Thứ 3, 26/11/2024, 21:20[GMT+7]

Bỏ quy định 'treo 2 năm với chủ nhiệm đề tài nghiệm thu không đạt'

Thứ 6, 10/02/2023 | 10:27:37
1,054 lượt xem
Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự thảo thông tư quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia với nhiều điểm đổi mới, tạo điều kiện cho các nhà khoa học sáng tạo.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc tại hội thảo.

Thông tin về những điểm đổi mới được Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ chiều 9/2 khi lấy ý kiến các đơn vị tại Hà Nội. Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ban ngành đã sửa đổi dự thảo 5 thông tư. Các nội dung tập trung tháo gỡ những khó khăn trong tổ chức quản lý các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia; trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ; tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ; kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và cuối cùng là đánh giá nghiệm thu.

Theo Bộ trưởng, các quy định được sửa đổi theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, đồng thời chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, tăng cường hậu kiểm trong quản lý nhiệm vụ, bảo đảm liêm chính học thuật.

Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, làm rõ thêm những điểm mới. Cụ thể những sửa đổi tại thông tư 08 về tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ, hướng chú trọng về thể chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học.

Trước đây có quy định chủ nhiệm đề tài nghiệm thu bị treo 2 năm không được xét tuyển chọn nếu có nhiệm vụ trước đó bị kết luận không đạt. Điều này khiến nhiều nhà khoa học e ngại, không dám "dấn thân". Ông Hải cho hay, quy định "treo" đi ngược với tinh thần phải chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, mặc định "nếu đã nghiên cứu là phải thành công".

Ở dự thảo mới điều này được xoá bỏ, tuy nhiên ông nhấn mạnh bỏ không có nghĩa nới lỏng hoàn toàn. "Vẫn có những quy định để xem xét cẩn trọng nếu có nghiên cứu chưa đạt, song giúp đảm bảo để nhà khoa học không bị loại khỏi cuộc chơi", ông nói.

Việc đơn giản hoá về thủ tục cũng được đề cập trong sửa đổi thông tư 08. Ông Hải dẫn chứng về vụ động đất tại Kon Tum, theo yêu cầu từ Thủ tướng, Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu và chủ trì nhiệm vụ song chưa được phê duyệt dù động đất xảy ra cách đây 4 tháng.

Theo ông Hải, việc sửa đổi để "tạo đường chạy", nhất là đối với các nhiệm vụ cấp bách, phát sinh có tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội đất nước, ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh. Thông qua ý kiến tư vấn của các chuyên gia, tổ chức xác định và giao thẩm quyền quyết định cho Bộ trưởng để rút ngắn các bước theo trình tự thủ tục để đảm bảo tiến độ.

Ông Nguyễn Nam Hải chia sẻ về những điểm mới trong sửa đổi thông tư về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

Ông Nguyễn Nam Hải chia sẻ về những điểm mới trong sửa đổi thông tư về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đánh giá, đây là lần đầu tiên sửa đổi cùng lúc 5 thông tư bao trùm toàn bộ từ khâu xác định, đặt hàng nhiệm vụ đến đánh giá nghiệm thu. Các điều chỉnh này theo hướng tạo điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu và thực hiện triển khai các chương trình.

GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, đề xuất việc tích hợp 5 thông tư, giúp đơn giản hơn cho các nhà khoa học khi tiếp cận các quy định mới.

Đánh giá cao sáng kiến sửa đổi song ông Hàm cho rằng, vẫn cần điều chỉnh một số quy định để phù hợp nội dung nghiên cứu và phân bổ nguồn lực như kinh phí, khung và mức thời gian thực hiện nhiệm vụ.

Dẫn ví dụ ở lĩnh vực nông nghiệp, ông cho hay trung bình tạo cây biến đổi gene cần mất 13 năm, hay việc tạo giống, chu kỳ chọn tạo giống mất 10-15 năm, do đó với khung hiện nay nếu không thay đổi sẽ rất khó.

Hội thảo diễn ra hai ngày từ 9-10/2 tại Hà Nội và TP HCM. Ảnh: N.H

Các đại biểu tham dự tại hội thảo chiều 9/2. 

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, các chính sách dự kiến ban hành trong quý I. Bộ tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu ở Hà Nội (ngày 9/2) và TP HCM (10/2). Các góp ý của nhà quản lý, khoa học và doanh nghiệp sẽ giúp Bộ hoàn thiện, điều chỉnh trước khi ban hành.

Hiện cả nước có khoảng 40 chương trình khoa học công nghệ quốc gia, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý 2 quỹ (Nafosted và Natif) cùng 20 chương trình, các chương trình còn lại do các bộ ngành quản lý. Các dự án tham gia chương trình khoa học công nghệ quốc gia được tài trợ 30 - 70% kinh phí, quỹ Nafosted có thể tài trợ 100% kinh phí. Các chương trình có 3 hướng hỗ trợ cho các nghiên cứu cơ bản, ứng dụng và thương mại hóa công nghệ.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, việc tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, cơ bản hoàn thiện. Việc tái cơ cấu theo hướng bám sát nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh.

Theo vnexpress.net