Thứ 7, 18/05/2024, 18:29[GMT+7]

Biến ruộng hoang thành vùng dược liệu

Thứ 2, 14/12/2020 | 10:25:10
11,978 lượt xem
29 tuổi, chị làm mẹ đơn thân, bỏ lại công việc ổn định chốn thành đô về gây dựng sự nghiệp tại quê nhà; năm nay 32 tuổi, chị đạt giải khuyến khích cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức - chị là Bùi Thị Duyên, thôn 2 An Định, xã Thụy Văn (Thái Thụy).

Biến ruộng hoang thành vùng dược liệu hữu cơ

Chị Duyên kể: Ban đầu tôi trồng các loại dược liệu hữu cơ để cho con và các thành viên trong gia đình dùng. Tôi đăng các loại lá khô tắm cho bé lên facebook, rất nhiều người ủng hộ. Dần dần, nó thành sản phẩm thương mại. Và “lá xông tắm cho mẹ và bé” là sản phẩm đầu tiên của tôi. Vì đã từng có thời gian làm việc ở nước ngoài, từng có spa làm đẹp ở Thành phố Hồ Chí Minh tôi thấy dược liệu của các nước khi xuất khẩu có giá trị rất cao. Trong khi đó nông sản, dược liệu của Việt Nam rất tốt thì bà con chưa biết cách sản xuất mà ruộng bỏ hoang thì nhiều. Cho nên, tôi càng xác định trồng cây dược liệu và phát triển những sản phẩm dược liệu hữu cơ là một mô hình phù hợp.

Chị Duyên cùng một số thanh niên bỏ phố về làng thành lập dự án mô hình giải pháp hệ sinh thái Got-a-farm. Năm 2018, chị bắt đầu trồng dược liệu trong vườn nhà mình và vườn của một số hộ trong thôn. Năm 2019, chị cùng với những cộng sự thuê lại những mảnh ruộng bỏ hoang nhiều năm, thành lập tổ hợp tác (THT) Gồ Trại và vận động bà con nông dân cải tạo đất, phủ xanh ruộng hoang bằng cánh đồng dược liệu được canh tác theo hướng hữu cơ. 

Chị Duyên cho biết: Cây dược liệu được trồng theo phương pháp hữu cơ, áp dụng nhiều kỹ thuật xử lý vi sinh để cải tạo và bổ sung dinh dưỡng cho đất. Thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt cỏ, trừ sâu, chúng tôi làm cỏ bằng phương pháp thủ công, coi cỏ là tài nguyên bởi khả năng che phủ, giữ đất không bị thoái hóa bạc màu. Chúng tôi không dùng phân bón hóa học mà bổ sung phân chuồng ủ hoai hoặc ủ cỏ, rơm rạ với men vi sinh, tạo ra chất mùn hữu cơ cho đất.

Chị Duyên cùng các cộng sự chăm sóc vườn dược liệu.

“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai…”, chị Duyên nhắc lại lời bài hát “Đường đến ngày vinh quang” khi chia sẻ về những khó khăn của mình khi khởi nghiệp tại quê nhà. Chị kể: Con thơ dại, bố mẹ không ủng hộ, cho rằng đã ăn học đến nơi đến chốn, đi làm ở trong Nam, ngoài Bắc, nước ngoài cũng có, giờ về quê làm nông, mà lại là nông dược hữu cơ. Có ai đã làm đâu, không thể hỗ trợ, tương lai xa xôi lắm! Bố mẹ lo cũng đúng thôi. Tôi và các cộng sự không có kiến thức, kinh nghiệm nông dược, bạc hà lại là cây trồng mới mà chúng tôi lại chọn hình thức canh tác hữu cơ, cũng không ai học sản xuất. Trồng rồi mà có thời điểm không được thu vì sâu bệnh. Rồi khi thành sản phẩm mà bán được tới tay người tiêu dùng lại là câu chuyện khác. Thất bại thì không phải nhưng khó khăn thì chồng chất, nhiều lúc công việc quá tải. Nhưng đã quyết rồi, tôi gửi con cho bố mẹ, lên Hà Nội học ở các mô hình nông dược, công ty chế biến, rồi học từ các thầy ở Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ…

Sau gần 3 năm, hệ sinh thái Got-a-farm đã thu hút 5 vườn thành viên tham gia với khoảng 1,5ha, trong đó 50% diện tích để trồng cây bạc hà. Cây bạc hà cho năng suất cao, các thành viên có thể tận dụng lá để làm bột bạc hà, mật ong bạc hà; thân, lá làm lá thơm xông tắm, mỹ phẩm; rễ bán làm giống. 

Bà Bùi Thị Thủy, thôn Hạc Ngang, xã Dương Phúc (Thái Thụy) cho biết: Tôi làm công cho THT Gồ Trại từ những ngày đầu. Ruộng hoang, cỏ ngập đến đầu người. Tôi là nông dân cũng thấy nản, vậy mà cháu Duyên lại có quyết tâm, nghị lực bám ruộng hoang, cải tạo chúng thành khu dược liệu an toàn. Chúng tôi khâm phục lắm. Mọi công đoạn trong sản xuất dược liệu an toàn đều được các cháu hướng dẫn tỉ mỉ, chúng tôi cũng khá bất ngờ, giờ lại thấy quen rồi.

Bằng uy tín, chất lượng, nguyên liệu tươi và các sản phẩm của THT như: bột bạc hà, lá thơm xông tắm, mỹ phẩm thảo dược… được nhiều doanh nghiệp, cơ sở bào chế, người tiêu dùng tìm đến. Mỗi “bước đi” của các sản phẩm đều được chị Duyên và các thành viên tính toán kỹ lưỡng để hạn chế tối đa rác thải ra môi trường, không sử dụng nilon, tận dụng các vật liệu an toàn như giấy, lọ thủy tinh… Đến nay, THT đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng để sản xuất dược liệu hữu cơ, doanh thu trung bình từ 80 - 110 triệu đồng/tháng, giúp các thành viên nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho 10 lao động. 

Bà Trần Thị Sửu, thôn 2 An Định, xã Thụy Văn (Thái Thụy) cho biết: Trước kia tôi vẫn dùng phân hóa học để bón rau, còn các cây lâu năm thì ủ cỏ và rác hữu cơ vào gốc. Sau khi cháu Duyên vận động trồng cây theo phương pháp hữu cơ, tôi không còn bón phân hóa học nữa. Tôi cũng trồng dược liệu hữu cơ để cung cấp cho cháu Duyên chế biến.

Một trong những vườn dược liệu của tổ hợp tác Gồ Trại.

Khát vọng vươn xa

Chị Duyên cho biết thêm: Vùng sản xuất dược liệu của chúng tôi nằm trong vùng đất trũng, hệ thống tưới, tiêu hạn chế. Do đó, chỉ cần gặp đợt mưa kéo dài mấy hôm, hai máy bơm chạy hết công suất nhưng thoát nước không kịp, gần 1 tấn bạc hà giống bị ngập úng, thối rễ. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp đề xuất những đơn hàng lớn nhưng THT chưa tự tin tiếp nhận đơn hàng. 

Theo anh Đào Hữu Nghị, thành viên THT, do diện tích trồng vẫn còn nhỏ lẻ, vùng nguyên liệu xa khu dân cư, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, hệ thống tưới, tiêu chưa ổn định, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng dược liệu. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn thô sơ, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng hóa. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hỗ trợ về quỹ đất để phát triển, mở rộng sản xuất, tạo điều kiện để chúng tôi nâng THT lên thành hợp tác xã để việc vận hành được hiệu quả hơn và các sản phẩm có đủ cơ sở pháp lý đưa vào thị trường lớn. 

Chị Đinh Thị Hoàn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, Tỉnh đoàn luôn hỗ trợ mọi phương diện cho những ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng và hiệu quả. Dự án của Duyên được đánh giá rất cao về ý nghĩa và tiềm năng phát triển. Chúng tôi đang kêu gọi đầu tư thêm cả về vốn, kỹ thuật, truyền thông, quảng cáo… để giúp Duyên mở rộng mô hình sản xuất.

Công nghệ chế biến còn đơn giản nên tổ hợp tác Gồ Trại mong được quan tâm, tạo điều kiện đầu tư để phát triển.

Làm mẹ đơn thân, quay lại quê nhà khởi nghiệp không tránh khỏi những khó khăn, thách thức, vất vả. Đó là cả chục ngày xa con ròng rã, không có nhiều thời gian chăm sóc con, là sự lo âu, chưa tin tưởng của người thân, là những khi một mình gánh vác, xoay sở mọi công việc. Nhưng Bùi Thị Duyên đã vượt qua tất cả, tự tin khởi nghiệp hướng đến mục tiêu kiến tạo những khu vườn sinh thái tự nhiên bằng cách hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững từ nông dược cho người dân, để mỗi miền quê đều trở thành nơi đáng sống. Thời gian tới, chị và cộng sự tiếp tục hỗ trợ kiến tạo các khu vườn sinh thái tự nhiên, từng bước đưa sản phẩm nông dược Việt Nam tới thị trường các nước châu Á.

Xuân Phương