Thứ 5, 22/05/2025, 06:03[GMT+7]

Phát triển sản phẩm chủ lực lúa gạo Cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ

Thứ 5, 28/02/2013 | 13:37:44
1,570 lượt xem
Để phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, cùng với việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng hệ thống sản xuất giống, hạ tầng hệ thống thủy lợi, đê điều, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, tỉnh ta đặc biệt chú trọng ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học, công nghệ ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất lúa gạo.

Nông dân xã Song An (Vũ Thư) gieo cấy lúa xuân bằng công cụ sạ hàng. Ảnh: Ngọc Linh

Dù phải tập trung cao độ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, song với truyền thống là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt năng suất lúa 5 tấn/ha/năm, rồi tăng lên mức 8 tấn, 10 tấn và nhiều năm qua giữ ở mức 12,5 - 13 tấn/ha/năm thì sản phẩm  lúa gạo vẫn là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh ta. Để phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, cùng với việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng hệ thống sản xuất giống, hạ tầng hệ thống thủy lợi, đê điều, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, tỉnh ta đặc biệt chú trọng ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học, công nghệ ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất lúa gạo.

Hiện nay, toàn tỉnh có tổng diện tích đất trồng lúa khoảng 84,6 nghìn ha, trong đó diện tích giống ngắn ngày chiếm hơn 79 nghìn ha (lúa lai 23%, lúa BC15 21%, lúa chất lượng 33%). Thời gian qua, các nhà khoa học của tỉnh đã tăng cường hợp tác với các cơ quan khoa học trong và ngoài nước để khảo nghiệm, tuyển chọn, đưa vào sản xuất những giống lúa mới ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Trong đó tiêu biểu là các giống lúa: CNR36, TBR36, Thái Xuyên 111... đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống Quốc gia. Bên cạnh đó, Thái Bình đã xây dựng nhà máy chế biến hạt giống theo công nghệ của Đan Mạch và đầu tư xây dựng phòng thử nghiệm chất lượng giống cây trồng VILAS-110 được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2001. Kết quả đó đã góp phần để tỉnh ta hoàn toàn chủ động về giống lúa cho sản xuất đại trà với chất lượng tốt, đáp ứng kịp thời quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh.

Cùng với đó, Thái Bình còn đẩy mạnh việc ứng dụng nhanh, hiệu quả các tiến bộ về quy trình sản xuất và phân bón như: quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); quy trình gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng cải tiến; quy trình sản xuất sạch; các loại phân NPK chuyên dụng, các loại phân Sinh học… Qua đó bước đầu đã hình thành những vùng sản xuất tập trung với quy mô vài chục đến hàng trăm ha đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là vùng lúa chất lượng cao với giống T-10, BT7 ở xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải; vùng lúa BT7 gieo sạ, gieo vãi ở xã Vũ Đoài, Vũ Tiến, huyện  Vũ Thư; vùng lúa nếp địa phương ở xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương; vùng lúa giống BC15 với quy mô hàng trăm ha ở các xã An Mỹ - Quỳnh Phụ, Bắc Hải - Tiền Hải, Thanh Tân - Kiến Xương… cho  giá trị thu hoạch đạt từ 80 - 90 triệu đồng/ha/năm. Với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất lúa gạo, hằng năm, Thái Bình dư khoảng 400 nghìn tấn lúa phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Một khâu nữa trong quy trình sản xuất lúa gạo là hiện toàn tỉnh có gần 2.000 cơ sở xay xát lúa gạo, trên 5.000 cơ sở chế biến gạo chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ và phần lớn là phục vụ tại chỗ cho nông dân. Ngoài ra, còn có  một số cơ sở với quy mô chế biến tương đối lớn như Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Lam Sơn, Công ty cổ phần lương thực sông Hồng, Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình...

Có thể nói, những thành tựu đạt được trong sản xuất lúa gạo thời gian qua là điều tự hào của chính quyền, các cấp, các ngành và người dân quê lúa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sản xuất lúa gạo tại tỉnh ta cũng còn gặp không ít những khó khăn, thách thức. Công tác quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung còn hạn chế, đặc biệt đối với diện tích lúa chất lượng cao. Bộ giống lúa của Thái Bình tuy khá phong phú nhưng diện tích và giống thường không ổn định. Việc tổ chức sản xuất chưa đồng bộ, phương thức sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống vẫn chiếm ưu thế dẫn đến chất lượng không đồng đều nên chưa xây dựng được thương hiệu lúa gạo riêng. Ngoài ra, người sản xuất còn thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ. Các doanh nghiệp đầu tư và ký hợp đồng thu mua nông sản với nông dân còn ít. Công tác dự báo thị trường và khâu nối các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ...

Để lúa gạo thực sự trở thành sản phẩm chủ lực, thiết nghĩ cần tiếp tục tập trung vào phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Phấn đấu đến năm 2015, giữ vững diện tích trồng lúa toàn tỉnh đạt 80.000 ha. Đẩy mạnh thâm canh và ổn định năng suất lúa đạt 130 tạ/ha/năm trở lên, sản lượng lúa đạt trên 1 triệu tấn/năm và mở rộng diện tích các giống lúa chất lượng cao chiếm 40% diện tích gieo cấy. Tiếp tục xây dựng cánh đồng mẫu lớn để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Có cơ chế chính sách khuyến khích quá trình tích tụ ruộng đất theo hướng nông hộ có quy mô đất sản xuất lớn và liền thửa thông qua các hình thức thuê, mượn và dồn đổi đất đai. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao để chọn lọc, tạo và nhân nhanh các giống lúa mới có năng suất, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái để bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh. Tiếp thu, ứng dụng quy trình công nghệ tổng hợp và tự động hóa quá trình trồng trọt và thu hoạch các loại cây trồng. Áp dụng quy trình công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... Cùng với việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng hệ thống sản xuất giống, hạ tầng hệ thống thủy lợi, đê điều, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, việc vận động các doanh nghiệp chung tay xây dựng nông thôn mới bằng hình thức liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tuyên truyền để chính quyền địa phương và nông dân hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi đã đồng thuận tham gia chương trình, tạo được mối liên kết chặt chẽ và bền vững cũng là việc làm cần thiết và thường xuyên.

Ngọc Mai

  • Từ khóa