Thứ 2, 25/11/2024, 17:32[GMT+7]

Phòng thí nghiệm cho các nhà sáng chế trẻ

Thứ 3, 28/06/2022 | 08:34:53
598 lượt xem
Đang là học sinh lớp 10, dịp nghỉ hè Cát Tường tìm đến Fablab Sài Gòn để được hướng dẫn nghiên cứu, làm sản phẩm công nghệ.

Khu vực in 3D và các sản phẩm tái chế tại Fablab Sài Gòn.

Ở Fablab Saigon (trụ sở tại số 2 Phan Văn Đáng, TP Thủ Đức) có nhiều bạn trẻ đang là học sinh đến đây học tập. Hè năm 2022 Cát Tường, học sinh lớp 11 trường phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM chọn Fablab Saigon là điểm đến. Em cho biết, dành trọn hai tháng hè của mình để có những trải nghiệm cho đam mê sáng chế. Tại đây em được đàn anh là Vũ Thiện Nam Anh đang là sinh viên Cao đẳng Edmonds (Mỹ) hướng dẫn phát triển các ý tưởng nghiên cứu. Nhóm thảo luận cùng thiết kế sản phẩm mẫu là turbine tạo điện năng từ hệ thống cánh quạt, lưu trữ điện bằng pin lithium.

"Sau khi xong phần thiết kế sẽ chế tạo mẫu bằng máy in 3D", Cát Tường nói. Với sáng chế này, nhóm hướng đến người sử dụng là các tài xế container có thêm nguồn cấp điện phục vụ sinh hoạt ở trên xe.

Vũ Thiện Nam Anh, sinh viên Cao đẳng Edmonds (Mỹ) hướng dẫn các bạn học sinh làm sản phẩm sáng chế tại Fablab Sài Gòn. Ảnh: Hà An

Vũ Thiện Nam Anh, sinh viên Cao đẳng Edmonds, Mỹ (trái) hướng dẫn các bạn học sinh làm sản phẩm sáng chế tại Fablab Sài Gòn. 

Nguyễn Ngô Cẩm Quyên, lớp 10 chuyên tin Trường phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM cũng có mặt ở Fablab Saigon để học cách nghiên cứu. Em cùng 5 thành viên khác trong nhóm cặm cụi bên chiếc máy in 3D. Nhóm được hướng dẫn sử dụng bo mạch Arduino, lập trình Java cho robot tự vẽ tranh, điều khiển bằng máy tính. Quyên cho biết, trước đây em sử dụng ngôn ngữ lập trình C++ thành thạo hơn, còn với ngôn ngữ Java hơi bỡ ngỡ nhưng được các anh chị tại fablab giúp đỡ, hoàn thiện sản phẩm.

Cát Tường và Cẩm Quyên là hai trong số hơn 6.600 thành viên của Fablab Saigon thành lập từ tháng 3/2014. Đây là mô hình phòng thí nghiệm được thành lập từ ý tưởng của giáo sư Neil Gershenfeld tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Mục đích cung cấp cơ sở vật chất, máy móc, chương trình đào tạo... để các nhà sáng chế tạo ra sản phẩm thử nghiệm một cách dễ dàng và nhanh chóng trong không gian mở.

Tại đây có đội ngũ người hướng dẫn là sinh viên hoặc người đi làm, có chuyên môn giỏi đến từ nhiều lĩnh vực. Ngoài các ngành kỹ thuật, lab còn thu hút chuyên gia nhiều ngành nghề sáng tạo khác như thiết kế thời trang, kiến trúc, nghệ thuật... để những người đến đây học tập được thực hành đa ngành, dễ dàng tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hiện có hơn 2.000 falab toàn cầu tại 120 quốc gia, trong đó Việt Nam có 14 phòng thí nghiệm được thành lập ở TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Cần Thơ...

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Giám đốc điều hành Fablab Saigon, để đảm bảo hoạt động, lab thu khoản phí nhỏ từ các bạn tham gia để trả tiền mặt bằng, điện, nước, internet, bảo trì trang thiết bị... Tất cả khoản phí này là tái đầu tư duy trì hoạt động của lab. "Chúng tôi cũng vận động các nguồn lực xã hội và tham gia các dự án nghiên cứu bên ngoài để có thêm kinh phí", bà Mai nói.

Fablab Saigon hiện có máy in 3D, máy cắt laser, máy CNC, máy đo sóng, các linh kiện điện tử... và đội ngũ các chuyên gia hỗ trợ cho các nhà sáng chế tạo sản phẩm mẫu. Ngoài việc thực hành làm sản phẩm, Fablab Saigon cũng kết nối các nhà sáng chế quốc tế với trong nước. Năm 2018 dự án về xe đạp lọc nước sử dụng động cơ điện ứng dụng tại Trà Vinh, ống hút làm từ cỏ của nhóm bạn trẻ ở Long An... phát triển thành công từ mô hình này.

Bà Mai cho biết, sắp tới sẽ mời các giáo sư ở MIT tổ chức khóa đào tạo 6 tháng theo hình thức trực tiếp và trực tuyến để phát triển đội ngũ chuyên làm sản phẩm sáng chế. Sau thời gian học lý thuyết, các nhà sáng chế sẽ tham gia các dự án nghiên cứu sản phẩm với các fablab khắp thế giới.

"Hoạt động này nhằm xây dựng, thúc đẩy nguồn nhân lực sáng tạo cho xã hội, sau đó kết nối họ với các chuyên gia, đơn vị trong hệ sinh thái fablab và bên ngoài để chia sẻ kiến thức, làm các dự án nghiên cứu phục vụ cộng đồng", bà Mai nói.

Để có đầu ra cho sản phẩm, Fablab Saigon dự kiến kêu doanh nghiệp kết nối, đặt hàng, giúp các sản phẩm chất lượng của các nhà sáng chế trẻ có cơ hội phát triển dài hơi hơn.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, đánh giá, fablab là mô hình hay vì tạo ra những sản phẩm công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.

Tuy nhiên, để hiệu quả hơn, fablab nên hoạt động trong trường đại học có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phục vụ thiết kế, làm sản phẩm hoàn toàn miễn phí, theo ông Dũng. Nhà trường bằng các nguồn lực của mình đóng vai trò hỗ trợ vì đây là hoạt động gắn với việc nghiên cứu của trường.

"Fablab cộng đồng cần có sự tham gia của doanh nghiệp, xã hội... Các doanh nghiệp có thể liên kết với nhau trong mô hình này, coi việc tham gia gắn với hoạt động nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm để tạo ra sản phẩm", ông Dũng nói.

Theo vnexpress.net