Thứ 2, 25/11/2024, 10:41[GMT+7]

Việt Nam có lợi thế vươn lên thị trường vi mạch nghìn tỷ USD

Thứ 2, 30/05/2022 | 08:55:37
352 lượt xem
Chia sẻ về xu hướng công nghệ thiết kế vi mạch, các chuyên gia cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới đang sôi động, mở ra cơ hội cho Việt Nam.

Ảnh minh họa

Thông tin được các nhà khoa học, chuyên gia chia sẻ tại hội thảo "Thiết kế vi mạch - xu hướng công nghệ và phát triển nghề nghiệp" do trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với cộng đồng Vi mạch Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết nhu cầu về thiết bị bán dẫn tăng mạnh trên thế giới. Nhiều hãng chế tạo xe hơi phải chọn cách giao xe trước, bổ sung linh kiện sau hoặc cắt luôn một số tính năng cao cấp do thiếu chip. Chip bán dẫn, mạch tích hợp hay vi mạch hiện nay còn được coi như một công cụ trong đàm phán ngoại giao ở một số nước phát triển. Thậm chí một số hãng lớn đã phải tính tới việc tạo ra những con chip của riêng họ. Dịch bệnh, xung đột Nga-Ukraine càng làm cho khả năng hoàn trả vi mạch từ các nhà sản xuất trở nên xa vời tại những công xưởng lớn nhất thế giới.

Diễn giả chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: AT

Diễn giả chia sẻ thông tin tại hội thảo.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang có nhiều cơ hội từ ngành công nghiệp siêu lợi nhuận này. Những tín hiệu khả quan khi hàng loạt những công ty thiết kế vi mạch thiết lập trụ sở tại Việt Nam, thậm chí "người khổng lồ Amkor" cũng gây chú ý với đầu tư vào Bắc Ninh. Vai trò của ngành công nghiệp nghìn tỷ USD đang trở nên sôi động và mở ra cơ hội cho những quốc gia có khả năng như Việt Nam.

Ông Phil Hoang, Quản lý cấp cao, bộ phận thiết kế vi mạch, Skyworks Solutions tại Austin, Texas, nhận định: Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trong thị trường nghìn tỉ đô này. Theo ông, định hướng công nghệ nên tập trung theo hướng tích hợp không đồng nhất và thiết kết hỗn hợp SiP (System in package - hệ thống trên gói) thay vì theo đuổi những công nghệ "nhà giàu" khi sản xuất chip bán dẫn theo tiến trình có kích thước ngày càng nhỏ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, nhân lực dành cho ngành thiết kế vi mạch (IC) thiếu hụt nghiêm trọng do Việt Nam chưa có trường đại học đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành này.

Trước nhu cầu của ngành công nghiệp ngày càng cao, ông Phil cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam và trường đại học cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn để thu hẹp sự khác biệt, giới thiệu những kiến thức nền cho sinh viên từ sớm, tìm kiếm mô hình thực tập cho hiệu quả, rút ngắn thời gian thử việc.

Đồng ý với ý kiến này, ông Nguyễn Thanh Yên, thành viên Cộng đồng Vi mạch Việt Nam, cho biết cộng đồng vi mạch sẽ cùng các trường đại học thiết kế và cung cấp các khóa học miễn phí để nhiều sinh viên có thể tiếp cận và theo đuổi ngành công nghệ tiên tiến này.

Tại hội thảo, đại diện từ các trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội, Đại học Giao thông Vận tải cho biết sẽ thúc đẩy các hoạt động cho sinh viên, thiết lập các mô hình phòng thí nghiệm mở (Open Lab). Theo ước tính, nếu số sinh viên tốt nghiệp mỗi năm đạt 300-400 sẽ đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp thiết kế IC đang hoạt động trong nước.

Theo vnexpress.net

  • Từ khóa