Thứ 4, 02/10/2024, 16:05[GMT+7]

TSC - thương hiệu mạnh trong lĩnh vực giống cây trồng Việt Nam

Thứ 5, 04/10/2012 | 10:14:23
2,360 lượt xem
Nói đến Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (TSC) hẳn không còn xa lạ gì đối với nông dân trong tỉnh và cả nước, bởi trên mỗi thửa ruộng sau những vụ bội thu đều có sự đóng góp không nhỏ của TSC. Trong suốt hành trình hơn 40 năm qua, TSC không ngừng đầu tư về nhân lực, máy móc hiện đại để nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm và sản xuất hạt giống có năng suất, chất lượng đáp ứng được sự mong mỏi của người nông dân.

Đồng chí Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT thăm giống lúa mới ĐH18 của TSC.

Chính vì vậy, tất cả các cuộc kiểm tra về giống hàng năm của đoàn kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến tỉnh, huyện, TSC được đánh giá ít vi phạm nhất trong tất cả các đơn vị sản xuất cung ứng giống, trở thành một trong những thương hiệu mạnh hàng đầu của lĩnh vực giống cây trồng Việt Nam.

Trước những yêu cầu ngày càng cao trong sản xuất, cũng như tiêu thụ lúa gạo ở Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng, đòi hỏi TSC tập trung vào nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm các giống cây trồng mới để đáp ứng thực tiễn hiện nay. Do đó việc đầu tư nhân lực, máy móc là điều kiện tất yếu đối với TSC nhằm tạo ra thương hiệu mạnh để khẳng định mình trước cơ chế thị trường. Hiện TSC có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư lành nghề được đào tạo ở trong và ngoài nước, giầu kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, chọn tạo và tổ chức sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.

Bên cạnh đó, TSC còn là Tổng công ty duy nhất có trung tâm nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm và sản xuất hạt giống hiện đại nhất Việt Nam; trong đó có Nhà máy chế biến hạt giống chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến của châu Âu với công suất 10 nghìn tấn/ năm, đồng thời có phòng thử nghiệm quốc gia mang mã số Vilas 110; TSC đã duy trì thực hiện 2 hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 và ISO/IEC 17025 - 2005, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Với chiến lược đầu tư có tầm nhìn sâu rộng và thực hiện nghiệm ngặt, khắt khe trong quá trình nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm, sản xuất giống nên tất cả sản phẩm của TSC đưa ra thị trường đều được đánh giá có chất lượng tốt, tỷ lệ nảy mầm cao, độ sạch, độ đúng giống cao. Nói đi đôi với làm là bí quyết để TSC chiếm được niềm tin của bà con nông dân với sản phẩm của mình trong suốt quá trình xây dựng và phát triển. Cụ thể, nhiều giống mới của TSC đã được đưa vào sản xuất chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giống, không chỉ ở trong tỉnh mà cả ở tỉnh ngoài, như BC15, TBR1, TBR45, TBR36…

Điển hình như giống BC15 được công nhận giống quốc gia năm 2008; giống này có 2 đặc tính ưu việt nhất trong tập đoàn giống lúa thuần Việt Nam: Năng suất đạt 8 -11 tấn/ha/ vụ và chất lượng gạo ngon, cơm dẻo đậm, được người tiêu dùng ưa chuộng; BC15 thích ứng rất rộng trên các vùng đất khác nhau. Hay như giống TBR45 là giống thuần do TSC chọn tạo được Bộ Nông nghiệp &PTNT công nhận giống quốc gia năm 2011; giống này có thời gian sinh trưởng 120 -130 ngày ở vụ xuân, vụ mùa sinh trưởng 100 - 105 ngày, cây cứng, chống đổ tốt, trỗ bông tập trung, nhiều hạt, cơm mềm dẻo ngon; năng suất trung bình đạt 65 – 75 tạ/ha, thâm canh tốt đạt 80 – 85 tạ/ha; chịu rét, phèn, mặn tốt…

Ngoài những giống đang được nông dân sản xuất đại trà ở khắp vùng, miền trong cả nước, hàng năm TSC còn khảo nghiệm hàng chục giống lúa mới có tiềm năng để bổ sung vào bộ giống của mình nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa hàng hóa hiện nay. Trong nhiều lần đi thăm quan các mô hình của TSC, một trong những giống mà ông Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc TSC khá tâm đắc với kết quả khảo nghiệm đó là ĐH18 vì không chỉ có những ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng như bông to dài, nhiều hạt, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh, năng suất thâm canh tốt có thể đạt 90 - 100 tạ/ ha/ vụ, mà đây là giống được đồng chí nguyễn Hạnh Phúc, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy đặt tên, mang ý nghĩa của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Ngay ở vụ mùa năm 2012, TSC đã gửi đi khảo nghiệm các giống lúa mới ở 65 điểm trên cả nước và tổ chức 34 hội nghị đầu bờ được dự luận đánh giá cao. Ngoài ra, để thương hiệu giống lúa Thái Bình ngày càng thêm vươn xa, TSC đã đưa giống mới và tổ chức hội nghị đánh giá ở một số tỉnh trọng điểm mà trước đây chưa làm được, như Nghệ An, Hà Nội, Bắc Kạn…

Hiện nay, TSC có 5 công ty, 2 chi nhánh và phòng kinh doanh phụ trách thị trường sản phẩm trọng điểm ở 3 vùng miền, gồm Bắc Bộ,  Trung Bộ, Tây Nguyên, một phần thị trường miền Nam. Đồng thời xây dựng gần 600 đầu mối phân phối sản phẩm để cung ứng giống cho các địa phương sản xuất. Doanh số bán hàng cũng đã thể hiện rõ sự tin tưởng của các địa phương đối với TSC, riêng trong 6 năm 2012 đã bán ra 9.440 tấn; trong đó giống bản quyền chiếm tới 84%...

Để có được thương hiệu TSC như ngày nay, có lẽ việc mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế là một trong những bí quyết thành công của Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. TSC có quan hệ với 20 công ty nước ngoài và Trường đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên (Trung Quốc); hợp tác với các viện nghiên cứu của ngành nông nghiệp trong cả nước và các công ty, trung tâm giống cây trồng ở Việt Nam để trao đổi thông tin, liên kết trong nghiên cứu tạo giống cây trồng. Đến nay, TSC có quyền tự hào về những thành quả đã đạt được cho sự đóng góp vào nền nông nghiệp tỉnh nhà, cũng như của cả nước. Với tham vọng đứng đầu lĩnh vực sản xuất giống Việt Nam, TSC đang tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, chế biến hạt giống ở tầm cao mới để đạt được mục tiêu đề ra.

                                                  Nguyên Bình

  • Từ khóa