Thứ 2, 25/11/2024, 10:58[GMT+7]

Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thư viện

Thứ 3, 31/05/2022 | 08:57:11
3,687 lượt xem
Là hoạt động phối hợp của Thư viện tỉnh Bình Định với Thư viện tỉnh Thái Bình trong hỗ trợ các thư viện nhỏ, có quy mô dưới 20.000 đầu sách ứng dụng công nghệ số trong quản lý thư viện, giúp tiết kiệm chi phí, ngày công lao động, thời gian qua đã có 8 thư viện huyện, thành phố và 11 thư viện trường học trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm OpenBiBlio. Đây là phần mềm do Thư viện tỉnh Bình Định phát triển trên cơ sở sử dụng mã nguồn mở với mục tiêu nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện nhỏ, hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Cán bộ thư viện sử dụng công nghệ cập nhật thông tin kho sách theo chuẩn nghiệp vụ mới.

Có trên 14.300 đầu sách, Thư viện huyện Quỳnh Phụ là một trong những thư viện đầu tiên trên địa bàn tỉnh ứng dụng phần mềm OpenBiBlio. Mặc dù được trực tiếp đến tỉnh Bình Định tham gia tập huấn từ năm 2019 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đến nay cán bộ thư viện mới có thể thực hành. 

Anh Nguyễn Văn Kết, cán bộ thư viện Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Quỳnh Phụ chia sẻ: Thời gian hè, Thư viện huyện là điểm đến của rất nhiều em nhỏ, đặc biệt là vào buổi sáng và cuối giờ chiều. Trước đây, vào khung giờ đông bạn đọc, cán bộ thư viện rất vất vả khi vừa giúp bạn đọc tra cứu tài liệu, tìm đầu sách và ghi lại số sách được mượn, trả trong ngày. Nhưng hiện nay, sau khi được Thư viện tỉnh Thái Bình và Thư viện tỉnh Bình Định hỗ trợ, Thư viện huyện đã tiến hành kiểm kê kho sách và tích cực sử dụng công nghệ để cập nhật thông tin kho sách theo chuẩn nghiệp vụ mới, dán mã vạch toàn bộ số sách có trong kho, cập nhật dữ liệu số sách cũ và xử lý kỹ thuật các đầu sách mới được bổ sung. Điều đáng mừng, nhờ ứng dụng phần mềm OpenBiBlio, thông qua trang web của Thư viện huyện, bạn đọc có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin tài liệu hiệu quả nhờ từ khóa, chủ đề mà không bị giới hạn về thời gian, không gian tìm kiếm. Nhờ việc tra cứu nhanh, thông tin mô tả về cuốn sách đầy đặn nên ngoài học sinh, có cả các bậc phụ huynh cũng đến mượn sách khá thường xuyên.

Cũng theo chia sẻ của anh Kết, sau khi thư viện đã ứng dụng phần mềm OpenBiBlio, bạn đọc tra cứu trước thông tin về những cuốn sách tại nhà nên khi đến thư viện với thông tin đã có sẵn, cán bộ thư viện sẽ đáp ứng việc tìm kiếm cuốn sách dễ dàng hơn. Như vậy, trong ngày làm việc, đặc biệt là những khung giờ cao điểm, cán bộ thư viện có thể phục vụ nhiều bạn đọc hơn.

Nếu như trước đây, để vận hành một phần mềm có tính quản trị, thư viện cần triển khai đầu tư lắp đặt thiết bị, máy chủ, thiết lập mạng LAN, nhân lực quản trị hệ thống, thì nay việc này chuyển sang xu hướng thuê dịch vụ. Khi thuê, thư viện chỉ cần mạng wifi, 4G là có thể sử dụng được. Đồng thời, thuê càng nhiều thì chi phí càng giảm. Vì thế, Thư viện tỉnh Bình Định đã thuê hạ tầng triển khai phần mềm OpenBiBlio hỗ trợ thư viện nhỏ trong tỉnh và thư viện tại một số tỉnh, thành phố khác, trong đó có Thái Bình. Đặc biệt, theo cách cũ, nếu đầu tư mua máy chủ, người đọc phải đến thư viện mới tra cứu được, nay với OpenBiBlio, người dùng có thể ngồi tại nhà tra cứu qua internet.

Nhận thấy tiện ích của phần mềm OpenBiBlio, tháng 4/2022 Thư viện tỉnh Thái Bình tổ chức tập huấn cho cán bộ thư viện 8 huyện, thành phố và 11 thư viện trường học trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ. Đến nay, các thư viện này đều đã sử dụng thuần thục phần mềm, thiết thực phục vụ công tác thư viện và bạn đọc. Thời gian tới, việc tập huấn sẽ tiếp tục được triển khai tới cán bộ thư viện trường học của các huyện, thành phố còn lại. 

Bà Lê Thị Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh chia sẻ: Tiện ích lớn nhất của phầm mềm OpenBiBlio đó là cùng một bản sách, thủ thư của các thư viện có thể có nhiều cách mô tả khác nhau nhưng nếu thống nhất được quy tắc mô tả và kết nối với nhau, thay vì cả hệ thống cùng mô tả thì nay chỉ cần 1 người làm và dữ liệu sẽ được đưa lên hệ thống chung. Nhờ đó, các thư viện có thể sử dụng tài nguyên chung khi kết nối với nhau. 

Cũng nhờ việc dùng chung tài nguyên từ việc xử lý dữ liệu, mô tả sách mà có thể tiết kiệm rất nhiều ngày công lao động của các thủ thư. Lượng đầu sách được mô tả có trên hệ thống vì thế tăng gấp nhiều lần so với trước. Đồng thời, qua phần mềm Thư viện tỉnh nắm được tình hình hoạt động chuyên môn của thư viện huyện. Các số liệu trên phần mềm thể hiện rõ ràng, chính xác. Ngoài ra, điểm vượt trội của việc áp dụng OpenBiBlio là người đọc dễ dàng biết chính xác thư viện huyện, trường học nơi mình đến có tài liệu, bản sách mình cần không, mã thư mục của nó là gì; thậm chí, nếu thư viện nơi mình sống không có thì có thể mượn sách, tài liệu ở thư viện khác.

Cũng theo bà Lê Thị Thanh, trong thời điểm thư viện các huyện, thành phố, thư viện trường học chưa có nhiều kinh phí để chuyển đổi số, phần mềm OpenBiBlio là tiện ích thiết thực giúp tiết kiệm chi phí đầu tư; giúp độc giả có thể tra cứu thông tin của thư viện mọi lúc, mọi nơi; cán bộ thư viện trong một ngày có thể xử lý hàng trăm tài liệu; đồng thời, giúp cán bộ quản lý có thể biết chính xác dữ liệu thống kê cho từng chu kỳ hoạt động của thư viện. Với phần mềm này, hy vọng hoạt động của các thư viện sẽ ngày càng sôi động, văn hóa đọc sẽ tiếp tục nhân lên trong cộng đồng.

Tú Anh