Thứ 2, 25/11/2024, 13:48[GMT+7]

Tàu quan sát năng lượng tại châu Á sẽ đến Việt Nam

Thứ 6, 17/06/2022 | 09:52:16
435 lượt xem
Chuyến du hành vòng quanh thế giới của Energy Observer (tàu quan sát năng lượng) sẽ có điểm dừng chân thứ 73 tại TP HCM ngày 18-29/6.

Tàu Energy Observer

Việt Nam là một trong những điểm dừng chân cuối cùng trên chuyến du hành của Energy Observer ở Đông Nam Á, theo thông cáo từ Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP HCM.

Trong hành trình, điểm dừng chân đầu tiên của tàu quan sát năng lượng tại châu Á là Singapore, sau đó là Thái Lan - chặng đường kéo dài nhiều tuần lễ ghi lại những thách thức đối với quá trình chuyển đổi năng lượng và sinh thái của đất nước này.

Ở điểm dừng chân tại TP HCM, thủy thủ đoàn của Energy Observer sẽ giới thiệu hệ thống không phát thải tự động của con tàu cho hàng trăm du khách, nhà hoạch định chính sách, sinh viên.

Energy Observer là con tàu hydrogen đầu tiên tự hành và không phát thải. Cuộc phiêu lưu của tàu là một hành trình dài vòng quanh thế giới, mang nhiệm vụ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và sinh thái thông qua đổi mới sáng tạo bằng cách chứng minh các công nghệ và sự kết hợp năng lượng trên tàu hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt và có thể được nhân rộng hơn cả trên đất liền và biển.

Energy Observer cũng là một phòng thí nghiệm chuyển đổi sinh thái được thiết kế để thúc đẩy các giới hạn của công nghệ không phát thải. Năng lượng hydro, mặt trời, gió, thủy triều, mọi giải pháp đều được khám phá, thử nghiệm và tối ưu hóa để biến năng lượng sạch phục vụ con người.

Khởi hành từ năm 2017, Energy Observer đã đi hơn 50.000 hải lý, thực hiện 72 lần dừng chân, trong đó có 16 lần tổ chức làng giáo dục lưu động và đến thăm hơn 40 quốc gia. Chuyến du hành cũng nhằm khảo sát những giải pháp có lợi cho quá trình chuyển đổi sinh thái, nâng cao nhận thức từ các nhà hoạch định chính sách cho đến các nhà công nghiệp về sự chuyển đổi cần thiết này thông qua hoạt động truyền cảm hứng và mang tính giáo dục như phim tài liệu, bài báo khoa học, triển lãm lưu động...

Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức của quá trình chuyển đổi. Trong đó, có bài toán dung hòa giữa tốc độ tăng trưởng nhanh với nhu cầu năng lượng đã tăng gấp 5,5 lần trong vòng 20 năm, và đạt mức trung hòa carbon cần thiết, mà vẫn đảm bảo phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Sản lượng điện của Việt Nam từ than chiếm một nửa và khoảng 20% từ thủy điện, các nguồn năng lượng tái tạo khác chiếm 5%. Tỷ trọng năng lượng tái tạo ngoài thủy điện này dự kiến sẽ đạt 25% vào năm 2030 và lên đến 42% vào năm 2045. Bên cạnh việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, Việt Nam cũng có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng điện than vào năm 2030 để đáp ứng mức tăng trưởng dự báo 10%/năm về tiêu thụ điện trong vòng 10 năm tới. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2021-2030 là 128,3 tỷ USD, trong đó cho nguồn điện là 950 triệu USD và cho lưới điện là 32,9 tỷ USD.

Theo kế hoạch, nhóm thuyền viên sẽ ghi lại các vấn đề liên quan đến ô nhiễm và tái chế nhựa, khu dự trữ sinh quyển của UNESCO, turbin gió gần bờ, năng lượng carbon thấp và độ mặn của sông Mekong.

Con tàu sẽ được trưng bày tại TP HCM từ ngày 18-29/6 nhưng không đón khách tham quan.

Theo vnexpress.net