Thứ 7, 27/07/2024, 06:13[GMT+7]

Biến đổi khí hậu - Tác nhân gây mất đất nông nghiệp

Thứ 4, 07/11/2012 | 08:37:22
2,161 lượt xem
Thái Bình "nằm" trong diễn biến của vùng biến đổi khí hậu. Theo tài liệu: "Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 - 2015" của UBND tỉnh Thái Bình; "Biến đổi khí hậu và sinh kế ven biển" NXB Giao thông vận tải 2012 và "Thái Bình ứng phó với biến đổi khí hậu" của Tạp chí Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình…để ứng phó và thích ứng với các biểu hiện thời tiết cực đoan cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu, Thái Bình cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các

Lượng mưa lớn, ngày mưa lớn có xu hướng tăng trên địa bàn tỉnh Thái Bình gây ngập úng cục bộ.

Là tỉnh có 52 km bờ biển, dân số gần hai triệu người, mật độ dân số đông, trên 90% làm nông nghiệp, do vậy, các ảnh hưởng cực đoan do biến đổi khí hậu có nguy cơ de doạ trực tiếp đời sống người dân và môi trường. Theo số liệu thống kê của Cục thống kê Thái Bình (Niên giám Thống kê Thái Bình 2011), hàng năm, diện tích lúa vụ xuân của tỉnh bị hạn khoảng 10.000 - 12.000 ha, liên tục từ năm 2004 - 2011, mực nước sông Hồng xuống rất thấp, gây khó khăn cho công việc đổ ải. Mấy năm gần đây, diễn biến mặn ở các cửa sông trên địa bàn tỉnh Thái Bình khá phức tạp. Đáng chú ý vào khoảng thời gian từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, lưu lượng nước sông ở mức thấp, thuỷ triều ảnh hưởng sâu vào đất liền, mực nước và độ mặn biến đổi từng ngày, từng giờ trong một "con nước" và phụ thuộc vào các yếu tố thuỷ văn và hải văn…

Theo thống kê, độ mặn trên một phần nghìn, sâu vào các cửa sông từ 15 - 20 km, đặc biệt vụ xuân 2010, nước mặn đã xâm nhập sâu đến cống Vũ Đoài, cách cửa biển 35 km. Mực nước biển tăng khoảng 2,9mm/năm, đây là số liệu đo đạc từ vệ tinh từ năm 1993-2010. Cũng do biến đổi khí hậu vùng ven biển, lượng mưa của Thái Bình cũng diễn biến thất thường hơn các tỉnh lân cận. Ví dụ: thời điểm tháng 7/1980, lượng mưa 400 - 588 mm, diện tích lúa ngập úng 35.897 ha, trong đó mất trắng 15.190ha; đến 7/2003, lượng mưa 850 - 1.078 mm, diện tích lúa ngập úng 57.000 ha, trong đó mất trắng 27.676 ha. Tháng 11/2008, lượng mưa 300 - 400 mm, ngập úng 32.028 ha cây vụ đông, 15.000 ha mất trắng.

Vẫn theo số liệu thống kê, lượng mưa 50 năm qua ở Thái Bình giảm 9%, lượng mưa mùa khô có xu hướng tăng, số ngày mưa lớn cũng tăng lên. Cùng với nạn xâm mặn và ngập úng, biến đổi khí hậu ở Thái Bình cũng thể hiện khá rõ ở nền nhiệt. Giai đoạn 1960 - 2010, nhiệt độ trung bình năm tăng 0,4 độ C, nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn mùa hè; nhiệt độ trung bình ở các thập kỷ 60; 70; 80 của Thế kỷ XX và những năm 2000 tăng khoảng 0,1 độ C cho mỗi thập kỷ. Bão và áp thấp nhiệt đới tăng giảm thất thường. Giai đoạn 1996 - 2004, số lượng các cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Thái Bình có xu hướng giảm dần, nhưng lại có dấu hiệu tăng trở lại giai đoạn 2004 - 2010. Bên cạnh đó, số đợt không khí lạnh ảnh hưởng tới Thái Bình trung bình hàng năm khoảng 28 đợt.

Biến đổi khí hậu gây nhiều hậu quả đến đời sống dân sinh, điều dễ nhận thấy đối với tỉnh nông nghiệp như Thái Bình là tình trạng mất đất nông nghiệp. Khi nước biển dâng cao, tình trạng xâm thực của nước mặn cộng với bão, lũ, ngập úng đã khiến nhiều vùng đất canh tác màu mỡ bị mất. Đáng chú ý là các xã thuộc hai huyện Tiền Hải và Thái Thuỵ bị tác động mạnh nhất do hiện tượng nước biển dâng, thuỷ triều dâng và nguy hại nghiêm trọng khi có bão cộng với nước biển dâng, như cơn bão số 8 vừa qua.

Căn cứ vào tài liệu "Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của Thái Bình giai đoạn 2011 - 2015"; "Biến đổi khí hậu và sinh kế ven biển" NXB Giao thông vận tải 2012; "Thái Bình ứng phó với biến đổi khí hậu" của Tạp chí Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình 2012, đều có chung nhận định: nếu mực nước biển dâng cao 30cm thì 1/3 diện tích đất nông nghiệp của Thái Bình bị ngập và khi nước biển dâng 60 cm - 100 cm thì Thái Bình không còn diện tích đất nông nghiệp để canh tác…

Lê Quang Viện

(Tổng hợp)

  • Từ khóa