Chủ nhật, 24/11/2024, 15:30[GMT+7]

Chuẩn bị phóng vệ tinh Việt Nam NanoDragon

Thứ 5, 07/10/2021 | 08:05:56
350 lượt xem
Theo dự kiến, sáng nay (7/10), vệ tinh thứ ba do Việt Nam tự thiết kế, chế tạo mang tên NanoDragon sẽ được phóng lên quỹ đạo.

Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam chính thức bàn giao cho Nhật Bản ngày 17/8/2021.

Vệ tinh NanoDragon được phát triển bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Toàn bộ quá trình như nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng của vệ tinh... hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam. Hôm nay, vệ tinh sẽ được tên lửa Epsilon-5 của Nhật Bản phóng vào không gian.

Chỉ nặng gần 4 kg, NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat - vệ tinh siêu nhỏ. Khác với những vệ tinh lớn với vốn đầu tư hàng triệu USD, vệ tinh cubesat như NanoDragon có thời gian phát triển ngắn và chi phí thấp hơn. Gần 20 nhà khoa học Việt Nam đã dành hơn 3 năm để chế tạo vệ tinh này.

Chuẩn bị phóng vệ tinh Việt Nam NanoDragon - Ảnh 1.

Vệ tinh NanoDragon trong phòng sạch của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Theo TS. Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, mục đích của NanoDragon là thử nghiệm công nghệ và đào tạo.

"Vệ tinh giúp chúng ta thử nghiệm nhận dạng tàu biển, đặc biệt là giám sát, phục vụ tàu biển. Bên cạnh đó, vệ tinh cũng giúp thử nghiệm công nghệ điều khiển tư thế vệ tinh, công nghệ quan trọng trong việc chế tạo các vệ tinh vũ trụ trong tương lai. Vệ tinh còn hỗ trợ đào tạo đội ngũ. Sau vệ tinh này, chúng ta sẽ có một đội ngũ để phát triển các vệ tinh 'Made in Vietnam' trong tương lai" - TS. Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Tham gia phóng cùng NanoDragon lần này còn có 8 vệ tinh khác của Nhật Bản. Tên lửa Epsilon-5 sẽ xuất phát từ bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima, mang theo các vệ tinh này. NanoDragon sẽ là vệ tinh cuối cùng được thả vào không gian. Dự kiến, vệ tinh sẽ hoạt động tại quỹ đạo đồng bộ Mặt trời ở độ cao khoảng 560 km.

"Sau khi được phóng lên, vệ tinh sẽ cần 2 - 3 ngày để ổn định. Sau đó, vệ tinh sẽ thu phát tín hiệu. Khi đã hoạt động ổn định, chúng ta sẽ bắt đầu thử nghiệm công nghệ như là nhận tín hiệu của tàu biển và chụp ảnh" - TS. Phạm Anh Tuấn cho biết.

Trước NanoDragon, Việt Nam đã chế tạo và phóng thành công 2 vệ tinh khác lên quỹ đạo. Đó là vệ tinh PicoDragon năm 2013 và vệ tinh MicroDragon năm 2019. Hai vệ tinh này đã hoạt động thành công trên không gian, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, định vị nguồn thuỷ sản. Đây cũng là minh chứng cho thấy Việt Nam không nằm ngoài cuộc đua vũ trụ của thế giới.

"Trên thế giới hiện có 5 không gian gồm: vùng đất, vùng biển, bầu trời, không gian mạng và không gian vũ trụ. Sự cạnh tranh hiện nay trong không gian vũ trụ rất khốc liệt, không chỉ giữa các quốc gia mà còn giữa các tập đoàn công nghệ cao trên thế giới. Đã đến lúc Việt Nam chúng ta cần xác định không gian vũ trụ là một trong năm không gian mà Việt Nam cần bảo vệ quyền lợi của mình" - TS. Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Dự kiến, NanoDragon sẽ tách khỏi tên lửa Epsilon-5 của Nhật Bản vào khoảng 9h sáng nay, đi vào quỹ đạo và bắt đầu nhiệm vụ của mình, góp phần mang giấc mơ chinh phục không gian của người Việt đến gần hơn.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa