Thứ 2, 25/11/2024, 17:44[GMT+7]

Tuyển sinh vào lớp 10 THPT: Sức ép thật hay ảo? (Kỳ 2)

Thứ 4, 23/05/2018 | 08:45:37
1,523 lượt xem
Theo nhận xét của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay mặc dù diễn ra sớm hơn một tháng so với năm ngoái nhưng giáo viên, học sinh đều rất đồng tình với thời gian tổ chức thi. Còn theo số liệu phân tích từ các phòng giáo dục thì số học sinh lớp 9 năm học 2017 - 2018 có tăng nhưng không đến mức tăng đột biến và sức ép chủ yếu chỉ diễn ra ở thành phố Thái Bình.

Học sinh trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy).

Chủ động ôn tập sớm, giảm sức ép mùa thi

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, sở dĩ Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm nay sớm hơn so với năm 2017 là để phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia 2018, đồng thời rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm ngoái tổ chức vào ngày 8/7 đã kéo dài thời gian ôn tập gây mệt mỏi cho giáo viên và học sinh. Việc tổ chức kỳ thi vào ngày 8/6 cũng đồng bộ với thời gian thi của các tỉnh, thành phố khác. Bên cạnh đó, việc tổ chức thi sớm còn để cho học sinh sau một kỳ thi chuyển cấp có nhiều thời gian nghỉ ngơi, sẵn sàng cho chặng đường học tập mới. Về việc ôn tập, theo kế hoạch năm học đã được Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, việc ôn luyện kiến thức cho học sinh đã được lồng ghép trong suốt quá trình học theo hình thức học đến đâu chắc đến đấy, học đến đâu, ôn luyện, đánh giá đến đấy chứ không phải học hết chương trình mới ôn luyện nên điều này không gây khó khăn cho việc dạy của giáo viên và ôn tập của học sinh. Hơn nữa, đề thi hoàn toàn nằm trong chương trình sách giáo khoa lớp 9, việc ra đề sẽ phù hợp với kiến thức đã học trên lớp theo 4 mức nhận biết, hiểu, vận dụng, vận dụng nâng cao, không đánh đố học sinh nên sẽ không khó đối với các em có kiến thức chắc, chủ động ôn tập. Đối với môn thi thứ ba của kỳ thi năm nay là môn Vật lý, đây là môn thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài chỉ có 60 phút nhân hệ số 1, trong khi hai môn Toán, Ngữ văn theo hình thức tự luận, nhân hệ số 2 nên học sinh cũng không phải quá lo lắng về môn thi thứ ba này.

Qua trao đổi và tìm hiểu tại một số phòng giáo dục và đào tạo, trường học cho thấy các phòng giáo dục và đào tạo trong tỉnh đều có chỉ đạo và các trường THCS trong tỉnh đều chủ động ôn luyện kiến thức cho học sinh ngay từ đầu năm học, lồng ghép giữa học với ôn tập ngay từ đầu năm nên mặc dù thi trước 1 tháng so với năm ngoái song hầu hết giáo viên và học sinh đều không bất ngờ, thậm chí còn đồng tình cao với phương án thi sớm như năm nay. Tuy nhiên, khó khăn diễn ra ở hầu hết các huyện, thành phố đó là việc thiếu giáo viên bộ môn Vật lý. Vì vậy, các cụm trường phải tăng cường phối hợp chuyên môn trong việc bố trí, sắp xếp thời gian, mượn giáo viên môn Vật lý trường khác để bảo đảm ôn tập cho học sinh đạt kết quả cao.

Học sinh lớp 9 tăng, nhưng ở mức vừa

Trái ngược với sự lo lắng của học sinh và phụ huynh trên địa bàn thành phố Thái Bình trước thông tin học sinh lớp 9 tăng đột biến lại là tâm trạng khá thoải mái của đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh tại các huyện bởi theo số liệu của các phòng giáo dục và đào tạo, số lượng học sinh lớp 9 có tăng nhưng chỉ tăng ở mức vừa. 

Theo số liệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, năm học 2017 - 2018, số học sinh lớp 9 trên địa bàn gần 2.800 em, tăng khoảng 500 học sinh so với năm học 2016 - 2017. Tại Thái Thụy là huyện có số xã, thị trấn cao nhất tỉnh, số học sinh năm học 2017 - 2018 là 3.511 tăng 400 học sinh so với năm trước. Tại Quỳnh Phụ, con số này là 3.201, tăng 300 học sinh; tại Tiền Hải là 3.097, tăng 330 học sinh; tại Vũ Thư là 3.035, tăng 130 học sinh... Như vậy, chỉ ở thành phố, số học sinh lớp 9 mới tăng cao. 

Theo lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo, việc tăng học sinh không chỉ diễn ra đối với năm học này mà ở một số năm trước đây cũng có tình trạng học sinh tăng như vậy là do tâm lý của người Việt Nam muốn chọn một số năm được coi là tốt để sinh con.

Cũng qua số liệu phân tích từ Sở Giáo dục và Đào tạo và một số phòng giáo dục và đào tạo cho thấy tỷ lệ học sinh lớp 9 dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT hàng năm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 80%. Gần đây nhất, như kỳ thi tuyển sinh năm ngoái, toàn tỉnh có hơn 22.000 học sinh lớp 9 năm học 2016 - 2017 song chỉ có gần 18.300 học sinh đăng ký thi lớp 10 THPT năm học 2017 - 2018, đến ngày thi chỉ có 18.063 em dự thi, đạt hơn 82% so với tổng số học sinh lớp 9. Tại thành phố Thái Bình, số học sinh lớp 9 năm học 2016 - 2017 là 2.292 em, số tốt nghiệp là 2.290 em, có 1.983 em dự thi tuyển sinh lớp 10 THPT, đạt hơn 86%. Tại Thái Thụy, số học sinh lớp 9 năm học 2016 - 2017 là 3.112 em, số tốt nghiệp là 3.061 em, số dự thi lớp 10 THPT năm học 2017 - 2018 là 2.422 em, đạt gần 78% tổng số học sinh năm đó. 

Như vậy, theo phân tích của các nhà quản lý giáo dục, nếu lấy tổng số học sinh lớp 9 trừ đi số chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 THPT và nhận định số học sinh dư ra là số lượng học sinh không có cơ hội vào trường THPT công lập là chưa thực sự chuẩn xác, hơn hết còn làm gia tăng tâm lý lo lắng, sức ép cho học sinh và phụ huynh. Bởi trên thực tế, trước khi dự thi vào các trường THPT đã có khoảng 20% số học sinh tốt nghiệp THCS đã tự tìm cho mình hướng đi khác thay vì tiếp tục thi THPT là học nghề và đi làm. Như vậy, số dư ra phải là số không đỗ/số dự thi chứ không phải là số chỉ tiêu tuyển sinh/số học sinh. Nếu hiểu đúng về con số này, sẽ giảm bớt gánh nặng tâm lý cho học sinh trong quá trình ôn tập và thi cử.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Hà

Tại Hưng Hà, số lượng học sinh lớp 9 tăng không cao như một số huyện khác nên học sinh, giáo viên ít chịu sức ép vì điều này. Đối với việc ôn tập, thực hiện đúng chỉ đạo về kế hoạch năm học của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã có kế hoạch cụ thể chỉ đạo chuyên môn các trường THCS trên địa bàn. Các trường đều thực hiện nghiêm túc kế hoạch năm học, trong chương trình học, học đến đâu ôn luyện, đánh giá kiến thức học sinh đến đó nên nhìn chung so với mọi năm kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hưng Hà không có nhiều thay đổi, đặc biệt là ít chịu sức ép vì tăng số lượng học sinh lớp 9.
Thầy giáo Phan Văn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Lãng (Vũ Thư)

Năm học 2017 - 2018, Trường THCS Minh Lãng có 140 học sinh lớp 9, trong đó 123 em đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động phân công đội ngũ giáo viên có chuyên môn giỏi giảng dạy lớp 9, xây dựng kế hoạch giảng dạy và bảo đảm chất lượng trong suốt năm học. Năm nay, thời gian ôn tập ngắn hơn, vì vậy, ngay sau đợt kiểm tra chất lượng cuối năm, nhà trường bắt đầu tổ chức ôn tập ba môn Ngữ văn, Toán, Vật lý với thời gian 2 buổi/ngày.


Cô giáo Dương Thị Nguyệt, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy)

Năm nay, Trường THCS Thụy Liên có 101 học sinh lớp 9, trong đó có 81 em đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Từ nhiều năm nay, nhà trường thực hiện tốt công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp đồng thời chủ động với công tác ôn tập nên giáo viên, học sinh không bị áp lực nhiều trước kỳ thi. Năm nay, số lượng học sinh lớp 9 có tăng song ở Thái Thụy cũng ở mức vừa, mặc dù vậy chúng tôi vẫn quan tâm tư vấn cho các em lựa chọn đăng ký dự thi tại các trường có điểm chuẩn đầu vào phù hợp với sức học để tăng cơ hội đỗ vào lớp 10 THPT.


(còn nữa)

Trần Hương - Đặng Anh