nghiệm, sáng tạo. Tại Trường Tiểu học Tân Lập 2 (Vũ Thư), nhà trường tổ chức cho học sinh những giờ học trải nghiệm tìm hiểu về việc làm chậu cảnh ở ngay các gia đình trong xã. Học sinh đã tham gia hoạt động trải nghiệm tại gia đình ông Nguyễn Quốc Toản, thôn Trà Khê, xã Tân Lập. Tại đây, các em được nghe ông Toản hướng dẫn cách làm chậu, cách đắp vẽ trang trí chậu cảnh. Bên cạnh hướng dẫn các cháu làm chậu cảnh, ông Toản còn hướng dẫn cách cắt tỉa thế cây để có giá trị hơn. Thông qua hoạt động trải nghiệm này, các em học sinh có thêm những hiểu biết về cuộc sống và giá trị của lao động. 

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: Các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo nhằm định hướng, tạo điều kiện cho học sinh quan sát, suy nghĩ và tham gia các hoạt động thực tiễn, qua đó tổ chức khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho các em tích cực nghiên cứu, tìm ra những giải pháp mới, sáng tạo những cái mới trên cơ sở kiến thức đã học trong nhà trường và những gì đã trải qua trong thực tiễn cuộc sống, từ đó hình thành ý thức, phẩm chất, kỹ năng sống và năng lực cho học sinh.

Cùng với Thông tư số 22, hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, cấp tiểu học còn áp dụng nhiều đổi mới như: dạy tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục, bàn tay nặn bột… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và chỉ đạo sát sao, hầu hết những đổi mới của ngành đều nhận được phản hồi tích cực từ phía gia đình, nhà trường và xã hội, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Đặng Anh