Thứ 3, 26/11/2024, 13:48[GMT+7]

Điểm nhấn khoa học công nghệ 2022

Thứ 2, 26/12/2022 | 09:25:07
2,164 lượt xem
Trong xu thế tái thiết sau đại dịch, Việt Nam xác định lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm đòn bẩy đưa nền kinh tế bứt phá.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam tăng 5 bậc toàn cầu

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam năm 2022 xếp thứ 54/100 trên bảng xếp hạng toàn cầu do StartupBlink công bố (tăng 5 bậc so với năm ngoái). Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, xếp hạng của Việt Nam cũng tăng từ vị trí 13 lên 12. Ở Đông Nam Á, Việt Nam vươn từ thứ 6 lên thứ 5 và được dự báo có khả năng vượt qua Thái Lan (thứ 4 trong khu vực) trong năm sau, nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực như hiện nay.

Sự lớn mạnh của hệ sinh thái là kết quả nỗ lực sau 8 năm kể từ lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, cơ chế, chính sách cũng dần được cải thiện. Điều này thể hiện trên bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), Việt Nam từ hạng 52/141 quốc gia/nền kinh tế (năm 2015) đã đạt hạng 48/132 (năm 2022) và trở thành một trong 3 nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất cho đến nay.

Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam có 5 đặc điểm lớn. Đó là sự tham gia cộng hưởng rộng khắp cả nước; sự năng động của các chủ thể tham gia; nền tảng hạ tầng nhân lực được củng cố; năng lực kết nối và khai thác nguồn lực quốc tế ngày càng được cải thiện; ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế tham gia các hoạt động trong hệ sinh thái, hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo thêm nguồn lực quan trọng cho hệ sinh thái.

Khi tiếp cận hệ sinh thái này, những người khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, hạ tầng làm việc, kinh nghiệm kinh doanh và có thể được đặt hàng từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Việc hình thành hệ sinh thái "như một khu vườn tốt là điều kiện cần thiết để các hạt giống khởi nghiệp phát triển, tạo lập, sinh sôi được các giá trị gia tăng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại Techfest quốc gia 2022 tổ chức tại Bình Dương tháng 12.

Nhóm nghiên cứu trẻ làm việc tại Co-working space, Trung tâm Phân tích chia sẻ nguy cơ An ninh mạng tại Công ty An ninh mạng Viettel. 

Xây dựng bảng phân hạng năng lực công bố về trí tuệ nhân tạo

Trong năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đối tác đã xây dựng bảng phân hạng năng lực công bố về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam. Khi có bảng xếp hạng riêng cho Việt Nam, cộng đồng học thuật, học sinh, sinh viên sẽ lựa chọn được nơi học tập, công tác; các cơ sở có tham chiếu, phân tích được điểm mạnh, yếu để làm tốt nghiên cứu, đào tạo. Qua bảng xếp hạng này, cơ quan quản lý nhà nước cũng có thông tin để đánh giá, từ đó đầu tư và có kế hoạch giao nhiệm vụ phù hợp.

Hoạt động kết nối, thúc đẩy ứng dụng, truyền cảm hứng trong giới nghiên cứu trí tuệ nhân tạo năm 2022 cũng được đẩy mạnh, điểm nhấn là Ngày hội trí tuệ Việt Nam (AI4VN). Sau bốn năm tổ chức, sự kiện thu hút sự quan tâm của các cơ quan ban hành chính sách, nhà quản lý, tập đoàn công nghệ, đơn vị nghiên cứu... Hoạt động này cũng góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.

Chia sẻ tại AI4VN 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận đã có nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo không chỉ từ những doanh nghiệp lớn, uy tín mà còn cả các doanh nghiệp nhỏ. Nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã thể hiện trong nhiều lĩnh vực, như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, công nghiệp, canh tác, thương mại điện tử...

VinFuture kết nối cộng đồng khoa học thế giới với Việt Nam

Giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture 2022 khẳng định tầm ảnh hưởng khi thu hút các nhà khoa học danh tiếng thế giới đến Việt Nam. Năm nay, trong số các nhà khoa học tham dự lễ trao giải có hai nhà khoa học từng giành giải Nobel Vật lý - GS Gérard Albert Mourou và GS Sir Kostya S.Novoselov FRS, chủ nhân giải Millennium Technology Vật lý - Sir Richard Henry Friend, cùng nhiều tên tuổi có đóng góp lớn trong đời sống của hàng triệu người. Họ đã có các buổi giao lưu cùng các nhà khoa học Việt Nam, truyền cảm hứng cho những người nghiên cứu trẻ, sinh viên cùng tìm các giải pháp để giải những bài toán thực tế cuộc sống đang đặt ra.

Tại lễ trao giải VinFuture lần thứ hai, ngày 20/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét: "Một trong những khác biệt nổi bật của VinFuture là tác động lan tỏa toàn cầu và truyền cảm hứng tới cộng đồng khoa học ở khắp nơi trên thế giới".

Những phát hiện và tôn vinh công trình nghiên cứu ở cả mùa một và mùa hai của chương trình đã chứng minh tính tác động toàn cầu của các nghiên cứu khoa học. Đó là nghiên cứu về nền tảng tạo ra vaccine Covid-19 được tôn vinh giải chính ở mùa một. Công trình chứng minh sức ảnh hưởng với hơn 150 quốc gia hưởng lợi từ nghiên cứu này. Ở mùa hai, giải chính vinh danh phát minh kết nối công nghệ mạng toàn cầu - thay đổi phương thức giao tiếp, làm việc và đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế, xã hội hiện đại.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (giữa) trao chứng nhận cho các tác giả giải chính của VinFuture 2022.

Những công trình khoa học hữu ích với cuộc sống của hàng triệu người, hướng tới một thế giới phát triển công bằng hơn cũng là mục tiêu được Quỹ VinFuture xác lập từ đầu. "VinFuture là sợi dây bền chặt gắn bó các nhà khoa học Việt Nam và thế giới. Và cũng là nhịp cầu để các nhà nghiên cứu, phát minh trên toàn cầu hiện thực hóa những khát vọng khoa học để phụng sự nhân loại", ông Vương Đình Huệ nói.

Việt Nam lần đầu có Ngày Chuyển đổi số quốc gia

Năm nay, Ngày Chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đầu tiên được tổ chức vào 10/10. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá "đây là sự kiện quan trọng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và công dân số".

Sự kiện ra đời với ba mục tiêu chính: thúc đẩy triển khai chuyển đổi số quốc gia; nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số và thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân.

Ngày Chuyển đổi số quốc gia là một trong những dấu mốc nổi bật trong hành trình chuyển đổi số tại Việt Nam năm nay. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã đạt được các thành tích trong chuyển đổi số, như tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được đưa lên mức độ 4 ước đạt 100%, tăng 4% so với năm 2021; tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt 52,8% trên tổng số hồ sơ hành chính, tăng 17,5%...

Chuyển đổi số cũng dần đi vào cuộc sống và đóng góp vào nền kinh tế. Những giải pháp số như mua hàng online, thanh toán trực tuyến, sử dụng nền tảng số quốc gia... đã trở nên phổ biến. Số lượng giao dịch trên nền tảng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia - NDXP ước đạt 860 triệu giao dịch, tăng 5 lần so với năm trước. Hơn 500 triệu tài khoản trên các nền tảng số Việt Nam được lập. Trong sáu tháng đầu năm, số lượng và giá trị giao dịch qua điện thoại di động tăng lần lượt 98,3% và 84,3%, riêng giao dịch QR code tăng 86% và 127% so với cùng kỳ 2021.

Đến cuối 2022, Việt Nam có 70.000 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã phát triển ra thị trường nước ngoài. Hai doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu tỷ USD từ nước ngoài là FPT đạt một tỷ USD, Viettel ba tỷ USD. Báo cáo của Google cũng cho thấy, Việt Nam tăng trưởng kinh tế số mạnh nhất Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa trong nền kinh tế số Việt Nam dự đạt 23 tỷ USD.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gọi 2020 là năm khởi động chuyển đổi số, 2021 là năm tổng diễn tập, 2022 là tổng tiến công về chuyển đổi số, còn 2023 sẽ là năm chuyển đổi số đem lại những giá trị thực chất.

Chuỗi cung ứng công nghệ chuyển dịch về Việt Nam

Thông tin về việc các hãng công nghệ chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy rộ lên từ năm 2021, sau khi chuỗi cung ứng tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 và thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng.

Cuối tháng 5, Xiaomi Việt Nam tuyên bố đã có những lô điện thoại đầu tiên được sản xuất tại nhà máy đối tác ở Thái Nguyên, chuyển đến nhà phân phối trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường Đông Nam Á.

Nhà máy sản xuất điện thoại Xiaomi tại Việt Nam. Ảnh: Xiaomi

Đến tháng 6, nguồn tin từ Nikkei cũng khẳng định Apple cùng đối tác BYD đã xây dựng xong nhà máy và sản xuất một lượng iPad nhất định, đánh dấu lần đầu máy tính bảng Apple được lắp ráp bên ngoài Trung Quốc. Trước đó, các công xưởng như Foxconn, Goertek, Luxshare đều có nhà máy ở Việt Nam, lắp ráp các thiết bị Apple như loa HomePod, tai nghe AirPods.

Trong danh sách đối tác cung ứng được Apple công bố hồi tháng 10, Việt Nam là nơi đặt nhà máy của 25 trên tổng số 190 đối tác của hãng, tăng 19% so với năm trước đó. Ngoài ra, điện thoại Samsung, Google Pixel cũng là những sản phẩm "made in Vietnam" từ nhiều năm trước.

Theo Tổng Cục thống kê, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đã sản xuất nhiều sản phẩm cho thế giới, như điện thoại, máy tính bảng, bo mạch chủ, màn hình, tivi, camera, thiết bị máy văn phòng và các sản phẩm quang học... Trong 11 tháng của năm 2022, điện thoại và linh kiện là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 55,4 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

"Chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo xu hướng dịch chuyển nguồn cung để giảm phụ thuộc vào một quốc gia. Việt Nam có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính và tăng cường thu hút FDI", bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, nhận định tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần IV ngày 8/12.

Thành lập Hiệp hội blockchain

Theo thống kê của Yield Guild Games (YGG SEA) đến đầu tháng 5, thị trường Việt Nam có khoảng 1.000 dự án game blockchain đang triển khai. Nổi bật nhất là Axie Infinity, từng có tổng giá trị vốn hóa đạt mốc 9,7 tỷ USD. Khoảng 10 startup Việt trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD. Trong khi những kỳ lân công nghệ trước của Việt Nam mất hàng chục năm mới được định giá trên một tỷ USD, startup blockchain Sky Mavis chỉ mất 3 năm.

Trước sự sôi động của thị trường blockchain, ngày 27/4/2022, Hiệp hội Blockchain Việt Nam - VBA được Bộ Nội vụ phê duyệt thành lập. Việt Nam trở thành một trong số ít những quốc gia đầu tiên trên thế giới có một hiệp hội blockchain chính danh. Hiện hiệp hội có hơn 50 thành viên, đối tác trong nước và quốc tế.

Một triển lãm blockchain vào tháng 5 tại Hà Nội.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ, phát biểu trong lễ ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam hôm 20/5, tại Hà Nội: "Blockchain đang có tiềm năng to lớn khi doanh nghiệp, nhà khoa học, các kỹ sư theo đuổi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ này ngày càng tăng. Nhu cầu kết nối, chia sẻ và hỗ trợ ngày càng mạnh mẽ nên việc ra đời của Hiệp hội Blockchain Việt Nam là cần thiết và ý nghĩa".

Theo ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực VBA, sự ra đời của hiệp hội có hai ý nghĩa lớn. Đầu tiên, nó cho thấy chính phủ Việt Nam đang hòa chung với xu thế toàn cầu, là minh chứng về một chính phủ số năng động, nhạy bén với công nghệ mới. Về phía cộng đồng và doanh nghiệp, dấu mốc này củng cố niềm tin Việt Nam không thụt lùi công nghệ so với thế giới. Thứ hai, kể từ khi ra đời, hiệp hội đã mở ra những cuộc đối thoại giữa cộng đồng blockchain với cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội ngành nghề khác. Việc này giúp phổ cập công nghệ, thúc đẩy ứng dụng blockchain vào các ngành nghề truyền thống chứ không chỉ dừng lại ở thị trường tiền mã hoá hay GameFi.

Trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam

Ngày 23/12, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung tại Hà Nội đi vào hoạt động, đánh dấu Việt Nam trở thành nơi đặt trung tâm R&D lớn nhất của hãng trong khu vực. Trung tâm có quy mô đầu tư 220 triệu USD, được khởi công từ tháng 3/2020 và hoàn thành sau hơn hai năm, dự kiến là nơi làm việc của 3.000 kỹ sư Việt Nam trong việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới về di động.

Trung tâm R&D được đầu tư 220 triệu USD của Samsung tại Hà Nội.

Trước đó, một số hãng công nghệ lớn như Qualcomm, LG, Grab... cũng đã mở trung tâm công nghệ ở Việt Nam. Thị trường Việt Nam, vốn được thế giới biết đến nhiều hơn ở vai trò gia công phần cứng lẫn phần mềm, nay đang chuyển dần sang hướng nghiên cứu và phát triển. Ông Roh Tae Moon, Tổng Giám đốc Samsung Electronics, kỳ vọng: "Các nhân tài trưởng thành từ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Samsung sẽ đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam, vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu, trở thành cứ điểm chiến lược ưu tiên hàng đầu về nghiên cứu và phát triển quy mô lớn".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cũng như các tập đoàn, doanh nghiệp luôn chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là các nghiên cứu có tính ứng dụng cao. Việc các tập đoàn lớn đặt trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam là minh chứng cho những chủ trương, chính sách đúng đắn trong việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao.

Theo giới chuyên gia, việc một số tên tuổi lớn chọn Việt Nam để thành lập trung tâm R&D là dấu hiệu cho thấy người Việt đủ năng lực tham gia vào những mảng có giá trị cao nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp trong nước cần thu hút và giữ chân nhân tài trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ.

Theo vnexpress.net