Thứ 3, 13/05/2025, 15:37[GMT+7]

Phác đồ điều trị thành công các ca nhiễm cúm H7N9

Thứ 5, 11/04/2013 | 15:15:48
1,010 lượt xem
Hôm qua, ca nhiễm cúm gia cầm H7N9 đầu tiên ở Trung Quốc đã được xuất viện sau khi được điều trị khỏi bệnh. Phác đồ điều trị thành công cho một bé trai này đã mở hướng điều trị tích cực cho các bệnh nhân khác.

Nỗ lực ngăn chặn virus cúm H7N9 lây lan (ảnh: Xinhua)

Bệnh nhân là một cậu bé bốn tuổi được chuẩn đoán nhiễm virus cúm H7N9 từ hôm 4-4, ba ngày sau cậu bé bắt đầu sốt cao và được chỉ định vào bệnh viện điều trị.

Giáo sư Lu HongZhou tại Bệnh viện chăm sóc sức khỏe công Thượng Hải cho hay, các theo dõi bệnh án cho thấy rằng nếu bệnh nhân nhiễm virus cúm H7N9 được điều trị trong vòng không quá 5 ngày kể từ khi có các triệu chứng cúm, các biện pháp chữa trị hiện tại có thể điều trị hiệu quả bệnh này.

Giáo sư Lu nói: “ Quá năm ngày, các bộ phận nội tạng của bệnh nhân có thể bị tổn thương, và các loại thuốc như oseltaminir sẽ phát huy rất ít tác dụng đối với người bệnh”.

Các bác sĩ tại bệnh viện Nhi, một trong các bệnh viện của Thượng Hải được chỉ định chữa trị cho các bệnh nhiêm nhiễm cúm H7N9 cho hay họ đã không sử dụng một lượng lớn thuốc chống virus cho cậu bé bốn tuổi này nhằm giảm thiểu các tác dụng phụ.

Cho đến nay, chủng virus cúm H7N9 đã làm thiệt mạng 9 người kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại Thượng Hải hôm 1-3. Tất cả các ca nhiễm H7N9 đều được phát hiện tại Thượng Hải và các tỉnh miền đông Trung Quốc Chiết Giang Giang Tô và An Huy.

Tổ chức Y tế Thế giới hôm đầu tuần cho biết chưa có bằng chứng cho thấy virus H7N9 có thể truyền từ người sang người.

Tính đến 18 giờ (theo giờ địa phương) ngày 10-4, cơ quan y tế tại Trung Quốc thông báo có thêm hai ca nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 được phát hiện tại Thượng Hải, nâng tổng số ca nhiễm H7N9 trên toàn Trung Quốc lên 33 ca.

Trong lúc đó, hôm nay các nhà khoa học Trung Quốc cho hay họ đang tăng cường việc quản lý các đường chim di cư nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus H7N9.

Theo Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Trung Quốc, khoảng 10 trung tâm bảo tồn động vật hoang dã trên khắp Trung Quốc đã bắt đầu việc kiểm soát các đường bay di trú của các loài chim được cho là có khả năng phát tán virus H7N9 tới miền bắc Trung Quốc.

Các chuyên gia về chim tại Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Tần Hoàng Đảo tại tỉnh Hồ Bắc đang thu thập ba mẫu phân chim mỗi ngày tại bảy điểm quan sát để phân tích. Mỗi năm, có khoảng hàng chục triệu con chim hoang dã di trú từ phương nam qua thành phố Tần Hoàng Đảo. Theo chuyên gia Xiao Jinggui tại trung tâm này, virus cúm H7N9 có thể nhiễm vào rất nhiều loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di trú có khả năng bơi dưới nước.

Ông Xiao khuyến cáo người dân địa phương tránh xa các con chim bị chết hoặc bị thương và báo cáo với cơ quan chức năng.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hôm chủ nhật cảnh báo, các loài chim di cư có thể là nguyên nhân chính đem virus cúm gia cầm H7N9 tới Trung Quốc.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa