Thứ 3, 13/08/2024, 06:37[GMT+7]

CẤY CÁCH HÀNG Giải pháp chống bệnh khô vằn cho lúa

Thứ 6, 31/08/2012 | 10:00:06
2,007 lượt xem
Cấy lúa cách hàng và bón phân vi sinh là một trong những giải pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa mà không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa, nhưng lại giúp tăng  năng suất lúa. Ðây là công trình nghiên cứu, ứng dụng do cán bộ của Trung tâm Khảo nghiệm, khuyến nông, khuyến ngư Thái Bình đã được kiểm nghiệm thực tế ở nhiều địa bàn trong tỉnh

Ông Chu Anh Ðạm với thửa ruộng cấy cách hàng

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình, mấy năm gần đây, năng suất lúa trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Vụ chiêm xuân 2012, năng suất lúa đạt trên 70 tạ/ha. Tuy nhiên, sâu bệnh hại lúa vẫn là điều lo ngại của bà con nông dân. Câu hỏi, làm thế nào để giảm tối thiểu sâu bệnh hại lúa mà năng suất lúa vẫn không hề suy giảm đã được các cán bộ nghiên cứu ở Trung tâm Khảo nghiệm, khuyến nông, khuyến ngư Thái Bình trăn trở tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Cấy lúa cách hàng và bón phân vi sinh là một trong những giải pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa mà không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa, nhưng lại giúp tăng  năng suất lúa. Ðây là công trình nghiên cứu, ứng dụng do cán bộ của Trung tâm Khảo nghiệm, khuyến nông, khuyến ngư Thái Bình đã được kiểm nghiệm thực tế ở nhiều địa bàn trong tỉnh, có thôn Thượng Cầm, xã Vũ Lạc (Tp Thái Bình). Ông Chu Anh Ðạm, Trưởng thôn Thượng Cầm rất hào hứng khi nói về kết quả thực nghiệm đó. Hiện tại, thôn có 153 mẫu lúa, trong đó phương pháp cấy cách hàng chiếm cơ bản, được bà con nông dân trong thôn áp dụng ba vụ gần đây. Kết quả, đồng ruộng không xuất hiện bệnh khô vằn. Nhiều loại bệnh hại lúa khác mà tiêu biểu là đạo ôn cũng giảm hẳn. Từ thực tế, ông Ðạm rút ra được bài học kinh nghiệm là: phương pháp cấy lúa cách hàng trước hết làm cho khóm lúa phát triển mạnh, bông lúa to, hạt mẩy, giảm chi phí cho nông dân về thuốc trị bệnh cho lúa. Kỹ sư Ðoàn Thị Kim Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, khuyến nông, khuyến ngư Thái Bình cho biết: Khi quan sát những cây mạ rìa luống, chúng tôi nhận thấy chúng có màu xanh đậm hơn, lá to, dày, thân mập mạp. Khi khóm mạ phát triển thành cây lúa trưởng thành và trổ bông, những cây ngoài rìa cho bông to, hạt mẩy. Từ quan sát trên, chúng tôi đem trồng thử nghiệm và rút ra kết luận, cây lúa cần rất nhiều ánh sáng để quang hợp và bộ rễ vươn xa có thể hút được nhiều dinh dưỡng hơn. Ý tưởng, cấy cách hàng nhằm tạo điều kiện để cây lúa có thể quang hợp được nhiều ánh sáng mặt trời, đồng thời bộ rễ phát triển tốt lại tránh được bệnh khô vằn, vốn dĩ do thiếu ánh sáng và thiếu dinh dưỡng nuôi cây gây lên đã được các cán bộ của Trung tâm tiến hành nghiên cứu và khảo nghiệm trên nhiều chất đất, nhiều địa bàn khác nhau trong tỉnh. Cấy cách hàng và bón phân vi sinh là hướng đi cho nền sản xuất nông nghiệp sạch. Nền đất cấy lúa được cải thiện, bởi vì chủng vi sinh do bón phân vi sinh sẽ làm mục nát, phân hủy nhanh các loại hữu cơ trên nền ruộng, tạo độ tơi, xốp, giúp cho bộ rễ cây lúa sinh trưởng mạnh. Phương pháp này muốn đạt hiệu quả cao đòi hỏi phải cấy theo chiều đông tây, cứ 3-4 hàng cấy bình thường, sẽ có một hàng cấy cách. Như vậy, độ chiếu sáng của ánh nắng mặt trời sẽ liên tục cho tất cả các khóm lúa. Nhược điểm của phương pháp này là nhân lực dành cho cấy lúa cũng đòi hỏi nhiều công hơn.

Bài, ảnh: LÊ QUANG VIỆN

  • Từ khóa