Thứ 2, 25/11/2024, 14:41[GMT+7]

Khơi nguồn tình yêu đọc sách

Thứ 2, 23/04/2018 | 08:05:47
1,694 lượt xem
Đối với các nhà trường, việc hình thành các tủ sách lớp học, thư viện nhà trường với nhiều chủng loại sách phong phú là điều kiện đầu tiên và thuận lợi để học sinh tiếp cận với sách, từ đó mới tìm hiểu và yêu thích sách. Đặc biệt, giáo viên có ảnh hưởng lớn đối với việc hình thành văn hóa đọc cho trẻ.

Báo động tình trạng trẻ em xa rời sách

Thư viện huyện Vũ Thư, cả ngày lác đác mới có một vài học sinh, cán bộ hưu trí đến mượn, đọc sách, thậm chí có ngày không có người đến đọc. 

Chị Nguyễn Thị Vân, thủ thư cho biết: Thư viện hiện nằm ở Nhà văn hóa huyện, ngay vị trí trung tâm huyện, cơ sở vật chất khá khang trang, lại có gần 12.000 đầu sách các loại, trong đó riêng sách, báo, tạp chí cho thanh niên, thiếu nhi chiếm khoảng 50% số lượng với rất nhiều thể loại, hình thức phong phú. Tuy nhiên, số lượng bạn đọc của thư viện, nhất là bạn đọc nhí ngày càng ít đi, nhiều là 5 em, 7 em hoặc 10 em/ngày, có hôm không có em nào đến đọc sách, trong khi toàn huyện có khoảng trên 20.000 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. 

Lý giải điều này, chị Vân cho rằng hiện nay trẻ em mất quá nhiều thời gian để học trên lớp, học thêm nên không còn nhiều thời gian đọc sách; quan trọng hơn là hầu hết trẻ em từ thành thị đến nông thôn đều rất đam mê với các trò chơi, nội dung hấp dẫn trên smartphone, ipad, ti vi nên không còn hứng thú để đọc sách, báo.

Em Bùi Khánh Huyền, 13 tuổi, học sinh Trường THCS Thanh Phú (Việt Hùng) chia sẻ: Trước kia em cũng thích đọc sách, truyện nhưng từ ngày bố mẹ sử dụng smartphone, tải nhiều game hay về thì em thích chơi trò chơi hoặc xem video, lướt facebook trên điện thoại hơn là đọc sách vì nó thú vị, hấp dẫn hơn sách, truyện... 

Ngược lại, em Phạm Thị Tường Linh, 12 tuổi, thôn Minh Quàn, xã Minh Quang (Vũ Thư) vẫn yêu thích đọc sách, nhất là sách, truyện dành cho thiếu nhi nhưng Linh chia sẻ: Ngoài sách giáo khoa, bố mẹ em chưa từng mua cho em một quyển sách, truyện nào khác vì bố mẹ em cho rằng chỉ sách giáo khoa mới cần thiết, các sách, truyện khác không có ích, lại tốn kém chi phí.

Với nhiều tác động, nguyên nhân, theo khảo sát của Thư viện huyện, trung bình mỗi em đọc chưa được 1 cuốn sách/năm, tỷ lệ này giảm xuống đối với trẻ em ở các xã vùng xa trung tâm. Sách mà các em đọc cũng chưa thực sự có giá trị, phần lớn là truyện tranh giải trí. Một số phụ huynh đã quan tâm, định hướng trẻ đọc sách hoặc mua sách cho con, còn lại, đa số phụ huynh ở các vùng nông thôn hầu như không quan tâm đến việc con em mình có sách để đọc, có đọc sách hay không và đọc sách gì... 

Trong điều kiện các trò chơi trên thiết bị công nghệ ngày càng hấp dẫn, những yếu tố này càng khiến trẻ xa rời đọc sách. Hệ lụy của tình trạng trẻ lười đọc sách là phần nào làm nghèo nàn tâm hồn của trẻ, nhiều kiến thức hay, bổ ích, có ý nghĩa giáo dục trẻ cao cũng bị bỏ qua, trẻ không học được cách sử dụng ngôn ngữ đa dạng, phong phú thông qua đọc sách.

Nỗ lực “kéo” trẻ em đến gần với sách

Hiện tại, với nhiều tác động chi phối, để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ là việc không dễ, tuy nhiên, nếu có sự vào cuộc đồng bộ của gia đình, nhà trường và xã hội thì vẫn có thể giúp trẻ yêu thích đọc sách. 

Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong việc rèn trẻ đọc sách, chị Trần Thị Hoàng Anh, khu An Bình II, thị trấn Vũ Thư cho biết: Ngay từ khi các con mới 2 tuổi, tôi đã kiên trì đọc sách, truyện cho các con nghe. Lúc đầu bọn trẻ chưa tập trung lắm nhưng dần dần trẻ sẽ hình thành thói quen đọc sách và muốn tìm hiểu các câu chuyện từ sách. Bản thân tôi luôn dành thời gian đọc sách, vừa do tôi yêu thích đọc sách vừa do tôi muốn làm gương cho các con noi theo. Đến giờ, con gái (10 tuổi) và con trai (4 tuổi) đều muốn nghe mẹ đọc sách trước khi đi ngủ, nhà tôi luôn có rất nhiều sách, truyện cho các bé tự đọc, khám phá, tìm hiểu.

Đối với các nhà trường, việc hình thành các tủ sách lớp học, thư viện nhà trường với nhiều chủng loại sách phong phú là điều kiện đầu tiên và thuận lợi để học sinh tiếp cận với sách, từ đó mới tìm hiểu và yêu thích sách. Đặc biệt, giáo viên có ảnh hưởng lớn đối với việc hình thành văn hóa đọc cho trẻ. 

Cô giáo Trần Thanh Xuân, giáo viên Trường Mầm non Tam Quang (Vũ Thư) cho biết: Bản chất của trẻ luôn thích tìm hiểu, khám phá, trong sách có rất nhiều điều thú vị từ hình thức đến nội dung để trẻ thỏa mãn sở thích này. Điều quan trọng là chúng ta quan tâm, khuyến khích trẻ khám phá sở thích này của bản thân. Đối với đối tượng học sinh còn nhỏ tuổi, tôi có cách đọc sách, giới thiệu sách linh động hơn như thông qua hình ảnh, các giờ ngoại khóa, các em rất hào hứng... 

Để học sinh yêu thích đọc sách, cô giáo Phạm Thị Huế, giáo viên Trường THCS Việt Hùng (Vũ Thư) lại có cách làm khác, đó là tổ chức các giờ ngoại khóa kể chuyện sách, khuyến khích các em sáng tác truyện, thơ, tổ chức đố vui, tìm hiểu kiến thức thông qua đọc sách...

Tại các vùng nông thôn, điều kiện cơ sở vật chất, số lượng sách hạn chế khiến trẻ ít có cơ hội tiếp xúc với sách, từ đó ít đọc sách. Với nỗ lực nâng cao văn hóa đọc cho người dân, nhất là giới trẻ, ngoài Thư viện huyện, trên địa bàn huyện Vũ Thư hiện đã có 3 xã Song An, Nguyên Xá, Đồng Thanh hình thành thư viện xã, bước đầu thu hút khá đông độc giả nhí đến đọc sách. Ngoài ra, thị trấn Vũ Thư có phòng đọc sách và tủ sách dành cho mọi lứa tuổi; một số nhà thờ, dòng họ trên địa bàn huyện đã xây dựng các tủ sách khá phong phú, tạo thuận lợi cho con em tiếp cận và yêu thích sách.

Định hướng sớm và kiên trì của các bậc phụ huynh cùng với sự vào cuộc đồng bộ của nhà trường và xã hội là những yếu tố quan trọng giúp trẻ hình thành thói quen, yêu thích đọc sách. Sách không chỉ bổ sung lượng kiến thức khổng lồ mà còn có vai trò lớn trong giáo dục nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn cho mỗi đứa trẻ.


Ông Bùi Văn Thương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Vũ Thư

Dù điều kiện khó khăn nhưng hàng năm huyện luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức hội thi kể chuyện sách, giao lưu văn hóa đọc nhằm tuyên truyền, vận động người dân, nhất là trẻ em tăng cường đọc sách. Huyện trích kinh phí và tích cực xã hội hóa bổ sung lượng sách cho Thư viện huyện và từng bước phát triển mạng lưới thư viện xã, tủ sách lớp học, nhất là tại các xã xa trung tâm, tạo điều kiện để người dân nói chung, trẻ em nói riêng tiếp cận gần hơn với sách.


Cô giáo Bùi Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Vũ Tiến (Vũ Thư)

Muốn giúp các em yêu sách, trước hết phải có sách, phong phú và hấp dẫn để các em đọc. Vì vậy, Trường là 1 trong số các trường đầu tiên của huyện Vũ Thư mạnh dạn vận động nguồn lực xã hội hóa xây dựng 18 tủ sách lớp học với kinh phí ban đầu trên 30 triệu đồng. Các tủ sách của Trường hiện có khoảng 2.500 cuốn sách, báo, tạp chí. Học sinh rất hào hứng tham gia, đọc sách hiện trở thành thói quen của các em trong giờ giải lao.


Em Nông Thị Luyến, lớp 6A, Trường THCS Minh Quang (Vũ Thư)

Em thích đọc các cuốn sách tìm hiểu khoa học, truyện giải trí nhưng bố mẹ em rất hiếm khi mua sách cho em. Em thường mượn sách của bạn để đọc, nhưng các bạn có ít sách, truyện nên em cũng ít được đọc. Em mong sẽ có nhiều sách mà em yêu thích để thoải mái đọc hàng ngày.

Quỳnh Lưu