Thứ 4, 15/01/2025, 17:50[GMT+7]

Kỹ sư Việt làm thiết bị đo sức khỏe tôm qua lực bật

Thứ 5, 27/10/2022 | 10:13:33
1,767 lượt xem
Anh Dương Hữu Hoàng phát triển thiết bị gắn trong ao để nghe sức bật của tôm, cảnh báo sức khỏe giúp người nuôi điều chỉnh môi trường, giảm tỷ lệ chết.

Dương Hữu Hoàng và thiết bị chứa cảm biến đo sức bật tôm và giám sát máy bơm oxy trong ao nuôi.

Thiết bị do anh Hoàng (37 tuổi) cùng nhóm 5 chuyên gia phát triển từ năm 2018 có thể gắn trên máy bơm oxy, máng cho ăn tự động trong ao nuôi tôm. Thiết bị chứa mạch cảm biến, tích hợp microphone để thu được tiếng tôm bật (búng), đớp mồi. Cảm biến âm thanh sẽ xác định quang phổ âm thanh, độ dày của tiếng bật trong ao từ đó dự đoán sớm tình trạng sức khỏe của tôm. Dữ liệu sẽ được đưa về khu vực điều khiển trung tâm bằng sóng radio, hiển thị dưới dạng đồ thị.

Tác giả cho biết, thiết bị được đặt ở vị trí đặt máy cho ăn, thu thập dữ liệu giúp chủ ao đánh giá sức khỏe của tôm để điều chỉnh thức ăn theo nhu cầu, tăng tỷ lệ sóng sót.

Theo Hoàng, khi tôm khỏe tần suất bật cao, có thể lên 100 lần mỗi phút. Nếu tôm yếu tần suất bật ít hơn, có khi không bật và nổi trên mặt nước rồi chết. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng chương trình lọc âm để loại bỏ tạp âm, có thể phân biệt được tiếng ồn từ tôm bật và tiếng ồn của máy bơm, quạt nước...

Ngoài dữ liệu về sức bật, để xác định sức khỏe tôm cần thêm các chỉ số môi trường khác như oxy, carbonic (CO2), amoniac (NH3), hydro sunfua (H2S)... có trong nước. Nhóm đã phát triển thêm thiết bị có gắn cảm biến đo CO2, HN3, H2S... thông qua chất thải tôm.

Bộ thiết bị phần cứng đo các chỉ số môi trường trong ao tôm do anh Hoàng cùng nhóm phát triển. Ảnh: Hà An

Bộ thiết bị phần cứng đo các chỉ số môi trường trong ao tôm do nhóm phát triển.

Hoàng cho biết, các thiết bị sử dụng trong ao tôm truyền dữ liệu thông qua sóng radio, khoảng cách truyền có thể lên tới 5 km, phù hợp quy mô ao tôm diện tích lớn. Hiện sản phẩm của nhóm đang ứng dụng trên bốn ao nuôi ở Đồng Nai, Tiền Giang, Kiên Giang để đánh giá hiệu quả.

Vốn là kỹ sư ngành tự động hóa, từng làm việc trong lĩnh vực IoT nhưng Hoàng chứng kiến nông dân muốn sử dụng các thiết bị cho ao tôm phải mua với giá đắt (tới gần 100 triệu đồng cho mỗi ao tôm). Hoàng muốn làm một sản phẩm của người Việt giá thành rẻ hơn, công nghệ hoàn toàn trong nước. Sản phẩm của nhóm hiện giá chỉ bằng khoảng 1/10 so với nhập ngoại, có thể dễ dàng thay thế linh kiện trong quá trình bảo hành, đổi trả khi sản phẩm lỗi mà không phụ thuộc vào đơn vị khác. "Nhóm mong muốn hợp tác với các sở ngành, địa phương cho nông dân dùng thử sản phẩm ở quy mô lớn để đánh giá hiệu quả của hệ thống", Hoàng nói.

Giải pháp vừa giành giải ba cuộc thi chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Vườn ươm doanh nghiệp Khu nông nghiệp công nghệ cao TP HCM tổ chức mới đây.

Đánh giá đây là sản phẩm thiết thực cho ngành tôm trong nước, song ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam, cho rằng đây là sản phẩm không mới. Nhóm mới đo được vài chỉ số trong khi ao nuôi tôm trong khi có tới 16 chỉ tiêu giám sát khác nhau. "Thông qua dữ liệu nghe tôm búng, nhóm cần đưa ra phân tích sức khỏe và mật độ tôm trong ao để có cơ sở khoa học cho việc này", ông Tùng nói.

Theo vnexpress.net