Nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
Mô hình của nông dân Phạm Tiến Chùm sử dụng phân bón ủ hoai mục để bón cho cây trồng.
Ông Phạm Tiến Chùm, thôn Đoài, xã Thụy Ninh (Thái Thụy) là điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương. Với 7 sào, ông trồng 20 gốc ổi, 40 gốc mít, na thái và đào ao nuôi cá truyền thống. Điều đặc biệt với mô hình sản xuất của gia đình ông Chùm là không sử dụng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học nào. Ông tận dụng nguồn chất thải hữu cơ từ rác thải sinh hoạt hàng ngày của gia đình đem ủ cùng với lá cây khô, thân cây chuối, hoa quả không đạt chất lượng trộn với chế phẩm vi sinh để hoai mục rồi bón cho cây trồng. Phương pháp này giúp các loại rác thải hữu cơ hoai mục nhanh hơn so với cách ủ phân bón truyền thống lại đầu tư ít vốn và không phải dùng nhiều sức để trộn nên rất phù hợp với quy mô sản xuất gia đình, hạn chế ô nhiễm môi trường. Sau một tháng rưỡi, phân sẽ hoai mục, ông đóng thành từng bao 30kg và đặt dưới từng gốc cây, chất dinh dưỡng từ phân sẽ thấm dần vào đất, giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Chính việc xây dựng bể chứa và dùng chế phẩm vi sinh để tạo nguồn phân bón đã giúp gia đình ông Chùm tiết kiệm được rất nhiều chi phí mua phân bón cho cây trồng, cây cối trong vườn sinh trưởng và phát triển tốt, cho quả ngọt. Từ mô hình này, gia đình ông thu về từ 100 - 200 triệu đồng/năm.
Nhận thấy cá rô đồng là đối tượng nuôi cho thu nhập cao, dễ chăm sóc nên năm 2015 gia đình anh Nguyễn Văn Hình, thôn Bùi Việt, xã Duyên Hải (Hưng Hà) đã đào ao nuôi cá rô đồng với tổng diện tích hơn 1ha. Anh Hình đã xây dựng ao nuôi kiên cố, áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ trong quá trình nuôi thả. Anh cứng hóa 7 ao nuôi cá rô đồng, trong đó 1 ao được thiết kế nhà lưới để nuôi thả con giống. Cá rô đồng có ưu điểm là lớn rất nhanh, vào chính vụ nuôi từ 3 - 4 tháng cá có thể đạt trọng lượng từ 5 - 7 con/kg, một năm gia đình anh thu từ 150 - 200 tấn cá rô đồng. Anh Hình chia sẻ: Về mùa đông, cá rô đồng chậm phát triển, vì thế tôi tận dụng nguồn nước khoáng nóng của địa phương để nuôi cá, sử dụng lưới che màu đen để giữ ổn định nhiệt độ nước trong ao ở mức 290C. Với nhiệt độ như vậy rất thích hợp để cá rô đồng phát triển, cho năng suất trứng cao và đẻ cả trứng trong mùa đông, từ đó quay vòng nuôi nhanh hơn. Với cách làm này đã tăng sức đề kháng của đàn cá bố mẹ lên 30% so với phương pháp nuôi truyền thống. Ngoài ra tôi còn đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua 2 máy cấp đông bảo quản thịt cá rô đồng sau khi chế biến. Với mô hình này, gia đình tôi thu về hơn 1 tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho 28 lao động thường xuyên với thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Tại thành phố Thái Bình, nhiều người biết đến mô hình nuôi gà trên cát của anh Đoàn Hồng Điều, thôn Vân Động, xã Vũ Lạc. Với diện tích 3.000m2, năm 2017 anh Điều đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi gà với diện tích hơn 200m2, diện tích còn lại anh nuôi cá truyền thống, ốc nhồi, trồng cây ăn quả như mít, chuối. Anh chọn giống gà ri lai, nuôi trên sân cát và cho thả vườn để gà tự sinh trưởng và phát triển.
Theo anh Điều: Ưu điểm của phương pháp nuôi gà trên cát là bảo đảm khô ráo, thoáng mát, dễ thoát nước mưa, hạn chế vi sinh vật có hại phát triển, phân gà khi thải ra thì cát hút hết nước, hạn chế mùi hôi. Do nuôi gà trên cát dễ bị nóng vào mùa hè nên tôi trồng thêm một số cây ăn quả, tạo không gian thoáng đãng, mát mẻ giúp đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt. Với cách nuôi này, đàn gà lớn nhanh hơn, hạn chế dịch bệnh so với phương thức nuôi nhốt truyền thống. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất bán từ 1.000 - 1.200 con gà ri lai, trọng lượng từ 2,7 - 3kg/con, sau khi trừ chi phí mô hình tổng hợp của gia đình thu về gần 200 triệu đồng/năm.
Bà Bùi Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Những nông dân như ông Chùm, anh Hình, anh Điều đều là những người đã thành công nhờ việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ những mô hình trên cho thấy nếu người nông dân áp dụng đúng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi không chỉ bảo vệ môi trường mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập. Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn lượt hội viên, nông dân. Hội cũng đẩy mạnh hoạt động tín chấp với các ngân hàng vay hơn 3.200 tỷ đồng cho hơn 62.800 hộ gia đình hội viên vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay, toàn hội có 92 mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã trên tất cả các lĩnh vực, duy trì và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm, cung ứng vật tư nông nghiệp trả chậm giúp hội viên nông dân sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tiến Đạt
Tin cùng chuyên mục
- Toàn văn: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia 13.01.2025 | 10:08 AM
- Quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả 17.10.2024 | 15:31 PM
- Sóng nhiệt kỷ lục ở Nam cực đe dọa tương lai Trái đất 06.08.2024 | 09:46 AM
- 201 thí sinh tham gia Hội thi tin học trẻ tỉnh Thái Bình năm 2024 10.06.2024 | 19:17 PM
- Tổng kết và trao giải hội thi, cuộc thi sáng tạo khoa học năm 2022 - 2023 18.12.2023 | 16:35 PM
- Hội thảo khoa học về vai trò của khoa học và công nghệ trong việc sản xuất, tiêu thụ và phát triển sản phẩm nông nghiệp 16.12.2023 | 14:38 PM
- Hội nghị khoa học về chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch 28.10.2023 | 12:02 PM
- Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nước mắm 15.02.2023 | 18:51 PM
- Tàu container lớn nhất thế giới 13.02.2023 | 08:42 AM
- Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập 23.09.2022 | 21:19 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố các quyết định về thành lập 2 đảng bộ trực thuộc, hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy
- Họp báo triển khai cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ V, năm 2025
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy: Thăm, động viên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịp đầu xuân mới
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Thăm, động viên một số doanh nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, động viên một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thái Thụy
- Khởi công xây dựng nhà máy sản xuất rượu soju tại khu công nghiệp Liên Hà Thái
- Cộng đồng doanh nghiệp thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu xuân mới
- Thủ tướng đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với UBND tỉnh