Thứ 4, 24/04/2024, 17:10[GMT+7]

Ứng dụng khoa học - công nghệ Chìa khóa thành công của doanh nghiệp

Thứ 4, 13/03/2013 | 08:04:32
2,299 lượt xem
Khoa học - công nghệ (KHCN) đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, đầu tư cho KHCN đang ngày càng được các đơn vị, doanh nghiệp chú trọng.

Anh Trương Văn Trị, Giám đốc Công ty TNHH Giống thủy sản Hải Long báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và các đồng chí lãnh đạo tỉnh kết quả nghiên cứu và sản xuất cá giống. Ảnh: Minh Sơn

 

Cuối năm 2006, anh Trương Văn Trị - Giám đốc Công ty TNHH Giống thủy sản Hải Long (Tiền Hải)  đã thuần hóa cá Vược thành công theo công thức thuần hóa trong môi trường nước ngọt, tỷ lệ con sống đạt trên 80%. Năm 2007, anh tiếp tục nhập 2 vạn con cá Vược và thuần hóa thành công cá Vược sang môi trường nước ngọt không phần trăm độ mặn, tỷ lệ sống đạt gần 90%. Kết quả thuần hóa cá Vược vào nuôi vùng nước ngọt của Công ty đã gây tiếng vang trong giới nghiên cứu thủy hải sản. Nghiên cứu này được giới thiệu đến nhiều địa phương trong cả nước.  Đến nay, đã có 20 tỉnh, thành phố; trong đó có cả các tỉnh miền núi như Yên Bái, Lai Châu... tìm đến Công ty TNHH Giống thủy sản Hải Long học tập, tiếp thu quy trình công nghệ và mua cá Vược giống về nuôi thả. Mỗi năm Công ty cung cấp 100 vạn cá giống cho khắp các tỉnh thành trong cả nước, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi thả.

 

Với thành tích đạt được, Trương Văn Trị đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng quý giá. Năm 2008 được tặng: giải ba về sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật của Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh; giải thưởng “Lương Định Của” tại Hội nghị Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác khu vực đồng bằng sông Hồng. Hiện, Công tyTNHH Giống thủy sản Hải Long đang tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án mở rộng quy mô sản xuất (từ 1ha lên 5,3ha), đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên 7 tỷ đồng để tiếp tục sản xuất những giống cá mà Thái Bình chưa sản xuất được như: cá song, cá sả đất, hồng mỹ, chim biển vàng, hồng đỏ... bằng quy trình công nghệ mà Công ty đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công.

 

Là công ty chuyên sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực trang trại chăn nuôi, Công ty TNHH Thuấn Hoa khởi nghiệp từ năm 2008. Hiện nay, Công ty đã xây dựng và đưa vào hoạt động khu chăn nuôi lợn thương phẩm khép kín ở  xã Nam Cường, huyện Tiền Hải. Với diện tích 7,2 ha cùng với 4 dãy chuồng nuôi khép kín, số lượng công nhân trực tiếp lao động  là 40 người, mức lương ổn định là 3 triệu đồng/người/tháng, trung bình hàng năm Công ty xuất ra thị trường trên 30.000 con lợn lai 4 giống đạt tiêu chuẩn chất lượng và trên 2.500 tấn thịt, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và giải quyết công việc cho bà con nông dân ở địa phương. Năm 2012, Công ty TNHH Thuấn Hoa đã triển khai đề tài cấp tỉnh “Thực hành sản xuất tốt trong chăn nuôi lợn thương phẩm theo tiêu chuẩn ViệtGAP”.  Hiện Công ty đang xúc tiến triển khai đề tài “Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất lợn lai 4 giống tại Thái Bình”. Đây là đề tài cấp Bộ, thuộc chương trình nông thôn miền núi do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. Với việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, Công ty TNHH Thuấn Hoa đã tạo được niềm tin đối với khách hàng và ngày càng phát triển.

 

Thời gian qua, một bộ phận doanh nghiệp trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, song thực tế hoạt động KHCN ở các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đánh giá của các nhà khoa học, mặc dù khoa học trong sản xuất đã có nhiều tiến bộ, nhưng đến nay, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với thị trường trong nước cũng như thế giới còn thấp. Việc áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất còn chậm, thiếu các giải pháp đồng bộ nhằm tạo động lực đối với việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế sản xuất. Nhiều đề tài sau khi nghiệm thu không triển khai được vào sản xuất do chất lượng kém và không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu KHCN vẫn chỉ tập trung vào một số sản phẩm chủ lực. Việc ứng dụng KHCN trong chăn nuôi còn hạn chế cả về chất lượng con giống lẫn khâu chế biến thức ăn. Một nguyên nhân khác là sự gắn kết giữa nghiên cứu và chuyển giao chưa chặt chẽ, nhất là sự liên kết giữa KHCN và doanh nghiệp còn yếu. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khoa học chuyên sâu trong từng lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao còn thiếu. Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất dành cho nghiên cứu KHCN còn hạn chế.

 

Vẫn biết rằng, KHCN đóng vai trò quyết định, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp. Song, muốn nâng cao hiệu quả sản xuất cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất. Nhà nước, tỉnh cần hỗ trợ kinh phí nhiều hơn nữa cho nghiên cứu KHCN. Cần phải có giải pháp để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KHCN, phát triển các cơ sở sản xuất mẫu và những mô hình trình diễn... để cho người dân thấy hiệu quả. Đồng thời, bằng lợi ích kinh tế, khuyến khích người dân và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nhằm đem lại hiệu quả lợi ích kinh tế to lớn, đáp ứng yêu cầu trong quá trình phát triển và hội nhập.

Ngọc Hân

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày