Thứ 4, 27/11/2024, 04:37[GMT+7]

Nuôi bọ diệt lục bình

Thứ 2, 20/03/2023 | 10:53:39
1,505 lượt xem
Nhóm nhà khoa học Trung tâm công nghệ sinh học nhiệt đới sử dụng hai loài bọ cánh cứng Neochetina ăn các bộ phận lục bình, hiệu quả 60% sau 6 tháng.

Trưởng nhóm nghiên cứu TS Lê Khắc Hoàng cho biết, nhóm xây dựng quy trình nuôi cấy bọ Neochetina gồm hai loài Neochetina eichhorniae và Neochetina bruchi trong 2 năm từ 2020 - 2021. Bọ Neochetina rất thích ăn chồi non và hoa của lục bình. Bọ có đặc điểm chỉ gây hại trên lục bình, không gây hại trên sinh vật khác nên đảm bảo tính an toàn sinh học. Bọ Neochetina ở ngoài thiên nhiên có số lượng rất ít, nên nhóm thu bắt, sau đó nhân nuôi.

Kết quả thử nghiệm sau 4 tháng lục bình bị tiêu diệt theo mật độ bọ với hình a thả mật độ 1 cặp bọ mỗi cây, tăng dần tới hình f 10 cặp bọ mỗi cây và hình g không thả bọ. Ảnh: NVCC

Kết quả thử nghiệm sau 4 tháng lục bình bị tiêu diệt theo mật độ bọ với hình a thả mật độ 1 cặp bọ mỗi cây, tăng dần tới hình f 10 cặp bọ mỗi cây và hình g không thả bọ.

Loài này được xây dựng khu vực nuôi riêng, diện tích tối thiểu 10 m2, có mái che 30% nắng, đảm bảo khô ráo, thoáng khí. Lục bình được dùng làm nguồn thức ăn cho bọ. Khi thả bọ vào nuôi, chúng sẽ bắt cặp và sinh sản với mật độ cao. Sau 45 - 60 ngày nuôi có thể thu hoạch và phóng thích ra môi trường có lục bình. Trong giai đoạn này, nhóm nghiên cứu đã nhân nuôi 300.000 cặp bọ có thể phóng thích quy mô trên 20.000 m2 để kiểm soát lục bình. Mật độ phóng thích khoảng 7 - 10 cặp trên một m2, nếu mật độ nhiều hơn sẽ cho hiệu quả cao hơn.

Tháng 3/2021, nhóm phối hợp quận đoàn Bình Tân thử nghiệm phóng thích bọ Neochetina tại kênh Tham Lương với diện tích 20.000 m2, che phủ bởi lục bình mật độ trên 52 cây mỗi m2. Kết quả, sau 6 tháng, khoảng 60% lục bình bị bọ ăn, trả lại mặt nước thông thoáng. Theo nhóm, để đạt hiệu quả cao hơn, cần phóng thích bọ ở khu vực nước tĩnh, có bóng mát và bọ cần được thả bổ sung để duy trì mật độ bị suy giảm theo thời gian..

Theo TS Hoàng, ngoài bọ Neochetina, có thể nghiên cứu sử dụng một số chủng nấm ký sinh gây hại trên thân lục bình trong quá trình bọ ăn để giúp quá trình diệt lục bình nhanh hơn. Ông cho biết, đây là hướng mà nhóm đang nghiên cứu kỹ bởi việc phát triển các chủng nấm cần đảm bảo nó không gây hại cho sinh vật khác. "Sau nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi đã hoàn thiện quy trình kiểm soát lục bình bằng bọ Neochetina và mong muốn có các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện ở quy mô lớn", TS Hoàng nói, cho biết thêm với đặc điểm các biện pháp sinh học là không có hiệu quả tức thì mà cần thời gian dài hơn.

Người dân sử dụng máy vớt lục bình trên sông thuộc huyện Thủ Thừa, Long An. Ảnh: Hoàng Nam

Người dân sử dụng máy vớt lục bình trên sông thuộc huyện Thủ Thừa, Long An.

So sánh với phương pháp cơ giới, sử dụng máy và nhân công chụp vớt thường xuyên gây tốn kém chi phí, nhân lực. Nếu sử dụng các thuốc trừ cỏ hóa học, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, theo TS Hoàng, lục bình có khả năng sinh sản nhanh với cả hai hình thức vô tính (từ cành, rễ), hữu tính (từ hoa). Một cây hoa lục bình có khoảng 60.000 hạt để có thể phát triển thành cây với số lượng tương đương số hạt. Vì vậy khả năng nhân bản của chúng rất nhanh.

Đánh giá giải pháp, kỹ sư Nguyễn Ngọc Quỳnh (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) cho rằng, sử dụng côn trùng để tiêu diệt lục bình trên các sông rạch cần cân nhắc rất kỹ tới việc sau lục bình chết hàng loạt có thể ô nhiễm môi trường. Không những thế, bọ khi thả xuống có khả năng tiêu diệt các côn trùng có ích sống ký chủ trên lục bình, làm mất cân bằng sinh học gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

Theo vnexpress.net