Thứ 6, 26/07/2024, 03:09[GMT+7]

Những tàu vũ trụ chở người thành công nhất lịch sử

Thứ 4, 01/06/2022 | 08:23:46
3,918 lượt xem
Hàng thập kỷ sau chuyến tàu chở người đầu tiên của Liên Xô, nhiều mẫu tàu trên thế giới ra đời với sức chở lớn và trang bị hiện đại.

Mô hình tàu Vostok chụp tại triển lãm Russia in Space, Đức, năm 2002.

Chuyến bay vũ trụ đầu tiên của con người do phi hành gia Nga Yuri Gagarin thực hiện với tàu Vostok (Liên Xô) ngày 12/4/1961, mở ra kỷ nguyên du hành vũ trụ. Sau khi phóng lên không gian, con tàu đưa Gagarin bay một vòng quanh Trái Đất rồi lao trở lại xuống khí quyển. Vì Vostok không có thiết bị tiếp đất, Gagarin phải thoát ra ngoài và nhảy dù để hạ cánh.

Vostok chỉ có khả năng chở một phi hành gia. Cabin chở người khá nhỏ, hình cầu và có một cửa sổ gần chân phi hành gia. Từ năm 1961 - 1963, Vostok phóng 6 lần, đưa 6 phi hành gia lên vũ trụ, trong đó có người phụ nữ đầu tiên, Valentina Tereshkova, trên chuyến bay cuối cùng vào năm 1963.

Tàu Mercury tại Trung tâm Vũ trụ Houston năm 2011.

Chỉ 3 tuần sau khi Liên Xô đưa Gagarin lên không gian, Mỹ cũng phóng tàu chở người đến vùng không gian dưới quỹ đạo theo dự án Mercury. Phi hành gia Mỹ đầu tiên trong chuyến bay đó là Alan Shepard. Ngày nay, công ty Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos đặt tên cho phương tiện phóng then chốt của mình là New Shepard theo tên ông.

Tháng 2/1962, phi hành gia John Glenn lên quỹ đạo bằng tàu Mercury. Chuyến tàu chở người cuối cùng của mẫu tàu này diễn ra vào năm 1963.

Mercury là phương tiện hình nón có một cửa sổ gần ngang tầm mắt để các phi hành gia quan sát. Giống như tàu Vostok của Liên Xô, nó chỉ chở được một phi hành gia và cũng thực hiện tổng cộng 6 vụ phóng.

Tàu Gemini V tại Trung tâm Vũ trụ Houston năm 2011.

Gemini về cơ bản là một phiên bản chỉnh sửa của tàu Mercury với sức chở hai phi hành gia. Voskhod, tàu kế nhiệm Voskot của Liên Xô, được thiết kế để thực hiện các chuyến đi bộ ngoài không gian và NASA một lần nữa theo sát phía sau với chương trình Gemini.

Trong chuyến bay cuối cùng của Voskhod vào năm 1965, Alexei Leonov đã thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên của con người, bước ra ngoài khoảng 12 phút. Ngay sau đó là chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên của Gemini do phi hành gia Ed White của NASA thực hiện. Ông được nối với các dây an toàn dài khoảng 7 m và lơ lửng trong không gian khoảng 20 phút.

Chương trình Gemini cũng đáng chú ý vì đã đào tạo các phi hành gia ghép nối với tàu vũ trụ khác trong không gian, một yếu tố quan trọng với những cuộc đổ bộ Mặt Trăng của NASA sau này. Gemini đưa tổng cộng 20 phi hành gia lên vũ trụ và chỉ mới bị SpaceX vượt qua gần đây. Công ty của tỷ phú Elon Musk hiện đã phóng 22 người sau nhiệm vụ Crew-4.

Tàu vũ trụ Soyuz chở phi hành đoàn rời Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) tháng 10/2020.

Soyuz là chương trình chở người lên vũ trụ kéo dài nhất lịch sử. Tàu Soyuz đầu tiên phóng vào năm 1967. Kể từ đó, Nga đã phát triển 10 phiên bản khác nhau của mẫu tàu này. Hơn 150 chuyến bay chở người đã được thực hiện bởi tàu Soyuz.

Soyuz có nghĩa là "đoàn kết" trong tiếng Nga. Mọi phiên bản đều tuân theo thiết kế ba phần gồm module hạ cánh, module quỹ đạo và module đẩy. Trong lần phóng Soyuz đầu tiên, phi hành gia Vladimir Komarov thiệt mạng do sự cố của chiếc dù khi trở về Trái Đất.

Phi hành gia Buzz Aldrin và trạm đổ bộ Mặt Trăng trong nhiệm vụ Apollo 11 năm 1969.

Cuộc đổ bộ Mặt Trăng của nhiệm vụ Apollo 11 năm 1969 được thực hiện bởi ba module riêng biệt: module chỉ huy, module hỗ trợ và module Mặt Trăng đưa Neil Armstrong và Buzz Aldrin tới bề mặt thiên thể này.

Nhiệm vụ Apollo cuối cùng, Apollo 17, diễn ra vào tháng 12/1972, đánh dấu lần cuối cùng con người lên Mặt Trăng. NASA và SpaceX hy vọng sẽ đạt được thành tựu này một lần nữa vào khoảng năm 2025 với nhiệm vụ Artemis III. Tổng cộng 24 người đã bay tới Mặt Trăng trong 9 nhiệm vụ Apollo từ tháng 12/1968 đến tháng 12/1972.

Tàu con thoi Discovery phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy năm 2007.

Tàu con thoi của NASA là tàu vũ trụ chở người đầu tiên có thể tái sử dụng. NASA đã chế tạo 5 tàu con thoi hoạt động được, lần lượt mang tên Columbia, Challenger, Discovery, Atlantis và Endeavour. Chúng thực hiện tổng cộng 135 chuyến bay lên vũ trụ từ năm 1981 - 2011, chở 355 phi hành gia, nhiều người trong số đó bay hơn một lần. Hai trong số 5 tàu con thoi bị phá hủy trong thảm họa Challenger năm 1986 và thảm họa Columbia năm 2003.

Tàu Thần Châu 14 và tên lửa Trường Chinh 2F chuẩn bị sẵn sàng trên bệ phóng tại Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ngày 29/5/2022.

Nhiệm vụ Thần Châu 5 ngày 15/10/2003 đưa phi hành gia Yang Liwei lên quỹ đạo, đồng thời giúp Trung Quốc trở thành nước thứ ba đưa người lên không gian thành công. Tàu Thần Châu có thiết kế tương tự Soyuz nhưng lớn hơn. Con tàu phóng lần đầu vào ngày 19/11/1999, không chở người. Gần đây nhất là nhiệm vụ Thần Châu 13 với phi hành đoàn trở về Trái Đất vào tháng 4.

Mô phỏng tàu Crew Dragon tiếp cận Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Tháng 5/2020, với nhiệm vụ Demo-2, tàu Crew Dragon của SpaceX đánh dấu lần đầu tiên NASA phóng tàu vũ trụ chở người tại Mỹ kể từ năm 2011, khi tàu con thoi Space Shuttle "về hưu".

Kể từ đó, SpaceX đã đưa tổng cộng 22 phi hành gia vào không gian trong các nhiệm vụ từ Crew-1 đến Crew-4, cũng như trong các nhiệm vụ thương mại Ax-1 và Inspiration 4. Crew Dragon cũng dự kiến được sử dụng để thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian thương mại đầu tiên trong lịch sử.

Theo vnexpress.net

  • Từ khóa